Thủy ngân và sức khỏe con người

Ngày đăng: 01/10/2008 Lượt xem 14870
Việc sử dụng thủy ngân bừa bãi trong quá khứ đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Chất thủy ngân xuất phát từ đâu?

Chúng ta biết rằng thủy ngân (dạng vô cơ, dạng oxyde, dạng ion) được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp và đời sống, chẳng hạn các loại pin thủy ngân, nhiệt kế, bình thủy, đèn neon (dạng hơi), thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, dạng khí thải từ lò đốt rác. Trong lĩnh vực y tế, thủy ngân được pha chế làm thuốc đỏ khử trùng (Mercure au chrome), hợp chất trám răng Amalgame… Các sản phẩm có thủy ngân thải ra môi trường làm ô nhiễm không khí, mặt đất; nhưng quan trọng nhất là ô nhiễm nguồn nước – đặc biệt là nguồn nước biển. Trong môi trường nước biển, các loài vi khuẩn ưa mặn sẽ biến đổi nguồn thủy ngân vô cơ (ít độc) thành thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) có độc tính cao. Các phiêu sinh vật là nguồn cảm nhiễm đầu tiên, kế đó là các loài cá nhỏ, rồi cá lớn (cá săn mồi). Con người là chuỗi mắt xích cuối cùng nhiễm thủy ngân, sau khi ăn các loài cá có nhiễm chất này.

Hầu hết thủy ngân làm ô nhiễm không khí và nước đều xuất phát từ việc khai thác quặng, sản xuất công nghiệp nặng và từ các nhà máy điện chạy bằng than…

Độc tính của thủy ngân:

Khi xâm nhập vào cơ thể, thủy ngân có thể liên kết với những phân tử như nucleic acid, protein.... làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Sự nhiễm độc thủy ngân gây nên những thương tổn trung tâm thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó khăn trong diễn đạt, giảm sút trí nhớ ... và nặng hơn nữa có thể gây tê liệt, nghễnh ngãng, nói lắp, thao cuồng. Nếu nhiễm độc thủy ngân qua đường ăn uống với liều lượng cao, một thời gian sau (có thể từ 10 - 20 năm) sẽ gây tử vong.

Sự biến đổi độc tính của thủy ngân theo dạng tồn tại:

Độc tính này sẽ tăng dần nếu có hiện tượng tích luỹ sinh học. Sự tích luỹ sinh học là quá trình thâm nhiễm vào cơ thể gây nhiễm độc mãn tính. Quá trình này diễn ra gồm hai giai đoạn: Sự tích luỹ sinh học bắt đầu bởi cá thể, sau đó được tiếp tục tích lũy nhờ sự lan truyền giữa các cá thể, từ động vật ăn cỏ, động vật ăn cá, cho đến con người. Do đó nồng độ thủy ngân được tích luỹ dần dần cho đến khi “tới ngưỡng” gây hại. Hiện tượng tích luỹ sinh học này rất nguy hiểm, nhất là với methyl thủy ngân - xuất phát từ môi trường lúc đầu ít ô nhiễm (nồng độ thủy ngân thấp), nồng độ đó có thể tăng lên đến hàng nghìn lần và trở thành rất độc.

Những phụ nữ có thai, những trẻ sơ sinh còn bú mẹ và các trẻ nhỏ dễ bị nguy hiểm nhất, bởi vì một lượng lớn thủy ngân có thể gây hại cho não bộ đang phát triển. Nếu bà mẹ dùng nhiều các loại cá biển (loại chứa hàm lượng thủy ngân cao), thì sự phát triển não bộ của đứa bé có thể bị ảnh hưởng và thậm chí là thủy ngân tích lũy sẽ gây biến chứng nặng về sau, hoặc gây ra những vấn đề về sự thông minh của trẻ…

Những sự kiện nhiêm độc thủy ngân nổi tiếng trong lịch sử:

