Ca lâm sàng: chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt bị liệt hai chân giai đoạn muộn

Ngày đăng: 13/06/2023 Lượt xem 8815

Ca lâm sàng: chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt bị liệt hai chân giai đoạn muộn

GS. TS. Mai Trọng Khoa1,2PGS.TS. Phạm Cẩm Phương1,2, BSNT Vũ Thị Niên2, SV Hoàng Minh Công2

Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội

               Ung thư tuyến tiền liệt hiện nay là một bệnh phổ biến ở nam giới, đứng hàng thứ 3 về tỉ lệ mắc mới sau ung thư vú và ung thư phổi (theo GLOBOCAN 2020).Tỉ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi, gần 60% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán ở độ tuổi trên 65.

               Thực tế, rất nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt ở thể ẩn, không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhânđược phát hiện bệnh tình cờ, hoặc giải phẫu tử thi sau khi tử vong do những nguyên nhân khác. Thường có 2 lý do làm cho bệnh nhân phải đi khám bệnh: các triệu chứng về rối loạn tiểu tiện nhưđái khó, tia đái nhỏ, đái nhiều lần, đái không tự chủ, hay bí đái cấp và các dấu hiệu khi u lan toả hoặc đã có di căn như đau xương, đau tầng sinh môn, phù nề chi dưới hay xuất tinh ra máu...

               Ung thư tiền liệt tuyến nếu phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu và được điều trị tích cực thì có thể khỏi bệnh và cótrên 95% bệnh nhân sống thêm trên 5 năm, thậm chí 10-15 năm sau khi được chẩn đoán. Các phương pháp điều trị cơ bản ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp ức chế androgen, điều trị hóa trị, điều trị miễn dịch kết hợp điều trị triệu chứng như giảm đau, chống hủy xương...

               Ngày nay, với sự tiến bộ trong chẩn đoán, việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt trong cộng đồng đã và đang được nhiều quốc gia quan tâm. Có thể sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm bằng thăm khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: (1) thăm khám trực tràng và làm xét nghiệm PSA máu; (2) siêu âm tuyến tiền liệt qua đường bụng; (3) siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng; (4) chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt; (5) sinh thiết tuyến tiền liệt khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

               Tuy nhiên, ở nước ta, việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh nhân khi chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, di căn xa (hay gặp nhất là di căn xương), gây khó khăn trong việc điều trị và làm giảm thời gian sống thêm cho bệnh nhân, giảm chất lượng cuộc sống.

               Dưới đây là trường hợp ca lâm sàng bệnh nhân bị liệt hai chân, từ đó phát hiện ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn được chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướuBệnh viện Bạch Mai:

Bệnh nhân: N.V.T,nam,77 tuổi

Ngày vào viện: 16/02/2023

Lý do vào viện: liệt 2 chi dưới, đau nhiều cột sống ngực

Bệnh sử:

               Cách vào viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau cột sống ngực, đau lan toàn bộ vùng ngực, tăng khi vận động, thay đổi tư thế, khiho hắt hơi và khi gắng sức, đau lan xuống cột sống thắt lưng, gầysút 5kg/10 ngày, không ho, không sốt, đại tiểu tiện bình thường, nước tiểu vàng trong khoảng 1,5 lít/ngày. Sau đó bệnh nhân xuất hiện liệt 2 chi dưới tăng dần, kèm đại tiểu tiện không tự chủ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch mai khám bệnh và được chụp cộng hưởng từ cột sống ngực, kết quả: tổn thương ngực đa ổ đốt sống kèm chèn ép ngang mức D4-D5. Bệnh nhân được nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị.

Tiền sử:

Bản thân: u phì đại tuyến tiền liệt cách đây 4 năm, điều trị bằng thuốc nam không rõ loại

   + Mắc bệnh Gout (gút) 4 năm, điều trị thường xuyên tại bệnh viện huyện

   + Đái tháo đường mới phát hiện chưa điều trị

- Gia đình: Em trai mắc đa u tủy xương

Khám lâm sàng:

Khám Toàn thân
Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, PS 2, Glasgow 15 điểm.

