TS. BS. Phạm Cẩm Phương, GS.TS. Mai Trọng Khoa, BSNT. Võ Thị Huyền Trang và CS
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai
1. Bệnh cảnh: Bệnh nhân Nguyễn Thị M., nữ 38 tuổi. vào viện vì đau bụng vùng dưới rốn.
2. Bệnh sử: Từ tháng 9/2015 bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn, không ra máu âm đạo bất thường. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng trái giai đoạn FIGO IA, bệnh nhân được phẫu thuật tử cung toàn bộ, cắt buồng trứng hai bên, mạc nối lớn. Sau phẫu thuật 3 tuần tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
3. Tiền sử:
Bản thân: Chưa phát hiện gì đặc biệt
Gia đình: Không ai mắc bệnh liên quan
4. Khám bệnh nhân vào viện:
Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt
Thể trạng trung bình, chiều cao 155cm, nặng 60kg, BMI = 24,97 kg/m2
Diện tích da: 1,65 m2
Mạch: 70 chu kỳ/phút, huyết áp: 120/70 mmHg
Da, niêm mạc hồng
Không phù, không xuất huyết dưới da
Tuyến giáp không to, hạch ngoại vi không sờ thấy
Tim đều, T1 T2 rõ, không có tiếng bất thường
Phổi: Rì rào phế nang đều hai bên, không rales
Bụng mềm, không chướng, không có điểm đau khu trú, vết mổ khô, đã cắt chỉ
Vú hai bên mềm mại, không có u
Tuyến giáp hai bên không sờ thấy
Không có dấu hiệu thần kinh khu trú, không có hội chứng tăng áp lực nội sọ
5. Xét nghiệm cận lâm sàng
Công thức máu: Hồng cầu: 4,31T/l; Hemoglobin: 141 g/l; Tiểu cầu 259 G/l; Bạch cầu: 7,98 G/l
Sinh hóa máu: Glucose 5,2 mmol/l; Ure: 4,2mmol/l, Creatinine: 79umol/l; GOT: 23U/l; GPT: 19U/l.
- Hình ảnh chụp cộng hưởng từ ổ bụng-tiểu khung trước mổ: Khối u vùng hạ vị kích thước lớn 25x15x12cm, có vách tạo nhiều khối nhỏ trong khối, nghĩ đến u buồng trứng
Hình 1. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ ổ bụng-tiểu khung: khối u vùng hạ vị kích thước lớn
Cách thức phẫu thuật: Khối u buồng trứng trái kích thước 25x15x12cm, có vách tạo nhiều khối nhỏ trong khối, phúc mạc không có tổn thương di căn, không có dịch tự do trong ổ bụng.
Mô bệnh học sau mổ:
Đại thể: khối u đường kính 25x15x12cm, có vỏ rõ, diện cắt qua mềm, vàng, nhầy, tạo nhiều nang, kích thước 1-5cm
Vi thể kết luận: Ung thư biểu mô tuyến nhầy.
Sau mổ: chất chỉ điểm u: CEA: 1,63 ng/ml; CA 12-5: 28,4 ng/ml (trong giới hạn bình thường)
- Bệnh nhân được chụp PET/CT để đánh giá tình trạng di căn xa nhằm mục đích xem xét đánh giá điều trị hóa trị bổ trợ. Tình cờ, trên hình ảnh PET/CT phát hiện tuyến giáp không to, nhu mô hai thùy tuyến giáp tăng hấp thu 18F-FDG, max SUV= 7,58. Các vị trí khác không phát hiện bất thường.
Hình 2. Hình ảnh PET/CT: hai thùy tuyến giáp tăng hấp thu 18F-FDG
Tiến hành xét nghiệm chọc hút kim nhỏ tổn thương tại tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm: khối u tuyến giáp thùy trái đường kính 8mm, có vôi hóa trong khối.
- Xét nghiệm tế bào học tại nhân thùy trái tuyến giáp: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.
6. Chẩn đoán: Ung thư buồng trứng đã phẫu thuật giai đoạn FIGO IA/ Ung thư tuyến giáp thể nhú T1N0M0.
7. Điều trị:
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai. Giai đoạn sau phẫu thuật T1N0M0 (biên bản phẫu thuật: khối u thùy trái tuyến giáp kích thước 1cm, giới hạn rõ, chưa xâm lấn khối bao giáp).
Mô bệnh học thùy phải: viêm tuyến giáp mạn tính.
Mô bệnh học khối u tuyến giáp tại thùy trái: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
Mô bệnh học các hạch cổ: 15/15 hạch không có tế bào ác tính
Sau phẫu thuật 3 tuần bệnh nhân được chuyển trở lại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.
Bệnh nhân được làm xạ hình tuyến giáp với Tc-99m sau phẫu thuật cho thấy: không còn tổ chức tuyến giáp sau mổ.
Hình 3. Hình ảnh xạ hình tuyến giáp với Tc-99m: không có ổ tập trung hoạt độ phóng xạ bất thường
Xét nghiệm đột biến gen BRAF: có phát hiện thấy đột biến gen BRAF V600E
Bệnh nhân được điều trị I-131 liều 50mCi. Sau đó duy trì liều hormon tuyến giáp levothyroxine 100µg/ngày.
8. Theo dõi sau điều trị:
* Lâm sàng: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hoạt bình thường
Không đau, không ho, không khó thở
Các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường
* Cận lâm sàng
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu: trong giới hạn bình thường: CEA: 2,3 ng.ml; CA 12-5 : 18,2 ng/ml. Tg: 0,04ng/ml; AntiTg: 10,2 UI/ml.
Xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, chức năng thận trong giới hạn bình thường
Xạ hình toàn thân sau điều trị I-131 sáu tháng:
Hình 4. Hình ảnh xạ hình toàn thân sau điều trị I-131 6 tháng: không thấy hoạt độ phóng xạ tập trung bất thường tại các vị trí trong cơ thể
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, ổ bụng, xạ hình xương trong quá trình theo dõi tái khám định kỳ: không phát hiện tổn thương bất thường.
Hình 5. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: không thấy hình ảnh bất thường
Hình 6. Hình ảnh chụp cắt lớp vi lồng ngực: không thấy hình ảnh bất thường
Xạ hình toàn thân với I-131: không thấy hoạt độ phóng xạ tập trung bất thường tại các vị trí trong cơ thể
Hình 7. Hình ảnh xạ hình toàn thân với I-131: không thấy hoạt độ phóng xạ tập trung bất thường tại các vị trí trong cơ thể
Hiện tại sau 23 tháng điều trị, bệnh nhân hoàn toàn ổn định cả hai bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư buồng trứng. Bệnh nhân tiếp tục được tái khám định kỳ theo hẹn.
Nguồn: ungthubachmai.com.vn