Diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu điển hình, u buồng trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Đáng lưu ý, chúng có thể xuất hiện ở trẻ em.
Đau bụng coi chừng!
U buồng trứng ở trẻ em là một trong những đề tài được quan tâm tại hội thảo Sản phụ khoa Việt - Pháp, vừa được tổ chức tại Hà Nội. Bác sĩ Trần Quang Tuấn, trường ĐH Điều dưỡng Nam Định cho biết: Buồng trứng là tuyến sinh dục nữ hình thành rất sớm ở thời kỳ bào thai. Trong quá trình biệt hóa, phát triển và hoạt động có thể phát sinh những rối loạn bệnh lý, hay gặp và nguy hiểm nhất là u buồng trứng.
Trong hai năm qua, đã có 245 trường hợp trẻ em, vị thành niên điều trị u buồng trứng tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội). Trong số này, tỷ lệ mắc tăng dần theo lứa tuổi. Trong đó, những trường hợp dưới 10 tuổi chiếm 3,3%; 10-13 tuổi: 13,5%; 14-15 tuổi: 19,6%, 16-17 tuổi: 26,6% và vị thành niên muộn (18-19 tuổi) là 37%.
Trước khi được phát hiện u buồng trứng, các bệnh nhân thường đến viện khám với các lý do: bụng to, tự sờ thấy khối u, rối loạn kinh nguyệt, khám phụ khoa. Theo các bác sĩ, đau bụng là lý do cao nhất (chiếm 51%) khiến bệnh nhân vào viện trước khi được phát hiện bệnh.
U buồng trứng thường diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu điển hình nhưng lại bất kỳ gây nên các biến chứng cấp tính: xoắn u, vỡ u, chảy máu, hoại tử, chèn ép hoặc ung thư hóa.
Biến chứng
U buồng trứng gây nên các biến chứng xoắn u, vỡ u, chảy máu trong u. Các biến chứng có biểu hiện triệu chứng: đau, chướng bụng, thấy u to lên. Nghiên cứu của bác sĩ Trần Quang Tuấn cho thấy: tỷ lệ biến chứng chiếm 12,7%. Đáng lưu ý, các trường hợp bị biến chứng đều có đau bụng ở vùng hạ vị (100%), chướng bụng (32,2%) và các biểu hiện khác: thấy u to lên; rối loạn tiêu hóa, tiết niệu.
Chữa trị
Bác sĩ Trần Quang Tuấn lưu ý: Chẩn đoán u buồng trứng không khó trong điều kiện hiện nay, nhưng tiên lượng và cách xử trí thì phức tạp. Việc chỉ định điều trị phụ thuộc vào tính chất của khối u, bởi chúng có nhiều loại. Việc điều trị phải phòng ngừa các biến chứng. Tại bệnh viện, tỷ lệ mắc u buồng trứng ở lứa tuổi trẻ em, vị thành niên so với các ca mắc chung là thấp: 9%. Tuy nhiên, điều rất quan trọng với lứa tuổi này là việc điều trị còn phải bảo tồn được chức năng sinh sản và sinh dục khác.
Theo bác sĩ Đặng Quang Hùng (Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Hà Nội): “Phẫu thuật nội soi điều trị u buồng trứng cho kết quả thành công cao, đặc biệt cho nữ vị thành niên và trẻ em gái. Đáng lưu ý, việc bảo tồn được một phần buồng trứng lành chiếm tỷ lệ cao, đến hơn 90%”. Trường hợp mổ cắt buồng trứng được chỉ định cho một số ca có biến chứng xoắn, ung thư. Việc mổ hở được thực hiện trong trường hợp khối u xơ cơ dạng đặc. Hiện tại, việc chỉ định mổ nội soi điều trị u buồng trứng đã được chỉ định đến lứa tuổi nhỏ hơn. Tại bệnh viện, bệnh nhân ít tuổi nhất được điều trị theo phương pháp này mới 7 tuổi. Chỉ định phẫu thuật nội soi cũng đã được mở rộng hơn về kích thước khối u (18,6 cm). Đây cũng là phương pháp mang lại tính an toàn, thẩm mỹ cao, đặc biệt là ở các trẻ em gái chưa lập gia đình.
Nam Sơn