Điều trị thành công bệnh nhân ung thư phổi loại biểu mô tuyến di căn phổi tại bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 28/06/2018 Lượt xem 2381
GS. TS. Mai Trọng Khoa, TS. Phạm Văn Thái, BSNT. Nguyễn Đức Luân
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai

Ung thư phổi không tế bào nhỏ hiện đang là bệnh ung thư đứng hàng số 1 về tỉ lệ mới mắc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phần lớn bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV). Ở giai đoạn này, điều trị toàn thân là phương pháp điều trị chủ yếu. Các phương pháp điều trị toàn thân bao gồm: hóa chất, điều trị đích. Việc lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc vào thể trạng, giai đoạn bệnh và mô bệnh học của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị hóa chất phù hợp với bệnh nhân thể trạng chung còn tốt, loại biểu mô tuyến nhưng không có đột biến gen EGFR, ung thư loại tế bào vảy… Trong các thuốc hóa chất, phác đồ hóa chất có Platinum đem lại thời gian sống thêm không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ cao hơn so với các phác đồ khác trong nhiều nghiên cứu đã được công bố.

Phương pháp điều trị đích trong ung thư phổi bao gồm: thuốc điều trị đích ức chế enzyme tyrosin kinanse (TKIs) hoặc chất ức chế tăng sinh mạch (anti-VEGF như thuốc Bevacizumab). Nhóm thuốc TKIs là lựa chọn bước 1 với bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến có đột biến EGFR, đặc biệt là đột biến tại các exon 19 và 21 sẽ làm tăng sự nhạy cảm của thuốc. Trong một số nghiên cứu cho thấy đột biến tại exon 20 có thể gây kháng thuốc, những trường hợp này hóa chất là sự lựa chọn thích hợp.

Những bệnh nhân phát hiện có đột biến gen EML4-ALK, có thể dùng thuốc crizotinib. Với nhóm bệnh nhân không có đột biến gen, nếu không phải biểu mô vảy thì có thể điều trị hóa chất phối hợp với Bevacizumab.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: sử dụng hóa chất hoặc TKIs điều trị bước một và chuyển sang bước 2 khi bệnh tiến triển (2 loại đảo chỗ cho nhau), kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân được điều trị TKIs bước 1 rồi hóa chất bước 2 có kết quả tốt hơn. Như vậy, TKIs là lựa chọn bước 1 điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen tại exon 19 và 21, và nên làm xét nghiệm đột biến gen EGFR cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tuyến.

Sau đây là ca lâm sàng một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV được điều trị thành công bằng thuốc TKIs (Gefitinib).

Hành chính

  • BN N. T. H. N          
  • Giới: nữ, Tuổi: 58 tuổi
  • Nghề nghiệp: cán bộ hưu
  • Lý do vào viện: đau ngực phải.

Bệnh sử: Tháng 7/2014, bệnh nhân xuất hiện ho khan kéo dài, đau tức ngực phải. Kèm theo bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn kém, gày sút 2kg/tháng. Bệnh nhân đã tự dùng thuốc giảm ho, thuốc kháng sinh nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch mai để khám bệnh và điều trị.

Tiền sử:

  • Tiền sử bản thân: khỏe mạnh.
  • Không có tiền sử dị ứng
  • Không hút thuốc lá.
  • Tiền sử gia đình: chưa phát hiện gì đặc biệt.

Khám lúc vào viện:

  • Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
  • Thể trạng gày, cao 155 cm, nặng 48 Kg
  • Không phù, không xuất huyết dưới da
  • Hạch ngoại vi không sờ thấy
  • Tim mạch: Nhịp tim đều 80 ck/ph. Tiếng T1,T2 rõ, không có tiếng thổi bệnh lý
  • Hô hấp: Rì rào phế nang rõ không có rales.
  • Các cơ quan, bộ phận khác không có gì đặc biệt.

Xét nghiệm cơ bản lúc vào viện:

  • Công thức máu: trong giới hạn bình thường
  • Sinh hóa máu: chức năng gan, chức năng thận trong giới hạn bình thường.
  • Chất chỉ điểm ung thư (Tumor markers): CEA, Cyfra 21-1 trong giới hạn bình thường.
  • Vi sinh: HbsAg (-), HCV (-)

Đông máu cơ bản: bình thường Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Hình ảnh khối u thùy giữa phổi phải kích thước 2,2 x 1,5 cm, xâm lấn thành ngực, di căn hạch trung thất, nhiều nốt di căn phổi trái và phổi phải.



 Hình 1a: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy khối u thùy giữa phổi phải kích thước 2,2 x 1,5 cm, có xâm lấn thành ngực (mũi tên vàng )

 
Hình 1b: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy hạch trung thất bên trái kích thước 1,8 x 2 cm (vòng tròn đỏ).





Hình 1c: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy nhiều nốt mờ hai phổi kích thước từ 0,5 – 1 (cm) (mũi tên đỏ).