Việc sử dụng thủy ngân bừa bãi trong quá khứ đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Những nạn nhân đầu tiên là các nhà giả kim thuật. Từ thời cổ đại, các nhà giả kim thuật Ai Cập, Ả Rập, Trung Quốc… đã biết sử dụng thủy ngân để phân tách một số kim loại, nhất là vàng. Họ không biết rằng, hơi thủy ngân đã xâm nhập qua đường hô hấp, ngấm qua da đi vào cơ thể họ. Hậu quả cuối cùng, những người tiếp xúc với thuỷ ngân lâu dài đều mắc những chứng bệnh kỳ lạ như bị ảo giác, ám ảnh, cơ thể suy nhược và chết một cách bí hiểm. Sự kiện nổi tiếng khác có liên quan đến thủy ngân là công trình mạ vàng mái vòm nhà thờ Saint Petersburg (thuộc Nga) khởi công từ năm 1703, hoàn thành vào năm 1727, đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng người thợ (do hít phải hơi độc thủy ngân). Năm 1926, nhà hóa học người Đức Alfred Stock và người cộng sự, cũng chết vì nhiễm độc thủy ngân trong suốt quá trình làm việc tại phòng thí nghiệm. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thủy ngân tại Iraq (1971-1972), công nhân tiếp xúc với hóa chất diệt nấm có chứa Methyl thủy ngân, khiến 6530 người ngộ độc và 459 người chết. Người ta cũng chưa quên sự kiện “amalgam có chứa thủy ngân” – loại vật liệu dùng trám răng này đã có lúc bị lên án dữ dội vì người ta e ngại sự thôi nhiễm thủy ngân có trong đó vào cơ thể; tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới và Hiệp hội Nha khoa quốc tế bác bỏ nguy cơ này, vì trên thực tế hàm lượng thủy ngân trong amalgam rất khó thôi nhiễm và nếu có thì cũng chưa đủ liều gây độc.

Sự kiện nhiễm độc thủy ngân tiêu biểu của thế kỷ 20:

Vào năm 1970, cả nước Nhật và thế giới đều chấn động, khi chính phủ Nhật Bản công khai sự kiện ngộ độc thủy ngân, do người dân ăn phải cá biển tại vùng vịnh Minamata. Các loài hải sản vùng biển này bị nhiễm thủy ngân do nhà máy hóa chất Chisso có sử dụng thủy ngân và chất thải có thủy ngân không xử lý triệt để được xả thẳng vào nước biển. Theo đánh giá của Bộ Y tế Nhật Bản, trong quá trình hoạt động từ năm 1932 đến khi sự cố xảy ra, nhà máy hóa chất Chisso đã thải ra vùng biển này 81 tấn thủy ngân! Thảm họa trên khởi phát từ 1956 và kéo dài hậu quả đến 1978 và người ta tiếp tục điều tra, phát hiện nạn nhân mới đến những năm cuối thập niên 1990 (là con, cháu những người bị nhiễm thuỷ ngân đầu tiên). Thảm họa trên gây cho trên 30.000 người bị tàn phế (suy kiệt toàn thân, liệt, rối loạn nhận thức, mù mắt, lãng tai, dị dạng bào thai…) và đã có trên 2.000 người tử vong.

Được biết từ đầu năm 1950, tại vùng biển này đã có hiện tượng lạ xuất hiện, như hàng lọat cá biển bị chết phơi bụng trên mặt biển, thỉnh thoảng các loài chim bói cá hoặc quạ đen đâm đầu vào đá, nhiều con mèo (có thói quen ăn cá chết) bị co giật, hoảng loạn nhảy xuống biển mà chết… Sau đó ít lâu một số người dân đến bệnh viện khai báo những chứng bệnh đau nhức dai dẳng, tê liệt, tổn thương thị giác… Lúc ấy cư dân tại vùng này tỏ ra hoang mang, nhưng chưa giải thích được căn nguyên của “chứng bệnh kỳ quái” trên. Mãi đến năm 1956, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học người Anh đến tận hiện trường khảo sát, ba năm sau sự thật đã được phơi bày: vùng biển này đã bị nhiễm thủy ngân toàn bộ (thủy ngân dạng Methyl hữu cơ). Lúc đầu Xí nghiệp Chisso vẫn không thừa nhận trách nhiệm về mình, chính quyền địa phương tỏ ra không mấy tích cực trong việc nhìn nhận vấn đề, nên nhà máy vẫn còn xả chất thải có chứa thủy nhân xuống biển, đến năm 1968, dưới áp lực cuả báo chí và dư luận xã hội, nhà máy này mới ngừng hẳn việc đổ chất thải ra môi trường. Nhưng cũng còn may mắn, vì nếu hiện tượng trên không bị chặn đứng, chắc chắn sự thiệt hại về sức khỏe người dân tại Minamata và các vùng phụ cận sẽ lớn hơn nhiều!

Năm 1965, một vụ nhiễm độc trên diện rộng ở Nigata (Nhật Bản) cũng xảy ra tương tự như ở Minamata và thủ phạm là chất thải chứa thủy ngân của một công ty khai khoáng trên địa bàn, gây cho hàng trăm người thương tật và tử vong.

Sự kiện “Minamata” không giới hạn trong ranh giới nước Nhật, mà cả thế giới đều bị chấn động, đặc biệt các nước có tiếp giáp vùng biển Nhật Bản. Trong y văn người ta còn đặt tên cho hậu quả khốc liệt trên là “chứng bệnh Minamata”. Vì vậy từ năm 1975 nhiều tổ chức môi trường, Viện nghiên cứu tài nguyên đại dương không ngừng có các công trình nghiên cứu về độ tồn lưu của thủy ngân nói riêng và kim loại nặng (chì, cadmium, arsen… nói chung) trong môi trường sống, đặc biệt vùng sinh thái biển và sinh vật biển.

Khuyến cáo về việc ăn cá biển:

Theo công trình nghiên cứu của Viện bảo tồn tài nguyên biển từ năm 2002; tháng giêng, năm 2008 và qua khuyến cáo của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). Theo đó, các nhóm cá có nồng độ thủy ngân cao nhất (từ 0,70 – 1,45 ppm) là cá nhám, cá lưỡi kiếm (swordfish), cá heo, cá mú vàng (tilefish), cá thu chúa (king mackerel). Các loại cá này thường sống ở tầng sâu của biển, có trọng lượng rất lớn, chuyên ăn các loại cá nhỏ (còn gọi là cá săn mồi), vì vậy theo thời gian lượng thủy ngân tích lũy càng nhiều. Các bà mẹ đang mang thai được khuyến cáo không nên ăn các loại cá này. Đối với loại cá có nồng độ thủy ngân thấp (từ 0,09- 0,25 ppm ), bà mẹ có thai được khuyến cáo chỉ nên ăn không quá 2 lần mỗi tuần, (tính theo trọng lượng không quá 340g), gồm cá bơn, cá chép, cá mú, cá thu nhỏ, cá than, cá đuối, cá chỉ vàng, cá ngừ, cá hồi đại dương, cá marlin, tôm hùm Bắc Mỹ. Các loại cá có nồng độ thủy ngân rất thấp, không đáng kể (mức thủy ngân dưới 0,08 ppm) như cá hồi nước cạn (salmon), cá mòi (sardine), cá mực, cá da trơn, cá đối, cá trồng (Anchovies), cá tầm (sturgon), trứng cá muối (caviar), cá pollock, cá trích (shad), cá mối, cá bạc má (mackerel chub), cá ngừ đóng hộp (light tuna), cá tuyết morue, cá hồi nước ngọt (trout), tôm hùm, tôm càng, sò, trai, hến… thì không được xếp vào loại giới hạn sử dụng. Ngoài ra ngành y tế các nước còn khuyến cáo mọi người không nên ăn các loại cá được câu từ ao, hồ xung quanh khu công nghiệp có thải ra chất thải độc hại.

Đàm Hồng Hải

(tổng hợp từ tài liệu
nước ngoài)

Tin liên quan