Tái sinh nhiều cuộc đời bằng kỹ thuật bức xạ ion hóa

Ngày đăng: 19/08/2017 Lượt xem 2890
Câu chuyện PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (Viện Tim mạch - BV Bạch Mai) được chữa khỏi bệnh ung thư khi đã di căn toàn thân khiến bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng. Không chỉ vượt qua bạo bệnh như có phép màu, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng còn đủ sức khỏe để đi làm như trước, thậm chí, ông còn đến nhiều tỉnh vùng cao làm từ thiện dù đã ở tuổi ngoài 60.

Những kỳ tích y học

Nhắc lại chuyện của mình, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: Đầu năm 2012, tôi bị ho kéo dài, không đau đớn gì nhưng uống thuốc mãi không khỏi, nên đi kiểm tra. Thật bất ngờ khi bác sĩ kết luận tôi bị ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, di căn hạch, di căn xương nhiều ổ ở cột sống, xương sườn... Sau đó, tôi được GS.TS. Mai Trọng Khoa trực tiếp lập phác đồ điều trị.

Kể về “bệnh nhân đặc biệt” của mình, GS.TS. Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - cho biết: Khi chụp CT và PET/CT quét toàn thân thì phát hiện bệnh nhân có khối u ở phổi, đã di căn vào hệ thống hạch, nhiều vị trí của hệ thống xương.

Kết quả sinh thiết tìm tế bào ác tính ở khối u phổi, các xét nghiệm đột biến gen... cho thấy bệnh đã ở giai đoạn 4B, tức là rất muộn. Một thời gian sau khối u còn di căn lên não, đẩy nhãn cầu lồi ra phía trước, ép bong võng mạc.

Thường, những bệnh nhân ung thư đã di căn giai đoạn muộn như bác sỹ Hùng, việc điều trị sẽ rất khó khăn, cơ hội thành công rất thấp và thời gian sống thêm thường ngắn. Vì vậy, ở giai đoạn này, các bác sĩ thường điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng... Hơn nữa, ở bác sĩ Hùng, khối u đã di căn nhiều nơi, nên không thể phẫu thuật.

GS.TS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã mạnh dạn áp dụng hàng loạt kỹ thuật mới được nghiên cứu và ứng dụng vào chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân: chụp PET/CT để vừa chẩn đoán, vừa mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, rồi xạ phẫu bằng dao gamma quay, điều trị toàn thân bằng hóa chất, thuốc điều trị đích.

Đặc biệt với sự hợp tác, tuân thủ điều trị nghiêm túc của bệnh nhân với một chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học, đến nay các khối u đã biến mất. Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa, với các bệnh nhân ung thư sau 5 năm phát hiện bệnh đã được điều trị không còn khối u, và các xét nghiệm trở về bình thường thì coi như khỏi bệnh. Mà việc điều trị thành công của bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng đã ở năm thứ 6.

 
Tiễn 2 bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến được điều trị thành công ra viện.

Tháng 11-2015, ông P.M., 74 tuổi người Thái Lan (sống tại Chiềng Mai, Thái Lan) cũng được cứu chữa tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Sau khi mổ u dây thần kinh ở Thái Lan, khối u không giảm mà tái phát tại chỗ, kích thước lớn nên gây điếc và làm liệt mặt trái nên ông P.M. đã được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của Thái Lan thăm khám, tư vấn các giải pháp điều trị và cho biết, với thể trạng, tuổi tác và khối u của ông thì không thể phẫu thuật bằng ngoại khoa.

Vì thế, sau nhiều cuộc hội chẩn của các chuyên gia y tế Thái Lan và quốc tế, ông P.M quyết định đến BV Bạch Mai để điều trị. Tại đây, ông P.M. đã được GS.TS. Mai Trọng Khoa trực tiếp điều trị xạ phẫu bằng dao gamma quay và chỉ vài ngày sau, ông được ra viện.

Ngày rời Việt Nam, ông P.M. bày tỏ: “Tôi được tư vấn sang một số nước phát triển điều trị, nhưng sau khi tìm hiểu và đặc biệt là được một số giáo sư hàng đầu của Thái Lan tư vấn, tôi đã sang BV Bạch Mai để điều trị. Đây quả là biện pháp điều trị tốt, khi chỉ một ngày sau khi xạ phẫu, tôi đã trở lại sinh hoạt bình thường, không đau đớn gì. Tôi thực sự ngưỡng mộ trình độ và tay nghề của các bác sĩ ở đây”.

Bà Phạm Th. L., 63 tuổi, bị ung thư phổi phải, ung thư biểu mô tuyến và đã được các bác sĩ của BV Bạch Mai áp dụng một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới để chẩn đoán và điều trị. Đó là sử dụng hình ảnh PET/CT để chẩn đoán, phát hiện các tổn thương ung thư và lập kế hoạch xạ trị, nên xác định được giai đoạn bệnh mà các phương pháp khác không làm được, giúp bác sĩ thấy khối u thùy trên phổi phải, hạch trung thất, hạch cổ, hạch nách, tuyến thượng thận của bệnh nhân. Từ đó, có phương pháp điều trị đúng, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh cho bà L.

Đó chỉ là một số bệnh nhân ung thư may mắn được “cải tử hoàn sinh” nhờ được chẩn đoán và điều trị bằng các kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - kết quả của công trình nghiên cứu khoa học kéo dài 20 năm của GS.TS. Mai Trọng Khoa và cộng sự - công trình vừa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu năm 2017 với lời đánh giá: “Việc ứng dụng các bức xạ ion hóa vào trong y học, nhất là trong lĩnh vực ung thư đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn”.

Những kĩ thuật tiên tiến trong điều trị ung thư này đặc biệt có ý nghĩa khi mà mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mắc ung thư mới và khoảng 75.000 ca tử vong.

 
GS.TS. Mai Trọng Khoa chuẩn bị một ca chụp PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.

Từ sự sẻ chia với người bệnh

GS.TS. Mai Trọng Khoa chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư ở nước ta, trong đó có yếu tố rất quan trọng là việc chẩn đoán, điều trị. Hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đến BV khi đã ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng, khiến cho việc điều trị rất khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước.

Vì thế, nhiều năm liền, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của thế giới về sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư và một số bệnh khác. Hơn 50% số bệnh nhân có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt là sử dụng kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp suất, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc.

Một kỹ thuật đã cứu sống gần 4.000 bệnh nhân u não và một số bệnh về sọ não thời gian qua là xạ phẫu bằng dao gamma quay. Kỹ thuật này rất thích hợp cho những trường hợp u não hoặc một số bệnh sọ não tái phát sau điều trị, khối u ở những vị trí đặc biệt khó, hoặc không thể phẫu thuật được và là cứu cánh cho bệnh nhân chống chỉ định gây mê, các bệnh nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi...

 
GS. TS. Mai Trọng Khoa bên bệnh nhân ung thư được điều trị bằng cấy hạt phóng xạ.

Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để chẩn đoán, phát hiện sớm và chính xác các tổn thương ung thư hơn các phương pháp khác, đồng thời, còn mô phỏng lập kế hoạch xạ trị trong điều trị một số bệnh ung thư. Theo GS. TS. Mai Trọng Khoa, có tới 89-96% bệnh nhân có quyết định phương pháp điều trị đúng sau làm PET; 45-60% bệnh nhân đã được thay đổi phương pháp điều trị sau khi làm PET...

BV Bạch Mai cũng đã  nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ, xạ trị áp sát, một số thuốc phóng xạ... để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư thực quản, trực tràng, tuyến giáp...  Nhờ đó, nhiều bệnh nhân ung thư đã được điều trị thành công, giảm nhiều biến chứng và các tác dụng không mong muốn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh trở về với cuộc sống, lao động bình thường.

Tôi may mắn được dự lễ tiễn hai bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt đầu tiên của Việt Nam được điều trị bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ thành công ra viện nên hiểu được niềm hạnh phúc vô bờ của những người mắc căn bệnh này. Trước đây, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thường phải mổ, hoặc dùng các phương pháp chiếu vào, nên chức năng sinh lý của đa số bệnh nhân không đảm bảo.

Nhưng việc điều trị bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã làm nên điều kỳ diệu, khi kiểm soát được bệnh mà không phải mổ, diệt được tế bào ác tính, bảo vệ được tế bào lành, không ảnh hưởng đến đời sống sinh lý của người bệnh. Tỷ lệ sống thêm không mắc bệnh đạt 97%.

Ở Việt Nam tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Mỗi năm có khoảng 1.275 ca mới mắc và tới 872 ca tử vong. Ung thư tuyến tiền liệt gây đau đớn, khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục, hoặc rối loạn chức năng cương dương.. Vì thế, phương pháp điều trị mới này đã mở ra cơ hội sống, cũng như mang lại hạnh phúc cho nhiều người.


Tiến hành ca cấy hạt phóng xạ cho bệnh nhân.

Các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu còn nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết. Việc đưa thuốc phóng xạ vào trong cơ thể cho kết quả điều trị các khối u di căn xương, u tuyến giáp, u tử cung vv... rất tốt. BV Bạch Mai hiện là nơi đang dẫn đầu cả nước về phát hiện sớm và điều trị u tuyến giáp bằng thuốc phóng xạ.

Với việc ứng dụng các kỹ thuật có sử dụng bức xạ ion hóa, chỉ riêng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - BV Bạch Mai đã có hàng chục ngàn lượt bệnh nhân ung thư được thực hiện: hơn 60.000 bệnh nhân được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT; hơn 3.400 bệnh nhân u não và bệnh sọ não được điều trị bằng dao gamma quay; 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều và kỹ thuật 3D kết hợp hình ảnh PET/CT hoặc CT mô phỏng, cùng hơn 2.100 bệnh nhân ung thư tuyến giáp và 1.500 bệnh nhân bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc được điều trị bằng I-131...

GS.TS. Mai Trọng Khoa cho biết: Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn này đã được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho gần 20 cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội. Tổng số tiền tiết kiệm được từ việc ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88,45 triệu USD, tương đương với 1.945,9 tỷ đồng.

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác kỹ thuật” gồm 5 nhóm công trình nhỏ:

1- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ.

2. Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị tiên tiến để điều trị ung thư.

3. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não.

4. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư.

5. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.

Tin liên quan