- Thể trạng trung bình: Cân nặng:  53kg             Chiều cao: 162cm             BMI:20 kg/m2

- Đau nhiều cột sống ngực, tăng khi gắng sức, thay đổi tư thế

DHST: Mạch:82lần/phút                    Nhiệt độ: 370C       

              Huyết áp:120/80 mmHg          Nhịp thở:20 lần/phút

Da và tổ chức dưới da: không phù, không xuất huyết dưới da.

Lông, tóc, móng: chưa phát hiện bất thường

Tuyến giáp không toHạch ngoại vi không sờ thấy

Hội chứng thiếu máu: Không có

Hội chứng nhiễm trùng: Không có

Khám Cơ quan

+ Thận Tiết Niệu

Hố thắt lưng 2 bên cân đối, không sưng nề.

Chạm thận (-), bập bềnh thận (-) 2 bên

Điểm đau niệu quản trên và giữa 2 bên không đau– không thấy đau.

Tuyến tiền liệt: có khối mật độ cứng chắc, không di động,

Cầubàng quang (+/-), nước tiểu 1200ml/ngày.

+ Thần kinh – Cơ Xương khớp

Hội chứng liệt 2 chân (+): Cơ lực chân phải, chân trái 0/5

Hội chứng chèn ép rễ (+): Điểm đau cạnh đốt sống D4 , D5, D6, D7, D8

Rối loạn và giảm cảm giác từ rốn xuống 2 chân (tương ứng mức D6-D7)

Tim mạch: Tim nhịp đều, T1, T2 rõ, mạch ngoại vi bắt rõ

+ Hô hấp: Phổi thông khí đều, rì rào phế nang rõ  

Tiêu hóa: Bụng mềm, không chướng, không u cục

Cận lâm sàng:

Công thức máu: các chỉ số trong giới hạn bình thường

Sinh hóa máu: chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường;

+ Tỷ lệ f PSA/ t PSA: 35,2/ 443,2 ng/ml< 10% và nồng độ PSA ( tự do và toàn phần) tăng cao bất thường (bình thường nồng độ PSA < 4ng/ml)

- Vi sinh: HbsAg (-); HCV Ab (-); HIV Ab/Ag (-)

Cộng hưởng từ cột sống ngựcTổn thương lan tỏa thân lan vào cuống sống và cung sau thân đốt sống thắt ngực, giảm tín hiệu trên T1W, ngấm thuốc mạnh sau tiêm, có chèn ép tủy ngực ngang mức D4/5 gây tăng tín hiệu tủy, ngấm thuốc mạnh sau tiêm

3714 anh 1

Hình 1. Cộng hưởng từ cột sống ngực: tổn thương chèn ép tủy ngực ngang mức D4/5 (mũi tên đỏ)

Chụp cắt lớp vi tính ngực - bụng: Hình ảnh nhiều hạch dọc động mạch chủ bụng và quanh bó mạch chậu hai bên. Đặc xương không đều thân đốt sống ngực, thắt lưng, cùng theo dõi thứ phát

3714 anh 2

3714 anh 3

 

Hình 2. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (bên trái) và ổ bụng (bên phải): tổn thương xương nhiều đốt sống (mũi tên đỏ), nhiều hạch dọc bó mạch chậu 2 bên (mũi tên vàng)

 3714 anh 4

-Cộng hưởng từ tuyến tiền liệt: Hình ảnh tổn thương tuyến tiền liệt lan tỏa (PIRADS 5).

Các tổn thương xương cánh chậu - xương cùng và hạch dọc theo bó mạch chậu – quanh

tuyến tiền liệt - bẹn hai bên theo dõi thứ phát.

 

 

Hình 3. Hình ảnh cộng hưởng từ: Tuyến tiền liệt kích thước không to, xâm lấn túi tinh 2 bên (mũi tên đỏ)

 Bệnh nhân được sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng, kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, Gleason 5+4 = 9 điểm

Chẩn đoán xác định

Ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, hạch, giai đoạn IVB/ Gút/ Đái tháo đường typ 2

Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, Gleason 5+4 = 9 điểm

 Hướng xử trí:

- Chăm sóc, nâng cao thể trạng, phòng chống loét

- Điều trị triệu chứng: giảm đau, thông tiểu ngắt quãng (nếu cần thiết)

- Điều trị liệu pháp nội tiết ung thư tuyến tiền liệt

               Hy vọng, bệnh nhân có thể đáp ứng điều trị, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta, nên đi sàng lọc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, nhất là với nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi khi có tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến tiền liệt….

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan