Ca lâm sàng: Bệnh nhân ung thư phổi di căn não được điều trị bằng hóa chất, xạ trị kết hợp điều trị miễn dịch

Ngày đăng: 16/10/2019 Lượt xem 2193

GS.TS. Mai Trọng Khoa, TS. Vũ Hữu Khiêm, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân, nam 58 tuổi, vào viện với lý do ho máu.

Bệnh sử: 10/2015 xuất hiên ho máu, không khó thở, không đau ngực, vào bệnh viện tỉnh điều trị theo hướng lao phổi tại không đỡ, bệnh nhân xin chuyển lên Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu –bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán, điều trị tiếp.

Khám vào viện:

- Tỉnh táo, thể trạng trung bình

- Hạch cổ (-)

- Phổi: có ít ral ẩm phổi phải

- Các bộ phận khác chưa có gì đặc biệt

3457 anh 1

Hình 1. PET/CT U thùy trên phổi phải kích thước 1,6 * 2,2 cm, maxSUV = 8,6. Có nhiều tổn thương dải rác tròn nhỏ phổi trái

Bệnh nhân được tiến hành các xét nghiêm như:

  • Sinh thiết xuyên thành dưới hướng dẫn của CT: kết quả là Ung thư biểu mô tuyến
  • Xét nghiệm đột biến gen EGFR (+) tại vị trí exon 19
  • CEA tăng: 75,8 ng/ml
  • Các xét nghiệm chức năng gan, thận, điện tim trong giới hạn bình thường.

¨        Chẩn đoán: Ung thư phổi di căn phổi đối bên, giai đoạn IVa

Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến, có đột biến EGFR (+)

¨        Điều trị: Điều trị toàn thân với thuốc đích Elortinib 150 mg/ ngày, uống liên tục. Bệnh dần ổn định sau 1 tháng hết ho máu, lâm sàng bình thường, xét nghiệm chỉ điểm u CEA về 5 - 7 ng/ml.

¨        Diễn biến: 4/2017 (sau 18 tháng điều trị ổn định), bệnh nhân ho máu trở lại; chất chỉ điểm khối u CEA tăng cao (52ng/ml). Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn tiến triển di căn phổi, kháng thuốc điều trị đích thế hệ 1. Vì vậy, bệnh nhân được tiếp tục tiến hành nội soi phế quản sinh thiết lại u thùy dưới phổi phải với kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến, không có đột biến gen kháng thuốc T790M.

¨        Điều trị tiếp theo với phác đồ hóa trị Pemetrexed – Carboplatin

                Pemetrexed (Alimta) 500 mg/m2 TM ngày 1

                Carboplatin 300 mg/m2 da TM ngày 1, Chu kỳ 21 ngày

Sau 1 chu kỳ Bệnh nhân ổn định, hết ho máu, lâm sàng bình thường. Sau 3 chu kỳ, không còn các triệu chứng, chỉ số chỉ điểm khối u CEA về 10,1 ng/ml.

3457 anh 2

Trước điều trị: U phế quản thùy dưới phải 2,3 * 2,2 cm, max SUV 10,6

3457 anh 3

       Sau 3 chu kỳ hóa chất (Pemetrexed – Carboplatin: U tan hoàn toàn

¨        Diễn biến: Điều trị hết 6 Chu kỳ Pemetrexed- Carbo,bệnh nhân ổn định, hết các triệu chứng lâm sàng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục duy trì hóa trị Pemetrexed đơn chất cho đến tháng 5/2019 (sau 13 tháng với Pemetrexed) xuất hiện đau đầu, trí nhớ giảm, chân tay yếu, đi lại khó khăn. Chụp CT ngực không phát hiện thêm tổn thương. Xét nghiệm chỉ điểm u CEA tăng trở lại 97 ng/ml. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) phát hiện nhiều tổn thương di căn não.

3457 anh 4

MRI sọ não: di căn não đa ổ, 8 ổ (cầu não, cuống đại não, thùy nhộng, góc cầu tiểu não, tiểu não trái, thùy trán trái, thái dương phải) kích thước max 1,8x 3,1 cm    

Hội chẩn Hội đồng Giáo sư đã lựa chọn 2 phương pháp điều trị phối hợp: xạ trị toàn não và điều trị miễn dịch sinh học, một phương pháp mới mang lại kết quả tốt và nhiều hy vọng mới được triển khai trên thế giới trong vài năm gần đây.

Đây là giải pháp bắt nguồn từ công trình khoa học liên quan đến miễn dịch trị liệu hay còn gọi là điều trị miễn dịch (immunotherapy) đã mang lại cho 2 nhà khoa học là James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) Giải Nobel Y - Sinh Học năm 2018.

Từ tháng 5/2017, điều trị miễn dịch đã được các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai tiên phong áp dụng cho bệnh nhân ung thư đầu tiên.

Cụ thể bệnh nhân này đã được xạ trị toàn não bằng máy gia tốc với liều 30 Gy, phân liều 3 Gy/ngày và Atezolizumab (Tecentriq) với liều lượng 1200 mg mỗi 3 tuần.

Sau 4 chu kỳ, bệnh nhân hết đau đầu, không mờ mắt, đi lại sinh hoạt gần như bình thường. Kết quả chụp PET/CT và cộng hưởng từ gần như không còn phát hiện tổn thương.

3457 anh 5

Hình ảnh PET/CT sau điều trị với Atezolizumab: không phát hiện tổn thương trên PET/CT toàn thân

3457 anh 6                 

Qua các nghiên cứu trên thế giới và thực tế lâm sàng cho thấy, điều trị miễn dịch sinh học trong ung thư mở ra một kỷ nguyên mới hứa hẹn với kết quả điều trị cao, ít tác dụng phụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Chúng tôi hy vọng thời gian gần đây sẽ có nhiều bệnh nhân tiếp cận được phương pháp điều trị tiên tiến mới này.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan