GS.TS Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, BS Nguyễn Duy Anh
Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai
Theo
số liệu của Globocan 2018 thì ung thư gan là loại ung thư có tỉ lệ mắc
bệnh và tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở
Việt Nam. Trên thế giới, ung thư gan đứng hàng thứ sáu trong các
bệnh ung thư hay gặp và đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân
gây tử vong do ung thư.
Ung
thư biểu mô tế bào gan nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và
điều trị đúng phương pháp sẽ có tiên lượng khả quan. Tỉ lệ
sống 5 năm đối với bệnh nhân được điều trị là 50-70% tùy từng
nghiên cứu. Chính vì vậy mà các biện pháp sàng lọc phát hiện
sớm ung thư biểu mô tế bào gan hiện rất được chú trọng nghiên
cứu và phát triển. Các tổ chức ung thư học trên thế giới đều
công nhận việc siêu âm đánh giá nhu mô gan kết hợp xét nghiệm
chất chỉ điểm khối u (AFP) trong huyết thanh định kỳ ở những
bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư biểu mô tế bào gan,
là phương pháp sàng lọc hiệu quả. Tuy nhiên siêu âm đánh giá
nhu mô gan rất khó phát hiện được khối u thể thâm nhiễm. Còn
xét nghiệm AFP có tới khoảng 35% là âm tính giả trong các
trường hợp ung thư gan. Vì điều này mà các nhà nghiên cứu trên
thế giới đã nỗ lực tìm kiếm một phương pháp sàng lọc có
hiệu quả cao hơn. Kết quả là ra đời xét nghiệm kết hợp định
lượng 3 yếu tố AFP, AFP-L3 và PIVKA-II. Như đã nêu ở trên, AFP là
chất chỉ điểm ung thư biểu mô tế bào gan trong máu; AFP có 3
thể khác nhau AFP-L1, AFP-L2 và AFP-L3, duy chỉ có AFP-L3 sẽ tăng
ở khoảng 35% những trường hợp u gan giai đoạn sớm khi kích
thước còn nhỏ. Khi AFP-L3 tăng có thể chỉ ra một tình
trạng sớm của ung thư biểu mô tế bào gan, đôi khi sớm hơn phát hiện
ung thư biểu mô tế bào gan bằng chẩn đoán hình ảnh (khoảng 2-3
tháng). PIVKA-II hay des-gamma-carboxy prothrombin (DCP) là prothrombin
bất thường, vai trò của PIVKA-II trong chẩn đoán và tiên lượng, đánh giá
hiệu quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan được triển khai nghiên
cứu và áp dụng trong lâm sàng nhiều nhất tại Nhật Bản. Gần đây, vai trò
của PIVKA-II được chú ý nhiều hơn tại châu Âu, Hoa Kỳ cũng như Châu Á.
Phần lớn các nghiên cứu ở Nhật Bản và Châu Á cho thấy PIVKA-II có vai
trò tốt hơn AFP, đặc biệt tương quan với kích thước khối u, hình thành
huyết khối, hay xâm lấn mạch máu, đánh giá khả năng tái phát sau điều
trị. PIVKA-II hiện diện trong 91% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào
gan trong khi AFP là khoảng 80%.
Trung
tâm Y học hạt nhân & Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai là một
trong các cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật
xét nghiệm 3 yếu tố AFP, AFP-L3 và PIVKA-II phối hợp siêu âm ổ bụng
để sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan. Hàng tuần, trung tâm Y
học hạt nhân & Ung bướu tiếp nhận hàng trăm lượt người dân
đến xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan, nhờ bộ ba
xét nghiệm này đã phát hiện ra nhiều ca bệnh ung thư biểu mô tế
bào gan, giúp các bệnh nhân được điều trị bệnh ở giai đoạn
sớm, tăng tỉ lệ khỏi bệnh cũng như tăng tuổi thọ của các bệnh
nhân.
Dưới đây là một trường hợp lâm sàng phát hiện u gan giai đoạn sớm nhờ bộ ba xét nghiệm AFP, AFP-L3 và PIVKA-II
TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG PHÁT HIỆN U GAN GIAI ĐOẠN SỚM NHỜ XÉT NGHIỆM 3 YẾU TỐ AFP, AFP-L3 VÀ PIVKA-II KẾT HỢP SIÊU ÂM Ổ BỤNG
1.Bệnh cảnh:
- Bệnh nhân Nguyễn X. Q., nam, 40 tuổi
- Bệnh
nhân có tiền sử mắc viêm gan virus B mạn tính nhiều năm nay có
khám và điều trị định kỳ. Các lần khám có được làm xét
nghiệm định lượng AFP trong máu kết quả dao động dưới 50ng/ml.
Siêu âm ổ bụng thấy nhu mô gan thô, không có khối bất thường.
- Đợt này tới khám và tư vấn tại trung tâm Y học hạt nhât & Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.
2.Lâm sàng
- Bụng mềm, không chướng. Gan, lách không sờ thấy; không có sao mạch trên da, không có tuần hoàn bàng hệ.
- Tim nhịp đều, rõ. Mạch 67 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg.
- Phổi 2 bên rì rào phế nang nghe rõ.
- Không phù, da và niêm mạc hồng. Ăn uống bình thường, đại tiện phân vàng.
- Các cơ quan bộ phận khác chưa phát hiện gì bất thường.
3.Cận lâm sàng
- Chỉ số sinh hóa máu:
|
+ Albumin: 42,7g/L
+ Bilirubin toàn phần: 10,7µmol/L
+ Bilirubin trực tiếp: 3,3µmol/L
+ GOT: 23U/L
+ GPT: 40U/L
+ AFP: 45,2ng/mL
+ Chức năng thận trong giới hạn bình thường.
|
- Chỉ số công thức máu: Trong giới hạn bình thường.
- Chỉ số đông máu cơ bản: Trong giới hạn bình thường.
- Xét nghiệm HBeAg: Dương tính yếu; định lượng HBsAg: 3417,83IU/mL
- Xét nghiệm đo tải lượng tải lượng HBV: <116cp/mL
- Siêu âm vùng ổ bụng: Gan kích thước bình thường, nhu mô gan thô có vùng tăng giảm âm không đều ranh giới không rõ. Ngoài ra có sỏi thận phải kích thước ~1cm.
Tổng hợp các kết quả cận lâm sàng cũng không có thay đổi
nhiều so với các lần khám trước đây. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn
được tư vấn cần làm xét nghiệm bộ ba AFP, AFP-L3 VÀ PIVKA-II để
sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan.
- Kết quả xét nghiệm:
|
+ AFP: 42,7ng/mL
+ AFP-L3: 17,9 %
+ PIVKA-II: 1266 mAU/mL
|
Bệnh nhân có chỉ số PIVKA-II tăng cao bất thường, cao gấp 31 lần trị số bình thường.
- Bệnh nhân được chỉ định tiếp chụp CT-scanner ổ bụng có kết quả: Gan kích thước bình thường, bờ đều; nhu mô gan hạ phân thùy VI có khối kích thước 31x37mm ngấm thuốc mạnh sau tiêm, có thải thuốc thì muộn. Tĩnh mạch cửa không giãn, không có huyết khối. Ngoài ra có sỏi thận 2 bên.
Hình 1. Hình ảnh chụp CT-scaner ổ bụng của bệnh nhân: U gan phải có tính chất của ung thư biểu mô tế bào gan.
4.Điều trị tiếp theo
Bệnh
nhân được tư vấn nhập viện trung tâm Y học hạt nhân & Ung
bướu – Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
KẾT LUẬN
Xét
nghiệm bộ ba AFP, AFP-L3 và PIVKA II phối hợp với siêu âm ổ bụng là
xét nghiêm hiệu quả, có độ đặc hiệu cao, đơn giản dễ thực hiện
để phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn sớm. Các
bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan như nam giới
trên 50 tuổi có mắc viêm gan B hoặc viêm gan C, xơ gan, bệnh gan nhiễm
mỡ là những đối tượng cần được thăm khám sàng lọc định kì để phát hiện
sớm bệnh ung thư gan.
Nguồn: ungthubachmai.com.vn