Mối liên hệ giữa paraben và bệnh ung thư

Ngày đăng: 21/11/2012 Lượt xem 1983

Paraben là một chất bảo quản có tên hóa học là benzoate alkyl hydroxy. Paraben được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể từ dầu gội đầu đến các dung dịch bôi trơn, làm mềm da... Một thông tin đáng ngạc nhiên khác là paraben còn được pha thêm vào các thực phẩm và thuốc tân dược bán theo toa. Thực tế chắc chắn là hằng ngày chúng ta vẫn đang tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm có chứa paraben và chưa biết hết những tác hại đáng ngờ của nó.

Paraben và ung thư - mối liên quan đến estrogen

Việc nghi ngờ có sự liên quan giữa paraben và ung thư đầu tiên xuất hiện vào năm 1998. Tại thời điểm đó, các nghiên cứu đã bắt đầu phát hiện những tác dụng giống estrogen của paraben. 12 nghiên cứu sau đó khẳng định, những tác dụng giống estrogen ở chuột thí nghiệm đã được tiêm paraben. Kết quả cho thấy, thực tế có một dạng hoạt động yếu của estrogen.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một điểm tích cực là paraben hấp thu qua đường ăn uống không cho thấy có tác dụng giống estrogen. Có vẻ như paraben trong thực phẩm và thuốc uống chỉ có ảnh hưởng không đáng kể.

Tại sao phải quan tâm lo lắng?

Hiệp hội Mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cơ thể và nước hoa Mỹ cho rằng, paraben là an toàn. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ cộng đồng quốc tế lại cho rằng đó chưa phải là điều chắc chắn. Vấn đề này phải được nghiên cứu thêm trước khi có những tuyên bố chắc chắn.

Trước tiên, những tác dụng giống estrogen liên quan đến các kết quả nghiên cứu về liệu pháp thay thế hormon (HRT) ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Nghiên cứu về HRT đã thiết lập được sự liên quan giữa estrogen và ung thư vú. Tuy các tác dụng giống estrogen trong paraben là rất thấp so với liệu pháp HRT, nhưng một thực tế là paraben được sử dụng trong phần lớn các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Chỉ cần nhìn lên các kệ treo tường trong phòng tắm là đủ rõ. Thậm chí, nhiều sản phẩm chăm sóc da được mệnh danh là từ nguồn gốc thiên nhiên, thảo mộc cũng có chứa các chất bảo quản này.
 
Điều đó dẫn đến việc sử dụng rộng rãi chất paraben hằng ngày trong nhiều năm. Ý nghĩa của điều này là làm tăng sự cảnh báo. Sản phẩm chăm sóc cá nhân khiến một người lớn trung bình phơi nhiễm với 126 hóa chất mỗi ngày! Điều này đặt ra những câu hỏi khác như:

- Nguy cơ khi kết hợp paraben với những hóa chất khác ra sao?

- Tác động tích lũy khi phơi nhiễm trong thời gian dài thế nào?

Tại thời điểm hiện nay, nghiên cứu chưa được tiến hành đầy đủ để kết luận việc sử dụng kéo dài các hợp chất kể trên có an toàn hay không.

Những nghiên cứu gần đây không chứng minh được mối quan hệ nhân - quả giữa paraben và ung thư. Nó chỉ nêu lên sự nghi ngờ đủ để cho thấy là cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa. Có lẽ chúng ta đang tự hỏi phải làm gì với tất cả những thông tin này. Có nên thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân hay không?

Đáng tiếc là không dễ dàng đưa ra câu trả lời rõ ràng. Nhưng để giúp có thêm khái niệm, sau đây là những điều chúng ta đã biết và chưa biết vào thời điểm này.

Có thể nói, paraben có trong một số mô ung thư vú, nó được hấp thu bởi cơ thể và có vẻ như xuất hiện ở các mô thông qua da, thay vì qua đường ăn uống. Paraben thúc đẩy tác dụng giống estrogen ở động vật phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, chưa thể nói: Paraben gây ra ung thư; chất khử mùi hoặc lăn khử mùi gây ra ung thư; paraben chỉ tồn tại trong cơ thể ở các mô vú.

2015 My-pham-la-nhung-san-pham-luu-lai-tren-da-can-quan-tam-56b61
Hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều sản phẩm có chứa paraben từ mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cơ thể.

Những sản phẩm nào cần quan tâm nhất?

Nguy cơ tiềm tàng lớn nhất đến từ những sản phẩm lưu lại trên da. Chúng có thêm thời gian để xâm nhập qua da và vào máu như: dung dịch giữ ẩm da, sữa dưỡng thể, kem bôi da, son phấn, mascara, lăn khử mùi, kem chống nắng.

Những sản phẩm chỉ lưu trên cơ thể trong một thời gian ngắn trước khi được xả trôi sẽ ít có khả năng hấp thụ như: xà phòng, sữa tắm, chất tẩy rửa, dầu gội đầu, dầu xả.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể loại bỏ tất cả các sản phẩm chăm sóc da có chứa paraben và thực hiện những nguyên tắc phòng ngừa.

Các "nguyên tắc phòng ngừa"

Nguyên tắc phòng ngừa: Nếu có khả năng gây hại, tốt nhất nên thực hiện nguyên tắc an toàn là chính. Nguyên tắc này thúc đẩy hành động phòng ngừa về mặt sức khỏe cộng đồng hơn là chờ đợi phải có "bằng chứng" khoa học. Tin tốt lành là nhiều nhà sản xuất đang lắng nghe công chúng và loại bỏ dần paraben từ các sản phẩm của họ. Nếu vẫn còn lo ngại về paraben và ung thư, thật dễ dàng, hãy tránh xa các hóa chất gây tranh cãi này.

Đọc công thức hóa học trên các nhãn hàng hóa... tìm kiếm các thành phần như ethylparaben, butylparaben, methylparaben, isopropyl, propylparaben, isobutylparaben hoặc parahydroxybenzoate: sự hiện diện của chúng cho thấy sản phẩm đó có chứa chất bảo quản paraben kể trên.  

Theo suckhoedoisong

Tin liên quan