Hội chứng Ly giải u

Ngày đăng: 19/10/2022 Lượt xem 1443

Hội chứng Ly giải u

Bs. Lương Đình Bính, GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, TS Nguyễn Thanh Hùng

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

(Tổng hợp)

1. Khái niệm:

Hội chứng ly giải u do ung thư là một cấp cứu nội khoa xảy ra khi một lượng lớn tế bào ung thư bị ly giải trong một thời gian ngắn và giải phóng các thành phần của chúng ồ ạt vào trong máu bệnh nhân.

2. Cơ chế bệnh sinh

Khi các tế bào ung thư bị ly giải nhanh chóng trong cơ thể, nồng độ axit uric, kali và phospho tăng nhanh hơn khả năng đào thải của thận sẽ gây ra hội chứng ly giải u. Việc dư thừa phospho trong cơ thể có thể dẫn tới hấp thụ calci và làm giảm nồng độ calci trong máu. Sự thay đổi nồng độ acid uric, kali, phospho và canxi trong máu sẽ ảnh hưởng đến chức năng của một vài cơ quan như tim, não, cơ, đường tiêu hóa và đặc biệt là chức năng thận.

3688 

Hình 1: Sơ đồ cơ chế bệnh sinh

 

3. Triệu chứng

+ Triệu chứng lâm sàng

  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ăn uống không ngon miệng
  • Nước tiểu sậm màu, thiểu niệu hoặc vô niệu
  • Tê bì, co giật và ảo giác
  • Co cứng cơ, đau các khớp
  • Rối loạn nhịp tim

+ Triệu chứng cận lâm sàng

  • Tăng axit uric máu : axit uric máu ≥ 8 mg/dL (476 mmol/L) hoặc tăng thêm 25% so với giới hạn bình thường.
  • Tăng kali máu: nồng độ kali máu ≥ 6.0 mmol/L hoặc tăng thêm 25% so với giới hạn bình thường.
  • Tăng phospho máu: Phosphate máu ≥ 6.5 mg/dL (2.1 mmol/L) đối với trẻ em và ≥4.5 mg/dL (1.45 Mmol/L) đối với người lớn hoặc tăng thêm 25% so với giới hạn bình thường đối với cả hai nhóm tuổi.
  • Hạ Canxi máu: nồng độ canxi máu ≤7mg/dL (1.75mmol/L) hoặc giảm 25% so với giới hạn bình thường.
  • Tăng nồng độ creatinin trong máu: tăng lớn hơn hoặc bằng 1.5 lần giới hạn thấp của giá trị bình thường

4. Hội chứng ly giải u thường gặp ở các bệnh nhân nào?

Không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có nguy cơ gặp phải hội chứng ly giải u. Các bệnh nhân có u dạng lan tỏa, hoặc các u có tốc độ phân chia nhanh như bệnh bạch cầu cấp hoặc u lympho độ cao, cũng như các u có đáp ứng rất nhanh với điều trị có nguy cơ mắc hội chứng ly giải u cao hơn. Hội chứng này có thể gặp trước điều trị tuy nhiên thường gặp nhất trong tuần đầu tiên sau khởi trị. Hội chứng ly giải u không chỉ gặp ở bệnh nhân điều trị hóa trị thông thường mà còn gặp ở các bệnh nhân điều trị bằng các biện pháp khác như liệu pháp corticoid, liệu pháp hormon, điều trị đích hay xạ trị. Các bệnh nhân bị chứng mất nước hay suy giảm chức năng thận có nguy cơ gặp hội chứng ly giải u cao hơn.

5. Phân loại mức độ nguy cơ

Trong đồng thuận được đăng tải trên tạp chí British Journal of Haematology năm 2010 đưa ra phân loại mức độ nguy cơ mắc phải hội chứng ly giải u như sau:

- Nhóm nguy cơ cao:

+ U lympho Burkitt/bệnh bạch cầu giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn sớm nhưng có tình trạng tăng LDH trước điều trị

+ Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho với số lượng bạch cầu 100,000/µL hoặc nồng độ LDH ban đầu gấp đôi chỉ số giới hạn trên bình thường.

+ Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy với số lượng bạch cầu > 10,000/µL

+ U lympho tế bào B lớn lan tỏa có tăng nồng độ LDH trên 2 lần giới hạn trên kèm theo thể khổng lồ (bulky)

- Nhóm nguy cơ trung bình:

+ Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy với số lượng bạch cầu từ 25,000–100,000/µL

+ Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho với số lượng bạch cầu < 100000/µL và nồng độ LDH dưới 2 lần chỉ số giới hạn trên bình thường.

+ U lympho Burkitt/bệnh bạch cầu cấp có nồng độ LDH dưới 2 lần chỉ số giới hạn trên bình thường.

U lympho tế bào B lớn lan tỏa có tăng nồng độ LDH trên 2 lần giới hạn trên không kèm theo thể khổng lồ (bulky)

- Nhóm nguy cơ thấp:

+ Các u lympho tiến triển chậm

+ Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho

+ Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy ở giai đoạn mạn tính

+ Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy có số lượng bạch cầu< 25,000/µL và nồng độ LDH < 2 lần giới hạn trên bình thường.

+ Bệnh đa u tủy xương

+ Các ung thư đặc

6. Dự phòng và điều trị

-       Việc dự phòng hội chứng ly giải u là rất quan trọng đặc biệt với nhóm nguy cơ cao. Theo NCCN, nên tiến hành tiên lượng và điều trị hội chứng ly giải u sớm trước điều trị hóa trị.

-       Nguyên tắc điều trị hội chứng ly giải u bao gồm:

+ Bù lượng dịch cần thiết

+ Kiểm soát tăng acid uric máu

+ Theo dõi thường xuyên điện giải đồ và các dấu hiệu nguy hiểm

-       Điều trị cụ thể:

+      Kiểm soát tăng acid uric:

      Nhóm nguy cơ thấp: sử dụng allopurinol hoặc febuxostat 2-3 ngày trước điều trị và kéo dài 10-14 ngày.

      Nhóm nguy cơ trung bình: allopurinol hoặc rasburicase nếu có suy thận.

      Nhóm nguy cơ cao: sử dụng rasburicase

      Liều lượng thường dùng:

  • Allopurinol 600mg/ngày liều dự phòng. 600-900mg/ngày liều điều trị.
  • Rasburicase: 50-100 U/kg tiêm/truyền tĩnh mạch. Lưu ý xét nghiệm gene G6PD trước khi sử dụng rasburicase.
  • Febuxostat: 120mg/ngày

+      Bù dịch: 3-4 lít/ngày

+      Lợi tiểu: giảm lắng đọng acid uric và calci phosphat ở ống thận

+      Kiểm soát tăng kali máu

  • Sử dụng insulin: thường dùng kèm với glucose truyền tĩnh mạch, giúp chuyển kali từ ngoài vào trong tế bào
  • Canxi gluconate: giúp bảo vệ tim. Đường dùng: tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

 7. Lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia cho cộng đồng?

                Hội chứng ly giải u là một hội chứng không thường gặp với các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên nếu không được đánh giá đúng, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Việc đánh giá mức độ nguy cơ và điều trị dự phòng là hết sức quan trọng đặc biệt với nhóm nguy cơ cao. Vì thế tất cả các bệnh nhân ung thư cần được tiến hành sàng lọc, đánh giá cẩn thận tại các cơ sở uy tín trước khi quyết định tiến hành các biện pháp điều trị bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa (2020) và CS. Hội chứng ly giải u - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu, Bộ Y tế. Nhà xuất bản Y học
  2. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang (2019). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
  3. Howard SC, Trifilio S, Gregory TK, et al. Tumor lysis syndrome in the era of novel and targeted agents in patients with hematologic malignancies: a systematic review. Ann Hematol 2016; 95:563.
  4. Roeker LE, Fox CP, Eyre TA, et al. Tumor Lysis, Adverse Events, and Dose Adjustments in 297 Venetoclax-Treated CLL Patients in Routine Clinical Practice. Clin Cancer Res 2019; 25:4264.
  5. Coiffier B, Altman A, Pui CH, et al. Guidelines for the management of pediatric and adult tumor lysis syndrome: an evidence-based review. J Clin Oncol 2008; 26:2767.
  6. Montesinos P, Lorenzo I, Martín G, et al. Tumor lysis syndrome in patients with acute myeloid leukemia: identification of risk factors and development of a predictive model. Haematologica 2008; 93:67.

Tin liên quan