Chăm sóc người bệnh ung thư tuyến giáp điều trị bằng I-131

Ngày đăng: 24/08/2020 Lượt xem 51980

CNĐD. Nguyễn Thị Hạnh

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

I. Đại cương

   Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến nhất của các tuyến nội tiết. Tỷ lệmắc ung thư tuyến giáp có xu hướng ngày càng gia tăng.Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (chiếm 80%) bao gồm: thể nhú, thể nang, thể hỗn hợp nhú nang và ung thư tuyến giáp không biệt hóagồmthể tủy, thể thoái biến, ung thư tổ chức liên kết, lymphoma.

Tại các cơ sở Y học hạt nhân ở nước ta đồng vị phóng xạ được sử dụng nhiều nhất để điều trị là iốt phóng xạ (I-131). I-131 có thời gian bán rã vật lý (T1/2) là 8,04 ngày, phát tia gamma (g) với mức năng lượng chủ yếu là 360 kev và tia bêta (b) với mức năng lượng chủ yếu là 610 keV. Tia gamma của I-131 có quãng chạy trong tổ chức lớn thường dùng để ghi đo chẩn đoán. Tia bêta có quãng chạy trong mô mềm một vài mm được dùng trong điều trị bệnh.

Tế bào ung thư tuyến giáp thể biệt hóa cũng có khả năng bắt giữ và tập trung I-131, chính vì vậy việc sử dụng một liều I-131 đủ cao có thể tiêu diệt được tế bào và tổ chức ung thư tại chỗ hoặc di căn. Điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng phương pháp phối hợp: phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp toàn phần, sau đó dùng I-131 huỷ nốt mô tuyến giáp còn lại, diệt các ổ ung thư di căn và dùng hormon tuyến giáp thay thế để người bệnh về bình giáp đã mang lại kết quả tốt đẹp, tỷ lệ sống sau 5 năm đã đạt tới 95%.

II. Chăm sóc người bệnh ung thư tuyến giáp điều trị bằng I-131

2.1. Nhận định người bệnh

Thăm hỏi người bệnh

- Tiền sử gia đình:có ai mắc bệnh tuyến giáp không.

- Người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp:

+ Có bị khàn tiếng, nuốt vướng, nuốt khó không.

+ Vết mổ tuyến giáp có sưng, đau không.

+ Có bị co quắp, tê các đầu chi không.

+ Có dùng hormon tuyến giáp không, nếu dùng thì trong thời gian bao lâu.

+ Có tăng cân sau phẫu thuật không.

Quan sát người bệnh

- Toàn trạng: gầy sút hay tăng cân bất thường.

- Tinh thần: nhanh nhẹn hay chậm chạp

- Vết mổ tuyến giáp: có sưng nề, chảy dịch hay đã khô, màu sắc vết mổ…

Thăm khám người bệnh

- Đo dấu hiệu sinh tồn, mạch và huyết áp.

- Tham khảo hồ sơ bệnh án: lưu ý đến các chỉ số T3, T4, FT3, FT4, TSH, siêu âm tuyến giáp, hạch cổ, xạ hình tuyến giáp.

2.2. Lập kế hoạch chăm sóc người bệnh

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh.

- Chăm sóc cơ bản.

- Quy trình điều trị.

- Theo dõi người bệnh sau khi nhận liều điều trị I-131.

- Quản lý người bệnh sau khi ra viện.

2.1. Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh

- Giải thích cho người bệnh và người nhà hiểu được điều trị bằng I-131 cho bệnh ung thư tuyến giáp có tỷ lệ khỏi bệnh cao (kể cả ở bệnh ở giai đoạn muộn).

- Thời gian điều trị tại bệnh viện ngắn.

- Là phương pháp điều trị an toàn cao, rất ít tác dụng phụ, không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và khả năng sinh đẻ của người bệnh sau khi điều trị.

2.2. Chăm sóc cơ bản

- Tạo môi trường yên tĩnh và thoải mái cho người bệnh trong thời gian điều trị.

- Người bệnh được đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý.

- Có những hoạt động giải trí thích hợp (đọc sách, xem ti vi, nghe nhạc…) giúp người bệnh giảm lo lắng và buồn chán do hạn chế hoạt động nếu phải nằm trong phòng cách ly sau khi uống liều điều trị I-131.

- Giải thích cho người bệnh yên tâm trong thời gian nằm phòng cách ly vẫn được đảm bảo y lệnh thuốc cũng như được chăm sóc đầy đủ.

2.3. Thực hiện quy trình điều trị bằng I-131

Trước khi người bệnh nhận liều điều trị I-131:

- Người bệnh phải đảm bảo chắc chắn hiện không có thai, không cho con bú.

- Người bệnh được giải thích về các mặt lợi hại của việc dùng thuốc I-131 để điều trị bệnh.

- Người bệnh viết giấy cam kết tự nguyện điều trị bằng thuốc phóng xạ.

- Người bệnh không ăn trước điều trị I-131 4 giờ để tăng khả năng hấp thu I-131.

- Cho người bệnh biết những phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi uống I-131 như viêm tuyến nước bọt, viêm dạ dày, bàng quang…, nếu có người bệnh cần báo ngay cho nhân viên y tế để sử lý kịp thời.

Tiến hành điều trị I-131:

- Điều dưỡng thực hiện các thuốc hỗ trợ (chống nôn, chống sốc) theo y lệnh cho người bệnh 15-20 phút trước khi nhận liều điều trị I-131.

- Điều dưỡng phân liều điều trị I-131 chính xác cho từng người bệnh, không làm rơi rớt, đổ vỡ ra khu vực làm việc và môi trường xung quanh.

- Điều dưỡng cùng kỹ thuật viên đo kiểm tra lại từng liều I-131 trước khi cho người bệnh nhận liều điều trị.

- Điều dưỡng cho người bệnh nhận liều điều trị I-131 bằng đường uống.

+ Liều <30 mCi người bệnh không cần nội trú tại bệnh viện.

+ Liều ≥30 mCi người bệnh phải ở lại bệnh viện trong phòng cách ly.

Người bệnh sau khi uống I-131:

- Cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.

- Cần thực hiện đầy đủ nội quy về An toàn phóng xạ trong phòng cách ly.

- Đi vệ sinh tại phòng vệ sinh riêng trong khu vực cách ly và xả nước nhiều lần, tránh để dây rớt ra quần áo, giày dép hoặc môi trường xung quanh.

- Không khạc nhổ bừa bãi, khi bị nôn phải sử dụng túi đựng chất nôn và để vào nơi quy định tránh gây ô nhiễm phóng xạ cho môi trường.

- 5 ngày sau điều trị I-131 được xạ hình toàn thân để đánh giá tình trạng tuyến giáp sau phẫu thuật và phát hiện di căn.

- Sau uống liều điều trị I-131 3-5 ngày được uống bổ sung hormon giáp (T4) liều 2-4mg/kg/ngày.

2.4. Theo dõi người bệnh sau nhận liều điều trị I-131

- Theo dõi tinh thần, tâm lý người bệnh.

- Theo dõi việc dùng các thuốc nội khoa hỗ trợ cho người bệnh.

- Theo dõi các tác dụng phụ của người bệnh sau khi uống thuốc phóng xạ.

- Theo dõi việc tuân thủ các qui định về an toàn phóng xạ trong phòng cách ly của người bệnh.

Theo dõi và xử trí các biến chứng sớm (nếu có)

- Viêm tuyến nước bọt cấp do bức xạ: có thể xảy ra trong những ngày đầu sau uống I-131. Điều trị bằng chườm lạnh, các thuốc giảm đau, chống viêm và corticoid.

- Viêm dạ dày, thực quản cấp do bức xạ. Điều trị triệu chứng bằng các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, trung hoà và giảm tiết acid dịch vị.

- Viêm bàng quang cấp do bức xạ. Đề phòng bằng cách uống nhiều nước.

- Phù não: khi tổn thương ung thư tuyến giáp di căn não. Điều trị bằng các thuốc chống phù não, lợi tiểu và corticoid.

- Tắc đường thở, xâm nhiễm khí quản gây hẹp lòng khí quản. Điều trị bằng các thuốc chống phù nề và corticoid.

1.5. Quản lý người bệnh sau khi ra viện

- Người bệnh được ra viện 3-5 ngày khi suất liều đo cách người bệnh 1 mét £50mSv/h hoặc £5mR/h.

- Người bệnh được khuyến cáo sau khi ra viện: tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai trong 1-2 tuần đầu sau điều trị I-131. Xả nước nhiều lần sau khi đi vệ sinh.

- Người bệnh tái khám sau 1 tháng để phát hiện sớm những tác dụng không muốn của I-131 và điều chỉnh liều T4 phù hợp để duy trì tình trạng bình giáp.

- Người bệnh tái khám sau 6 tháng để đánh giá kết quả điều trị:

Sạch tổ chức tuyến giáp và di căn: tiếp tục dùng hormon tuyến giáp để duy trì tình trạng bình giáp. Khám định kỳ 6 tháng một lần trong 2 năm đầu, sau đó một năm một lần trong nhiều năm tiếp theo.

Còn tổ chức giáp, tổ chức ung thư, di căn: điều trị tiếp I-131 rồi theo dõi từ đầu như trên.              

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan