Bệnh nhân ung thư trực tràng đầu tiên được lập kế hoạch xạ trị với hình ảnh PET - CT

Ngày đăng: 19/07/2010 Lượt xem 3585

 Bệnh nhân đã được nội soi trực tràng tại phòng khám tư cho thấy cách rìa hậu môn khoảng 4cm có khối u sùi loét chiếm ¾ chu vi, bác sỹ đã sinh thiết u nhưng cả hai lần sinh thiết đều cho kết quả âm tính (tổ chức viêm, hoại tử). Gia đình bệnh nhân rất hoang mang và lo lắng.

Bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện Bạch Mai, tại đây bệnh nhân đã được thăm khám. Khám lâm sàng thấy bệnh nhân thể trạng gầy, yếu, chiều cao 1m40 cân nặng 36kg. Thăm trực tràng thấy cách rìa hậu môn 4 cm có khối u sùi, loét, mật độ cứng chắc, chiếm toàn bộ chu vi lòng trực tràng.

Bệnh nhân tiếp tục được đánh giá toàn thân và tiến hành nội soi trực tràng và sinh thiết u lần 3; kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa.

Bệnh nhân đã được xét nghiệm với kết quả như sau:

Công thức máu: Số lượng hồng cầu: 3,84T/l; Hemoglobin: 114g/l; Số lượng bạch cầu:8,89G/l; Bạch cầu trung tính: 6,41G/l; Số lượng tiểu cầu: 344 G/l

Sinh hóa máu: Ure: 4,7 mmol/l; Creatinin: 49µmol/l; ASAT:4U/l; ALAT:8U/l

Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu (tumor marquer) CEA: 1,55ng/ml

  

Trên hình ảnh PET-CT: hình ảnh khối u trực tràng chiếm toàn bộ chu vi trực tràng, kích thước: 4,8x5,0x5,8cm, tăng hấp thu mạnh F-18 FDG, max SUV=9,97; di căn hạch cạnh trực tràng kích thước 1,5cm, di căn thùy dưới phổi phải đường kính 1,6cm.

Hình ảnh PET-CT : tổn thương di căn đáy phổi phải đường kính 1,6cm;
tăng hấp thu F-18 FDG, max SUV=3,78

 

Kết quả nội soi trực tràng trước điều trịKết quả chụp PET-CT của bệnh nhân: Hình ảnh khối u ác tính trực tràng thấp có di căn hạch ổ bụng và đáy phổi phải

Bệnh nhân và gia đình đã được giải thích về tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị cũng như tiên lượng bệnh. Bệnh nhân được tiến hành điều trị hóa- xạ trị đồng thời với xạ trị vùng tiểu khung kết hợp Xeloda 825mg/m2 da uống ngày 2 lần vào các ngày xạ trị. Trong những ngày đầu hóa-xạ trị bệnh nhân đi ngoài nhiều lần hơn, không sốt, không đau bụng. Nhìn chung, trong quá trình xạ trị bệnh nhân hầu như không có tác dụng phụ gì đặc biệt: thỉnh thoảng bệnh nhân thấy nóng rát vùng hậu môn; da vùng tầng sinh môn không bị loét. Sau điều trị xạ trị 23 ngày (tổng liều 46Gy), bệnh nhân được tạm nghỉ 2 tuần

 

Trên cùng một mặt phẳng với phần mềm Panther Prowess 4.6, bác sỹ lập kế hoạch xạ trị có thể kết hợp giữa hình ảnh PET và CT để vẽ tổn thương u và các cơ quan cần bảo vệ do vậy việc lập kế hoạch xạ trị chính xác hơn

Hình ảnh biểu diễn đường đồng liều thể tích
được chiếu xạ
Đồ thị biểu diễn thể tích các cơ quan bị chiếu xạ

Sau đó bệnh nhân được đánh giá lại: thăm trực tràng thấy khối u trực tràng đã thu nhỏ đáng kể kích thước hơn trước, đường kính u chỉ còn khoảng 2 cm, chiếm ¼ chu vi lòng trực tràng. Bệnh nhân được nội soi trực tràng và chụp cộng hưởng từ tiểu khung đánh giá tổn thương sau điều trị hóa - xạ trị 23 ngày. Trên hình ảnh nội soi trực tràng khối u đã thu nhỏ kích thước hơn trước, tổn thương sùi loét chiếm ¼ chu vi lòng trực tràng.

Công thức máu: Số lượng hồng cầu: 4,14T/l; Hemoglobin: 121g/l; Số lượng bạch cầu: 4,27G/l; Bạch cầu trung tính: 2,65G/l; Số lượng tiểu cầu: 307 G/l

Sinh hóa máu: Ure: 7,3 mmol/l; Creatinin: 52µmol/l; ASAT: 19U/l; ALAT: 19U/l

Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu (tumor marquer) CEA: 1,50ng/ml 

Kết quả nội soi trực tràng
sau điều trị hóa xạ trị 23 ngày
Kết quả chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân sau điều trị hóa xạ trị 23 ngày: Hình ảnh u trực tràng giữa dạng polyp T2N+, giảm khoảng 95% thể tích so với trước điều trị

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị hóa- xạ trị nhằm mục đích tiêu diệt khối u trực tràng, kéo dài thời gian sống cũng như chất lượng sống cho bệnh nhân (bệnh nhân không phải mang hậu môn nhân tạo).

Bệnh nhân được điều trị hóa-xạ trị tiếp tục với liều như trên đến khi đạt tổng liều tại u và hạch là 66 Gy. Sau đó bệnh nhân được nghỉ hai tuần.

Sau hai tuần bệnh nhân không cảm thấy đau bụng, đau hậu môn nữa, bệnh nhân hết cảm giác mót rặn và đi ngoài bình thường như trước đây (đi ngoài phân thành khuôn) thăm trực tràng thấy khối u đã tan hết.

Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ tiểu khung cho thấy hình ảnh tổn thương tại trực tràng giảm nhiều sau xạ trị, có tổn thương di căn hạch quanh trực tràng và di căn hạch mạc treo ruột.

Trên nội soi trực tràng có hình ảnh loét trực tràng sau xạ trị, diện loét có đường kính khoảng 1cm. 

Kết quả nội soi trực tràng sau điều trị hóa xạ trị 33 ngày: Polyp trực tràng-Loét trực tràng do tia xạ
Kết quả chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân sau điều trị hóa xạ trị 33 ngày: Hình ảnh giảm nhiều thể tích u trực tràng giữa sau điều trị xạ trị. Hai khối hạch to mạc treo ruột vị trí mạng sườn trái. Nhiều hạch nhỏ lớp mỡ quanh trực tràng

 Bệnh nhân hiện đang được tiếp tục điều trị hoá trị toàn thân để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Bệnh nhân rất hài lòng vì bệnh nhân thấy hiện nay bệnh nhân đi ngoài hoàn toàn bình thường, không đau bụng, bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh và vui vẻ.

Xạ trị được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư trực tràng thấp nhằm mục đích tiêu diệt khối u, bảo tồn cơ thắt hậu môn là phương pháp điều trị ít can thiệp đến cuộc sống sau này của bệnh nhân, giúp cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

     
Khối u trực tràng trước điều trị chiếm toàn bộ chu vi (mũi tên màu xanh), và có hạch cạnh trực tràng (mũi tên màu đỏ)
Sau điều trị hóa-xạ trị 23 ngày: khối u trực tràng đã thu nhỏ kích thước hơn trước
Sau điều trị hóa-xạ trị 33 ngày khối u trực tràng đã tan hết

Đến nay, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai đã có gần 10 bệnh nhân tuổi cao được chẩn đoán là ung thư trực tràng thấp được điều trị theo phương pháp hóa-xạ trị hoặc xạ trị đơn thuần nhằm điều trị triệt căn bệnh. Đa số tổn thương đều thoái lui sau điều trị, trong và sau quá trình điều trị không gặp các biến chứng nặng như viêm bàng quang nặng, hoại tử ruột, hoại tử cổ xương đùi chỉ có hai bệnh nhân bị viêm bàng quang nhẹ trong quá trình xạ trị và các triệu chứng này giảm sau khi ngừng xạ trị, một bệnh nhân bị viêm da toàn thân trong quá trình xạ trị nguyên nhân là do dị ứng thuốc bôi da. Cho đến nay tất cả các bệnh nhân này đều sống khỏe mạnh và không phải mang hậu môn nhân tạo, đây là một hướng đi mới trong điều trị các bệnh nhân nhiều tuổi bị ung thư trực tràng thấp.

PGS.TS. Mai Trọng Khoa; Ths. Phạm Cẩm Phương và CS
Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bach Mai
PGS.TS. Mai Trọng Khoa; Ths. Phạm Cẩm Phương và CS
Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bach Mai
 

 

 

 

Tin liên quan