Chụp cộng hưởng từ sọ não: không thấy hình ảnh bất thường.

Xạ hình xương: không thấy hình ảnh bất thường.

Bệnh nhân được sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến.

Phân tích đột biến gen EGFR: Có đột biến tại exon 21 của gen EGFR.

Tóm lại:

  • Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, vào viện vì đau tức ngực phải.
  • Chẩn đoán xác định: Ung thư phổi phải di căn hạch trung thất, di căn phổi (T3N2M1).
  • Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến.
  • Kết quả xét nghiệm đột biến EGFR: phát hiện thấy đột biến trên exon 21 của gen EGFR.
  • Xử trí: Bệnh nhân được điều trị đích bước 1 với Gefitinib (Iressa) 250 mg x 1 viên, uống hàng ngày.

 ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SAU 21 THÁNG.

Lâm sàng

  • Bệnh nhân không còn đau ngực, không khó thở
  • Bệnh nhân hết mệt mỏi, ăn uống tốt, tăng 2kg.
  • Rì rào phế nang hai phổi rõ, không rales

Tác dụng phụ của Irssesa:
  • Sau khi sử dụng Gefitinib (Iressa) 6 ngày bệnh nhân xuất hiện nổi ban, sẩn ngoài da vùng mặt, ngực, bụng. Mức độ nhẹ và bệnh nhân không phải ngừng điều trị.
  • Khô da.
  • Thay đổi màu sắc móng tay.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực sau điều trị 21 tháng (hình 2a, 2b):

Không thấy khối u phổi phải.

Không thấy hạch trung thất.

Không thấy nốt tổn thưởng di căn ở hai phổi.

  
Hình 2a: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không thấy khối u thùy giữa phổi phải, không thấy hạch trung thất trái.

 
Hình 2b: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không thấy nốt mờ hai phổi.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SAU 34 THÁNG

Lâm sàng

  • Bệnh nhân không còn đau ngực, không khó thở, ăn uống tốt, tăng cân.
  • Rì rào phế nang hai phổi rõ, không rales
  • Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực sau điều trị 34 tháng (hình 3a, 3b): Không thấy khối u phổi phải, không thấy hạch trung thất.

 
Hình 3a: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không thấy khối u thùy giữa phổi phải, không thấy hạch trung thất trái.

 
Hình 3b: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không thấy nốt mờ hai phổi

So sánh trước và sau điều trị:

Lâm sàng:

  • Trước điều trị: ho khan, đau tức ngực phải, mệt mỏi ăn uống kém, gày sút 2 kg.
  • Sau điều trị: không ho, không đau ngực, hết mệt mỏi, ăn uống tốt, tăng 2-3 kg.
  • Hình ảnh cắt lớp vi tính lồng ngực:
 
Hình 4 (A,B): Trước điều trị: hình ảnh u phổi phải kích thước 2,2 x 1,5 (cm) , xâm lấn thành ngực phải (mũi tên vàng)

 
Hình 4 (C,D): Sau điều trị 34 tháng: Khối u phổi phải hoàn toán biến mất.

 
Hình 5 A: Trước điều trị: hình ảnh hạch trung thất trái kích thước 1,8 x 2,0 cm (vòng tròn đỏ).

 
Hình 5 B: Sau điều trị 34 tháng: Không thấy hạch trung thất trái.

 
Hình 6 (A,B,C): Trước điều trị: hình ảnh nốt tổn thương thứ phát hai phổi kích thước từ 0,5 – 1 cm (mũi tên đỏ)

 
Hình 6 (C,D,E): Sau điều trị 34 tháng: không thấy nốt tổn thương thứ phát hai phổi

KẾT LUẬN

Qua ca lâm sàng được chẩn đoán xác định là ung thư phổ loại biểu mô tuyến giai đoạn T3N2M1, đột biến EGFR dương tính được điều trị đích bước 1 với Gefitinib (Iressa) 250 mg x 1 viên, uống hàng ngày, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Bệnh đáp ứng hoàn toàn

Các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt
  • Không còn triệu chứng ho khan, không đau tức ngực, không khó thở.
  • Không mệt mỏi, ăn uống tốt.
  • Sinh hoạt và làm việc bình thường.
Tác dụng phụ của Iressa:
  • Nổi mụn trên da
  • Khô da, thay đổi màu sắc móng tay.
  • Không có tác dụng phụ trên tủy xương, gan, thận
  • Tác dụng phụ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân không phải dừng điều trị.
Lựa chọn điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa phụ thuộc vào: loại mô bệnh học, đột biến EGFR, thể trạng và kinh tế gia đình bệnh nhân…

Gefitinib (Iressa) là 1 trong các thuốc điều trị đích (nhóm phân tử nhỏ) có hiệu quả trong điều trị bước 1 ở những bệnh nhân ung thư phổi loại biểu mô tuyến có đột biến gen EGFR.

Ưu điểm: Dùng đường uống, ít độc tính, tác dụng phụ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú được.

Phạm Văn Thái

Tin liên quan