Người bệnh đái tháo đường cần làm gì khi mắc ung thư?
BSNT Phạm Minh Lanh, GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, TS Phạm Văn Thái.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Ung thư và đái tháo đường type 2 (sau đây gọi là đơn giản là đái tháo đường) đều có chung một số yếu tố nguy cơ như: tuổi, giới tính, hút thuốc, uống rượu bia, thừa cân và ít vận động. Do đó, tỷ lệ đồng mắc ung thư và đái tháo đường tương đối cao với 8-18% bệnh nhân ung thư và con số này được dự đoán ngày càng tăng. Nghiên cứu mới đây tại Anh cho thấy ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bệnh đái tháo đường.
Do đó việc quản lý bệnh đái tháo đường rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn và có thể ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch điều trị ung thư.
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gì khi điều trị ung thư?
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ khi điều trị ung thư vì:
• Một số phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ của chúng có thể làm tăng hoặc giảm đường huyết.
• Một số phương pháp điều trị ung thư có thể làm cho các biến chứng của bệnh đái tháo đường trở nên nặng hơn.
• Những người mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn khi điều trị ung thư. Ví dụ, khả năng bị nhiễm trùng cao hơn.
Những vấn đề này có thể gây khó khăn cho việc điều trị ung thư theo đúng kế hoạch.
Phương pháp điều trị ung thư nào có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường?
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về nguy cơ này để có kế hoạch điều trị ung thư phù hợp với tình trạng bệnh đái tháo đường và cách quản lý đường huyết.
Bác sĩ của bạn có thể giúp bạn theo dõi và quản lý đường huyết trong quá trình điều trị ung thư như:
• Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên hơn
• Điều chỉnh liều lượng thuốc đái tháo đường hiện tại
• Bắt đầu dùng thuốc trị đái tháo đường mới
Một số phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến đường huyết và các biến chứng của đái tháo đường:
Hóa trị. Một số loại hóa trị có liên quan đến tăng đường huyết như 5-fluorouracil (5-FU), nhóm platinum (ví dụ cisplatin). Ngoài ra, nếu bạn đã bị tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường, một số loại thuốc hóa trị có thể khiến tình trạng này trở nên nặng hơn hơn.
Thuốc steroid. Steroid có thể gây ra tăng đường huyết do tăng đề kháng insulin. Bác sĩ có thể kê steroid để điều trị tác dụng phụ của bệnh ung thư như buồn nôn và đau hoặc steroid cũng có thể là một phần của phương pháp điều trị ung thư. Các steroid thường được sử dụng bao gồm dexamethasone, hydrocortisone, prednisone và methylprednisolone.
Liệu pháp điều trị đích. Một số thuốc điều trị đích có thể ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết như thuốc ức chế mTOR kinase, như everolimus và thuốc ức chế ABL kinase, chẳng hạn như nilotinib.
Liệu pháp miễn dịch. Một số loại thuốc miễn dịch có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như pembrolizumab (Keytruda) và nivolumab (Opdivo).
Liệu pháp hormone. Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và một số loại ung thư vú. Một số loại thuốc này cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Phẫu thuật. Bác sĩ sẽ muốn đảm bảo lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt trước khi phẫu thuật. Nếu lượng đường trong máu quá cao, vết thương sẽ chậm lành hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng sau mổ.
Những tác dụng phụ khi điều trị ung thư nào có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường?
Một số tác dụng phụ khi điều trị ung thư có thể khiến kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.
Buồn nôn và nôn là tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị ung thư khác. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của bạn. Điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu quá ít hay được gọi là hạ đường huyết.
Mất nước: Tác dụng phụ của điều trị như buồn nôn, nôn và tiêu chảy có thể gây mất nước. Đường huyết cao cũng có thể gây ra tình trạng này, khiến tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, những người mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát được sẽ đi tiểu thường xuyên. Ngay cả mức độ mất nước thấp cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi điều trị của bạn. Mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Chán ăn sau điều trị hóa trị sẽ khiến bạn ăn ít hơn bình thường. Hoặc bạn có thể không cảm thấy đói chút nào hoặc cảm thấy no sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ. Ăn ít đường hơn mà không giảm lượng insulin dùng có thể dẫn đến hạ đường huyết.
Tăng cân. Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như steroid và hóa trị, có thể dẫn đến tăng cân. Thừa cân có thể gây ra lượng đường trong máu cao.
Mệt mỏi liên quan đến ung thư có thể khiến bạn ít hoạt động hơn. Điều này làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin và để lại nhiều đường hơn trong máu.
Làm cách nào để kiểm soát đái tháo đường trong quá trình điều trị ung thư?
Bàn bạc với bác sĩ của bạn về cách quản lý bệnh đái tháo đường trong quá trình điều trị ung thư là rất quan trọng. Các bác sĩ có thể cung cấp thông tin, theo dõi sức khỏe của bạn và giúp bạn tìm được sự hỗ trợ tốt nhất.
Ngoài ra, bạn cần thực hiện:
Ăn uống lành mạnh. Ăn các bữa ăn lành mạnh, đúng giờ sẽ giúp giữ lượng đường trong máu của bạn được cân bằng. Ăn uống tốt cũng cung cấp cho cơ thể bạn những chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết trong quá trình điều trị ung thư. Bác sĩ dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng kế hoạch ăn uống dựa trên các vấn đề sức khỏe và nhu cầu của bạn.
Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp cơ thể bạn sử dụng đường trong máu. Hoạt động thể chất cũng có thể giúp bạn duy trì cân nặng và tinh thần tốt, đây là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Theo dõi sức khỏe. Chủ động theo dõi và ghi nhận lại các phương pháp điều trị ung thư, lượng đường trong máu, thuốc trị đái tháo đường, các loại thuốc khác và tác dụng phụ. Thông tin này có thể giúp bạn và bác sĩ xác định chính xác hơn các vấn đề sức khỏe và nguyên nhân của chúng.
Giảm căng thẳng. Căng thẳng do ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều loại hormone làm tăng lượng đường trong máu. Điều này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.
Phòng bệnh
Người bệnh đái tháo đường nên được tầm soát sớm ung thư, đặc biệt là những ung thư có nguy cơ cao hơn khi mắc đái tháo đường như ung thư gan, ung thư đường mật, ung thư tụy, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư đường tiêu hóa.
Điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh có nhiều chuyên khoa cũng là một phương án giúp bạn thuận tiện hơn trong việc kiểm soát nhiều bệnh đồng thời.
Nguồn tham khảo
1. Wang M, Sperrin M, Rutter MK, Renehan AG. Cancer is becoming the leading cause of death in diabetes. The Lancet. 2023 Jun 3;401(10391):1849.
2. Zhu B, Qu S. The Relationship Between Diabetes Mellitus and Cancers and Its Underlying Mechanisms. Front Endocrinol (Lausanne). 2022 Feb 11;13:800995.
3. Cancer.Net [Internet]. 2021 [cited 2024 Jan 23]. Managing Diabetes When You Have Cancer. Available from: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/when-cancer-not-your-only-health-concern/managing-diabetes-when-you-have-cancer
4. Suh S, Kim KW. Diabetes and Cancer: Cancer Should Be Screened in Routine Diabetes Assessment. Diabetes Metab J. 2019 Dec;43(6):733–43.