Giá trị của PET/CT trong chẩn đoán các tổn thương lành tính

Ngày đăng: 12/05/2016 Lượt xem 9665

GS. TS. Mai Trọng Khoa, Bs. Nguyễn Xuân Thanh, BS Trần Hải Bình

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Như chúng ta đã biết, trước đây việc chẩn đoán bệnh ung thư và một số bệnh lý khác thường dựa trên các phương pháp chẩn đoán thông thường như chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ đối với từng bộ phận. Gần đây, hệ thống chụp PET/CT toàn thân đã mang lại nhiều lợi ích ưu việt hơn, hệ thống này dựa trên sự kết hợp hai trong một giữa hình ảnh chuyển hóa ở mức độ tế bào trên PET và hình ảnh về cấu trúc giải phẫu của tổ chức cần quan sát trên CT với độ chính xác cao. Trước đây, PET/CT thường được ứng dụng trong lĩnh vực tim mạch và thần kinh. Ngày nay, PET/CT thường được sử dụng chủ yếu trong chuyên ngành ung bướu nhằm chẩn đoán khối u nguyên phát, giai đoạn bệnh, theo dõi đáp ứng điều trị.... Tuy vậy, trong các bệnh lý lành tính như u xơ hay các tổn thương viêm cấp PET/CT vẫn cho thấy những giá trị chẩn đoán nhất định, dựa trên các nguyên lý sau:

FDG được hấp thụ bởi các bạch cầu và đại thực bào được hoạt hóa tại vị trí viêm.

FDG-PET: giúp chẩn đoán và xác định vị trí của nhiễm trùng và viêm hoạt động.

FDG-PET chẩn đoán từ 25-69% trường hợp nhiễm trùng và viêm hoạt động.

Trong một số trường hợp, chúng ta có thể không tìm thấy vị trí của tổn thương viêm nhiễm hay u xơ. Sau đây là trường hợp một bệnh nhân được đánh giá sàng lọc phối hợp qua chụp PET/CT để chẩn đoán, sau đó điều trị bệnh hiệu quả tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh cảnh: Bệnh nhân: Nguyễn Thị L., tuổi 43. Quê quán: Bắc Ninh.

Ngày vào viện: 10/09/2015.

Lý do vào viện: Nổi u vú phải

Bệnh sử: Bệnh nhân sờ thấy nổi u vú phải cách đây 2 tháng, u lớn dần, ấn không đau, điều trị thuốc nội khoa ở nhà không đỡ. Bệnh nhân đến khám và chẩn đoán tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Khám lâm sàng:

Lâm sàng:

+ Cơ năng: Nổi u vú phải, không đau.

+ Khám vú phải: Có một khối tại vị trí 1/4 dưới trong kích thước 1,5x1,2cm chắc, di động kém, bờ nhẵn.
+ Toàn thân: Thể trạng trung bình (P=56kg), cao 157cm. Không phù, không xuất huyết.
Cận lâm sàng:

1 – Công thức máu có kết quả bình thường: HC (hồng cầu) 4,3T/L; HB (hemoglobin): 128G/L; TC (tiểu cầu): 204G/L; BC (bạch cầu) 8,4 G/L (N (bạch cầu trung tính): 5,7 G/L).

2 – Sinh hóa máu: Ure = 5,3mmol/l, Creatinin = 94umol/l, GOT = 32 U/L, GPT = 40U/L (các chỉ số trong giới hạn bình thường).

Chỉ điểm ung thư vú trong giới hạn cho phép: CA 15-3 = 1,3 U/ml (bình thường <30U/ml).

Siêu âm tuyến vú: vị trí 4h cách núm vú phải 3cm có khối giảm âm đồng nhất, bờ đều. Phần nhu mô còn lại không thấy nốt hay khối bất thường.

1

Hình 1: Hình ảnh khối u vú phải bờ đều, kích thước: 13x8mm, không thấy hình ảnh canxi hóa kèm theo.

Siêu âm cổ và hố nách hai bên không thấy bất thường.

Tiến hành chọc tế bào khối u vú phải cho kết quả: hướng tới carcinoma tuyến vú (đề nghị sinh thiết u chẩn đoán xác định).

Sau khi nghe tư vấn và hội chẩn chuyên môn cùng với sự hiểu biết, gia đình bệnh nhân quyết định chụp PET/CT kiểm tra trước khi sinh thiết u.

Kết quả chụp PET/CT:

2

Hình 2: Hình ảnh chụp PET/CT toàn thân: có hình ảnh tăng hấp thu FDG tại hai thùy tuyến giáp và một nốt tại thành ngực bên phải (mũi tên đỏ).

3

Hình 3: Hình ảnh PET/CT: Nhân thùy phải tuyến giáp kích thước: 1,4x1,0cm tăng hấp thu FDG, max SUV=5,11. Nhân thùy trái tuyến giáp kích thước: 1,9x1,6cm tăng hấp thu FDG, max SUV=6,8.

4

Hình 4: Hình ảnh PET/CT: Hình ảnh nốt kích thước: 1,6x1,2cm vị trí 1/4 dưới trong vú phải có tăng hấp thu FDG ở mức độ vừa, max SUV=2,8.



5

Hình 5: Hình ảnh PET/CT: Hình ảnh niêm mạc tử cung tăng hấp thu FDG sinh lý trong chu kỳ kinh nguyệt, SUV=5,4.


6

Hình 6: Hình ảnh PET/CT: Hình ảnh tổ chức thành bụng trước bên phải kích thước: 1,8x1,2cm tăng hấp thu FDG, max SUV=4,1.

Ngay ngày hôm sau bệnh nhân được chọc tế bào tổ chức thành bụng trước bên phải cho kết quả tổn thương viêm cấp. Chọc tế bào nhân hai thùy tuyến giáp kết quả nang keo tuyến giáp lành tính.

Như vậy các kết quả chụp và xét nghiệm tế bào học cho thấy: Nhân hai thùy tuyến giáp, tổ chức thành bụng trước phải là lành tính, chỉ có khối u vú tăng hấp thu FDG (hướng tới carcinoma) là vấn đề cần chú trọng nhất.

Sau khi trao đổi, tư vấn giữa bác sĩ và gia đình, bệnh nhân được tiến hành tiểu phẫu lấy toàn bộ khối u vú, đồng thời làm xét nghiệm mô bệnh học, kết quả là: U xơ vú lành tính.

Như vậy: PET/CT cho phép đánh giá các vị trí tổn thương viêm và u xơ tuyến vú, góp phần giúp tăng hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong chẩn đoán xác định các tổn thương ở vú, sinh thiết khối u hoặc phẫu thuật lấy u làm xét nghiệm mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng.

Tin liên quan