Các bác sĩ dùng chất phóng xạ để phát hiện tế bào ung thư như thế nào?

Ngày đăng: 05/02/2020 Lượt xem 5442
Các bác sĩ dùng chất phóng xạ để phát hiện tế bào ung thư như thế nào?
 
Bằng cách bơm một lượng chất phóng xạ rất nhỏ vào cơ thể, các bác sĩ có thể chẩn đoán sự hiện diện của tế bào ung thư, thông qua một kỹ thuật chụp cắt lớp Positron!
Tổng quan về chụp cắt lớp Positron

Chụp cắt lớp Positron (PET: Positron Emission Tomography) là phương pháp dùng chất phóng xạ liều nhỏ để ghi hình các vùng có tốc độ chuyển hóa cao, cung cấp thông tin về chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của PET chính là phát hiện ung thư.
 
Thông thường, trong các bệnh viện có năng lực thực hiện PET sẽ được trang bị kèm loại máy gia tốc hạt có tên gọi là Cyclotron. Cyclotron có khả năng tạo ra đồng vị phóng xạ (thường là Flo-18) cần cho việc đánh dấu trong kỹ thuật PET. Một điểm đặc biệt là đồng vị phóng xạ được tạo ra sẽ biến mất chỉ trong vào vài tiếng, do sự phân rã phóng xạ. Do đó, quá trình sản xuất đồng vị phóng xạ bắt buộc phải thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn, trước khi tiến hành Chụp cắt lớp Positron.

 

Đồng vị phóng xạ được tạo ra từ Cyclotron được dùng để làm gì?
Flo-18 sau khi tạo ra sẽ được liên kết với các loại phân tử khác nhau, bằng một loạt các phản ứng hóa học, để tạo ra các sản phẩm phóng xạ riêng biệt, phụ thuộc vào những gì mà bác sĩ muốn quan sát thông qua PET.

 

Đối với bệnh ung thư, FDG (một dạng phóng xạ của đường Glucose) là một chất đánh dấu khá phổ biến, bởi căn bệnh này có thể phát hiện thông qua tốc độ tiêu hóa Glucose của tế bào.

Chất phóng xạ sẽ hoạt động thế nào khi được bơm vào cơ thể bệnh nhân?

Khi một liều nhỏ chất phóng xạ, trong trường hợp này là FDG, được bơm vào cơ thể bệnh nhân, nó sẽ được hệ tuần hoàn đưa đi khắp cơ thể, trong quá trình di chuyển FDG sẽ bị các mục tiêu (có thể là protein ở não hoặc tế bào ung thư) hấp thụ một lượng lớn, chỉ sau vài phút, phần không bị hấp thụ đương nhiên sẽ bị đẩy ra khỏi hệ tuần hoàn. Với khả năng phát hiện FDG, máy PET cho phép nhìn thấy những điểm tập trung chất đánh dấu phóng xạ trong cơ thể, thông qua bức xạ phát ra trong quá trình FDG phân ra, đồng nghĩa với việc phát hiện được thứ đã hấp thụ nó.

 
Sự kết hợp giữa đầu dò phóng xạ và phần mềm xử lý giữ liệu, cho phép máy PET xây dựng bản đồ 3D về sự phân bố của chất đánh dấu trong cơ thể, làm căn cứ để các bác sĩ chuẩn đoán bệnh ung thư.

 

Với cơ chế hoạt động này, máy PET còn có thể phát hiện ra sự di căn của ung thư; chẩn đóan bệnh Alzheimer. Thậm chí, tiềm năng ứng dụng của máy PET còn có thể vươn xa hơn rất nhiều, bởi các chất đánh dấu mới để phục vụ cho nhiều mục đích khác vẫn không ngừng được nghiên cứu.

Tác dụng phụ của việc sử dụng máy PET để chẩn đoán ung thư

Việc sử dụng chất phóng xạ để bơm vào cơ thể trong kỹ thuật chẩn đoán này đương nhiên cũng sẽ có một vài tác động nhất định đến sức khỏe nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, bởi hàm lượng phóng xạ ở đây là rất nhỏ. Để dễ hình dung, mỗi lần chụp PET tương đương với lượng phóng xạ mà bạn tiếp xúc trong 2-3 năm, với các nguồn phóng xạ luôn có sẵn trong tự nhiên, điển hình như khí Radon, hoặc tương đương với lượng bức xạ vũ trụ mà một phi công bị phơi nhiễm sau khi thực hiện 20-30 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Theo Dantri.com.vn

ungthubachmai.vn

Tin liên quan