GS.TS. Mai Trọng Khoa, TS.BS. Phạm Cẩm Phương, BS Lê Viết Nam
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Theo Globocan 2012 ung thư phổi trên thế giới có khoảng 1,825 triệu ca chiếm 12,9% tổng số ca mới mắc, có 1,59 triệu ca tử vong chiếm 19,4%. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với gần 21.865 ca mới mắc chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%. Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.
Đối với giai đoạn sớm (giai đoạn I,II) điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc hóa – xạ trị kết hợp. Với giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp điều trị toàn thân như hóa chất, điều trị đích. Các phác đồ hóa chất thường dùng là phác đồ phối hợp platinum (Cisplatin, Carboplatin) với nhóm Taxane (Paclitaxel, Docetaxel), Gemcitabine, Etoposid, Vinorelbine, Pemetrexed…. Hiện nay cùng với sự phát hiện bất thường ở mức độ phân tử và các thuốc điều trị đích đã mang đến những tín hiệu tích cực trong điều trị. Điều trị đích là phương pháp dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Phương pháp này bao gồm hai nhóm thuốc: kháng thể đơn dòng và các thuốc thuộc loại phân tử nhỏ. Nhóm thuốc phân tử nhỏ (ức chế tyrosine-kinase: Gefitinib, Erlotinib…) là một trong những lựa chọn điều trị bước 1 với bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn muộn có đột biến EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor: thụ thể yếu tố phát triển biểu mô).
Sau đây là một trường hợp lâm sàng ung thư phổi giai đoạn di căn có đột biến EGFR được điều trị tại trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh cảnh: Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiệp H., nữ, 67 tuổi, vào viện ngày 23/10/015 vì đau tức ngực trái
Bệnh sử: Bệnh diễn biến trước ngày vào viện một tháng, bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực trái, ho khạc đờm trắng. Kèm theo bệnh nhân khó thở khi gắng sức, ăn uống kém, gầy sút 2 kg/tháng. Bệnh nhân đi khám được chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện hình ảnh u thùy dưới phổi trái, tràn dịch màng phổi trái. Sau đó bệnh nhân được nội soi phế quản và sinh thiết tổn thương và có kết quả mô bệnh học là: Ung thư biểu mô tuyến. Bệnh nhân được nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.
Tiền sử:
Bản thân: Khỏe mạnh
Gia đình: Không ai mắc bệnh liên quan
Khám bệnh nhân lúc vào viện:
- Bệnh nhân tỉnh
- Thể trạng trung bình: cao148cm, nặng 47 kg
- Da niêm mạc hồng
- Hạch ngoại vi: không sờ thấy
- Tim: 80 chu kỳ/phút, tiếng tim T1,T2 rõ, không có tiếng bất thường
- Phổi: Rì rào phế nang rõ, không có ran. Hội chứng 3 giảm đáy phổi trái
- Cơ quan khác: Chưa phát hiện bất thường.
Xét nghiệm máu:
- Công thức máu: Hồng cầu: 3,99T/l; Hemoglobin: 124g/l; Tiểu cầu: 334G/l; Bạch cầu: 7,5G/l
- Sinh hóa máu: Chức năng gan thận, điện giải đồ: bình thường
- Chỉ điểm u: CEA: 95,4ng/ml
- Virus: HbsAg âm tính, HIV: âm tính
Chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy: Khối u thùy trên phổi trái kích thước 28x30mm, nằm sát động mạch chủ ngực, tràn dịch màng phổi trái
Hình 1: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Khối u thùy trên phổi trái kích thước 28x30mm, nằm sát động mạch chủ ngực (vòng tròn đỏ, mũi tên trắng), tràn dịch màng phổi trái (mũi tên vàng)
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: Tổn thương gan hạ phân thùy VI kích thước 1cm và tổn thương hạ phân thùy IV kích thước 3cm, ngấm thuốc dạng viền, dạng tổn thương thứ phát.
Hình 2: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: Tổn thương gan hạ phân thùy VI kích thước 1cm và tổn thương hạ phân thùy IV
Chụp cộng hưởng từ sọ não: Hiện tại không thấy bất thường
Hình 3: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não
Xạ hình xương toàn thân: Tổn thương thân đốt sống vị trí C4 và D6 dạng tổn thương thứ phát
Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết: Ung thư biểu mô tuyến, xét nghiệm có đột biến gen EGFR trên exon 21
Chẩn đoán xác định: Ung thư phổi trái di căn xương, gan T4N1M1, giai đoạn IV
Điều trị:
- Thuốc chống hủy xương: zometa 4mg pha trong 250ml + Natriclorua 0,9% truyền tĩnh mạch mỗi 28 ngày
- Iressa 250mg uống hàng ngày
Đánh giá sau 2 tháng điều trị:
Lâm sàng: Bệnh nhân đỡ đau ngực, không khó thở
Chỉ điểm u: CEA: 82,4ng/ml
Chụp PET/CT đánh giá:
- Thùy trên phổi trái sát động mạch chủ ngực có khối kích thước 25x13mm, không tăng hấp thu FDG
- Dày dính màng phổi trái
- Không thấy tổn thương tăng hấp thu FDG bất thường khác
Hình 4: Hình ảnh chụp PET/CT sau 2 tháng điều trị
Đánh giá sau 2 tháng điều trị, bệnh đáp ứng một phần. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị Iressa 250mg uống hàng ngày.
Đánh giá sau điều trị 9 tháng
Lâm sàng: Bệnh nhân ổn định, không đau ngực, không ho.
Chỉ điểm u: CEA: 62,4ng/ml.
Xạ hình xương sau 9 tháng điều trị: Viêm thoái hóa đa khớp, không thấy tổn thương thứ phát.
Hình 5: Hình ảnh xạ hình xương sau điều trị 9 tháng
Chụp cắt lớp vi tính ngực đánh giá sau 9 tháng điều trị: U thùy dưới phổi trái kích thước 11x16mm, không ngấm thuốc, không có dịch màng phổi.
Hình 6: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực trước và sau điều trị 9 tháng
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: Không thấy tổn thương gan
Hình 7: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng trước và sau điều trị 9 tháng
Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị duy trì tiếp với Iressa, hy vọng bệnh nhân sẽ đạt được ổn định bệnh lâu dài.