Sự tăng cường vai trò của thuốc ức chế PARP trong ung thư buồng trứng tiến triển mới được chẩn đoán (lược dịch)

Ngày đăng: 20/02/2020 Lượt xem 2994
CN. Lê Thị Bích Ngọc
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai


Hiện nay theo hướng dẫn của Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kì (NCCN), liệu pháp toàn thân tiêu chuẩn dùng để chăm sóc đố ivới bệnh nhân ung thư buồng trứng thể thanh dịch mức độ nặng (high-grade serousovarian cancer: HGSOC) mới được chẩn đoán sau khi thực hiện xét nghiệp BRCA là:

-     Với bệnh nhân có đột biến BRCA: sử dụng Carboplatin và Paclitaxel truyền tĩnh mạch trong 6 chu kỳ mỗi chu kỳ 3 tuần, có thể kết hợp với Olaparib:

+   Sử dụng Olaparib đường uống trong 2 năm hoặc cho tới khi bệnh tiến triển (đối với những bệnh nhân có đáp ứng hoàn toàn hoặc đáp ứng một phần);

+   Giám sát (nếu không phù hợp với Olaparib).

-     Với bệnh nhân không có đột biến BRCA: sử dụng Carboplatin và Paclitaxel truyền tĩnh mạch trong 6 chu kỳ mỗi chu kỳ 3 tuần, có thể kết hợp với Bevacizumab

+  Duy trì Bevacizumab tối đa 15 tháng hoặc cho tới khi bệnh tiến triển;

+  Giám sát (nếu không phù hợp với Bevacizumab).

Hiện có khá nhiều các nghiên cứu về vai tròcủa thuốc ức chế PARP trong ung thư buồng trứng tiến triển mới được chẩn đoán đã được thực hiện để tìm ra hướng điều trị mới cho căn bệnh này.

1. Nghiên cứu PRIMA của González-Martín A và cộng sự.

Nghiên cứu được thực hiện trên 733 bệnh nhân ung thư buồng trứng mới được chẩn đoán có nguy cơ tái phát cao sau khi đáp ứng với hóa trị liệu có Platium bước 1 sẽ được chia thành 2 nhóm và sử dụng Niraparib hoặc giả dược.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nhóm có thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng (HomologousRecombination Deficiency: HDR), Niraparib làm giảm 57% nguy cơ tái phát hoặc tử vong, thời gian sống bệnh không tiến triển (PFS) trung bình ở nhóm Niraparib là 21,9 tháng so với 10,4 tháng ở nhóm dùng giả dược, cao hơn 11,5 tháng. Tỉ lệ bệnh nhân không có bệnh tiến triển hoặc tử vong ở nhóm dùng Niraparib cũng cao hơn ở nhóm dùng giả dược.

Ở nhóm dân số nói chung, Niraparib cũng làm giảm 38% nguy cơ tái phát hoặc tử vong, thời gian sống bệnh không tiến triển là 13,8 tháng, cao hơn 5,6 tháng so với nhóm dùng giả dược.

Ở các phân nhóm dấu ấn sinh học BRCA và thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng cũng cho thấy thời gian sống bệnh không tiến triển trong tất cả các phân nhóm dấu ấn sinh học được phân tích bất kể trạng thái BRCA và thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng đều có kết quả nghiêng về phía sử dụng Niraparib.

2. Nghiên cứu VELIA của Coleman và cộng sự.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1.140 bệnh nhân ung thư buồng trứng thể thanh dịch giai đoạn III hoặc IV theo hệ thống FIGO, không có di căn não và chưa được điều trị liệu pháp toàn thân trước đó.Các bệnh nhân được chia vào 3 nhóm, nhóm 1 sử dụng Veliparib suốt liệu trình và 2 nhóm chứng là nhóm 2 chỉ sử dụng Veliparib ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau dùng giả dược, nhóm 3 chỉ sử dụng giả dược.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở quần thể có đột biến BRCA, thời gian sống bệnh không tiến triển ở nhóm 1 sử dụng Veliparib suốt liệu trình là 34,7 tháng so với 22 tháng ở nhóm chứng, cao hơn 12,7 tháng.Ở quần thể có thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng cũng cho thấy sử dụng Veliparib suốt liệu trình có thời gian sống bệnh không tiến triển cao hơn 11,4 tháng so với nhóm chứng.

3. Nghiên cứu PAOLA-1 của Ray-Coquard I và cộng sự.

Bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư phúc mạc nguyên phát, ung thư ống dẫn trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng thể thanh dịch giai đoạn III-IV theo hệ thống FIGO sau khi được điều trị bước đầu bằng phẫu thuật, hóa trị dựa trên platinum-taxane và trên 3 chu kì bevacizumab sẽ được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 được điều trị tiếp bằng Olaparib kết hợp với Bevacizumab. Nhóm 2 được điều trị bằng giả dược kết hợp với Bevacizumab.

Kết quả cho thấy, đối với quần thể có thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng dương tính, thời gian sống bệnh không tiến triển của nhóm 1 điều trị bằng Olaparib kết hợp với Bevacizumab cao hơn hẳn nhóm 2 chỉ sử dụng giả dược kết hợp với Bevacizumab. Tuy nhiên, ở quần thể có thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng âm tính, không có sự khác biệt về thời gian sống bệnh không tiến triển giữa 2 nhóm.

Như vậy, việc điều trị và quản lý bệnh nhân ung thư buồng trứng thể thanh dịch mức độ nặng đang có những thay đổi nhanh chóng. Các chất ức chế PARP có khả năng dung nạp chấp nhận được và có hiệu quả trong điều trị bước đầu, bất kể trạng thái BRCA cũng như thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng , như đã được chứng minh bằng nhiều thử nghiệm giai đoạn 3. Tuy nhiên, việc xét nghiệm thiếu hụt tái tổ hợp tương đồng sẽ có ích trong việc lựa chọn bệnh nhân, những đối tượng đáp ứng tốt nhất với các thuốc ức chế PARP trong lựa chọn điều trị bước đầu.

 

Bài viết được lược dịch từ bài “The Evolving Role of PARP Inhibitors in Newly DiagnosedAdvanced Ovarian Cancer” của Bradley J. Monk, MD được đăng trên Medscape Education ngày 11 tháng 12 năm 2019.

Tin liên quan