Ca lâm sàng điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến xa có đột biến gen EGFR

Ngày đăng: 07/05/2018 Lượt xem 1110
Bệnh cảnh: Bệnh nhân N. T. H…, nữ, 77 tuổi, Nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai tháng 1 năm 2013 vì lý do ho ra máu.

Bệnh sử: Cách ngày vào viện khoảng 5 tuần, bệnh nhân xuất hiện ho nhiều, ho dây máu kèm tức ngực phải nhẹ, không sốt, đã khám tại tuyến cơ sở, được điều trị theo phác đồ điều trị lao 1 tháng không đỡ. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai, chụp cắt lớp vi tính ngực phát hiện thấy khối u thùy trên phổi phải kích thước 2x4cm, bờ tua gai. Bệnh nhân được nhập viện để chẩn đoán và điều trị tiếp.

Tiền sử:
Bản thân: Khỏe mạnh
Gia đình: Không có ai mắc bệnh lao

Khám lúc vào viện:


Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
Thể trạng trung bình: chiều cao 155 cm. Cân nặng 50 kg.
Mạch: 78 chu kì/ phút, Huyết áp: 100/60 mmHg.
Da niêm mạc hồng.
Hạch ngoại vi: không sờ thấy.
Nhịp tim đều, tần số 78 lần/phút, không thấy tiếng bệnh lý.
Phổi: rì rào phế nang hai phổi rõ, không rales.
Bụng mềm, gan lách không sờ thấy
Các cơ quan khác chưa phát hiện gì đặc biệt.

Xét nghiệm cơ bản lúc vào viện:

Xét nghiệm công thức máu (trong giới hạn bình thường)
  • Hồng cầu:4,5 T/l; Hb: 135g/l
  • Bạch cầu: 7,81G/l; BC trung tính: 69 %        
  • Tiểu cầu: 370G/l
Xét nghiệm sinh hóa máu:
  • Chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường.
  • Chất chỉ điểm ung thư tăng cao với CEA: 75,6 ng/ml.
  • Đông máu cơ bản: bình thường
Xét nghiệm vi sinh: HBsAg (-), HIV (-); anti- HCV (-)
Xét nghiệm nước tiểu: bình thường

Sau khi giải thích về tình trạng bệnh cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, chúng tôi tiến hành sinh thiết khối u phổi qua nội soi phế quản để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh chẩn đoán xác định. Kết quả giải phẫu bệnh là Ung thư biểu mô tuyến của phổi. Xét nghiệm đột biến gen EGFR cho kết quả dương tính, đột biến tại vị trí exon 19.

Bệnh nhân được tiến hành chụp PET/ CT đánh giá giai đoạn bệnh:

Kết quả cho thấy: thùy trên phổi phải có khối kích thước 2 x 4 cm, tăng hấp thu FDG, max SUV: 12,6. Nhiều nốt tổn thương 2 phổi, tăng nhẹ hấp thu FDG, max SUV: 2,5. Không phát hiện hạch trung thất và các tổn thương tại cơ quan khác.


Hình 1: Hình ảnh khối u đỉnh phổi phải và các tổn thương thứ phát tại hai phổi trên phim chụp PET/ CT

Chụp cộng hưởng từ sọ não: Không phát hiện tổn thương thứ phát.

TÓM TẮT:

Bệnh nhân nữ, 77 tuổi. Chẩn đoán: Ung thư phổi phải di căn phổi T2 N0 M1, giai đoạn IV. Ung thư biểu mô tuyến. Đột biến gen EGFR dương tính.

Hướng xử trí:
Điều trị toàn thân thuốc điều trị đích Erlotinib (Tarceva) 150 mg x 1 viên/ ngày. Uống hàng ngày.

Kết quả sau điều trị

Lâm sàng:
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân hết ho ra máu, không còn tức ngực. Tuy nhiên xuất hiện nổi mụn vùng mặt và cổ mức độ nhẹ, bệnh nhân chấp nhận được.
Sau 2 tháng uống Erlotinib, các triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ rệt, xét nghiệm lại thấy chất chỉ điểm u về giới hạn bình thường: CEA: 4,5 ng/ ml

Bệnh nhân được tiếp tục duy trì điều trị Erlotinib (Tarceva) hàng ngày, đến thời điểm sau 30 tháng điều trị, bệnh nhân ổn định, chụp PET/CT đánh giá lại: kết quả cho thấy khối u đỉnh phổi phải tan hết, các nốt tổn thương thứ phát phổi trái biến mất.


Hình 2: Hình ảnh u phổi phải tan hết, các tổn thương phổi di căn biến mất.

So sánh trước và sau điều trị 30 tháng:

Lâm sàng: Bệnh nhân không còn ho ra máu, không đau tức ngực, sinh hoạt bình thường. Khối u phổi phải và các tổn thương thứ phát tại phổi trái biến mất gần hoàn toàn sau điều trị.

Trước điều trị

- Ho, đau ngực

- U phổi phải nhỏ thùy dưới di căn hạch trung thất lớn (KT 2 x 4 cm, max SUV 12,6), di căn 2 phổi;

- CEA 75,6

Sau điều trị:

-    Hết ho, hết đau ngực

-      Không còn rõ u

-      CEA: bình thường (4,5 ng/ml)



Kết luận

Hiện tại, điều trị Tarceva được 66 tháng (từ tháng 1/2013 đến nay):
  • Bệnh nhân ổn định, không ho, không khó thở
  • Ăn uống, sinh hoạt được
Một số tác dụng phụ gặp, không thường xuyên, kiểm soát được bằng nội khoa
  • Mẩn ngứa ngoài da, chín mé
  • Viêm dạ dày
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Đôi khi mất ngủ
Đây là một ca lâm sàng về ung thư phổi giai đoạn tiến xa điều trị đích thành công khi có đột biến gen EGFR, đạt lui bệnh hoàn toàn và hiện tại đã điều trị được 6 tháng bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường và không có dấu hiệu tái phát.

Vũ Hữu Khiêm

Tin liên quan