Ung thư tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ gãy xương
Sau 20 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Y học Garvan (Úc) vừa công bố một phát hiện quan trọng: Bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ gãy xương tăng cao, thậm chí gấp đôi.
Kết quả nghiên cứu “Dịch tễ học về loãng xương ở Dubbo” của Viện Garvan, ở Sydney, cho thấy đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ gãy xương tăng 50% so với người không mắc bệnh này. Và nếu bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp “ngăn chặn sản xuất androgen” (androgen deprivation therapy - ADT), thì nguy cơ đó sẽ tăng gần gấp đôi!
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, người đề xướng và chủ trì nghiên cứu này, phát biểu: “Đây là một đề tài gây tranh cãi và đã được thảo luận trong ít nhất 3 năm qua. Chúng tôi đã mất khoảng 2 năm để tập hợp và phân tích dữ liệu. Kết quả cho thấy có mối liên hệ giữa ung thư tuyến tiền liệt và gãy xương, mặc dù chúng tôi chưa hiểu rõ cơ chế của mối liên hệ đó”.
Tiến sĩ Tuấn và các cộng sự đã theo dõi và nghiên cứu dữ liệu của 822 người đàn ông ở tỉnh Dubbo (Úc) từ năm 1989 cho đến nay. Khi đó, những người này ở độ tuổi từ 60 trở lên. Sau đó, có 43 người bị ung thư tuyến tiền liệt, trong đó 22 người được điều trị bằng ADT, còn 21 người còn lại thì không dùng ADT. Kết quả là những người sử dụng ADT có nguy cơ gãy xương cao gấp 1,5 - 2 lần so với người không mắc bệnh ung thư này.
Tiến sĩ Tuấn giải thích: “Đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt thường có nồng độ kích thích tố androgen cao, tức có mật độ xương tốt, giúp giảm nguy cơ gãy xương. Nhưng không hẳn như thế, bởi vì những bệnh nhân này phải qua điều trị bằng ADT, cho nên họ thường bị mất xương khá nhanh, dẫn đến nguy cơ gãy xương cao”.
Ông nhấn mạnh: “Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn, vì kết quả cho thấy: thứ nhất, đa số đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt thường có mật độ chất khoáng trong xương (BMD) cao hơn; thứ hai, bệnh ung thư này rõ ràng làm tăng nguy cơ gãy xương; và thứ ba, việc điều trị bằng ADT đã làm tăng gấp đôi nguy cơ đó”.
“Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của xương mà chúng ta chưa biết rõ. Nhưng rõ ràng là BMD cao hơn ở những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã không giúp họ chống lại nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, hiện chưa biết chính xác cơ chế nào tạo ra mối liên hệ giữa ung thư tuyến tiền liệt và gãy xương”.
“Qua nghiên cứu này, chúng tôi muốn đưa ra một khuyến cáo rằng những người bị ung thư tuyến tiền liệt nên đi khám để phát hiện bệnh loãng xương, nhất là khi họ đang được điều trị bằng ADT”.
“Chúng ta ngày càng phát hiện được thêm những mối tương quan giữa các bệnh khác nhau. Không thể tách rời bệnh loãng xương với bệnh ung thư hay tiểu đường, v.v… Vì thế, khi đang chữa trị một bệnh nào đó, chúng ta phải cẩn thận để tránh làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh khác. Việc xác định được những mối liên hệ đó sẽ giúp chúng ta tìm ra phương thức điều trị toàn diện hơn cho bệnh nhân”. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tập san quốc tế Bone ngày 14/5/2008