Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị có biến chứng nôn và buồn nôn

Ngày đăng: 20/05/2020 Lượt xem 10645

CNĐD. Lê Thị Minh Hoa (Tổng hợp)

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

 

* ĐẠI CƯƠNG

          Khi sử dụng phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liệu, người bệnh sẽ gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn và nôn mửa... Nếu không được dự phòng và kiểm soát tốt, tình trạng này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như:

-      Người bệnh không thể ăn uống và đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp cho hồi phục sức khỏe sau khi truyền hóa chất, để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt điều trị tiếp theo. Tình trạng nôn kéo dài có thể gây ra rối loạn nước và điện giải, suy dinh dưỡng khiến bệnh nhân trở nên suy kiệt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dễ gây tâm lý căng thẳng có thể dẫn tới trầm cảm trong quá trình điều trị hoá chất.

-      Nếu bệnh nhân được dùng hóa chất đường uống thì buồn nôn và nôn khiến họ không thể uống được đầy đủ liều thuốc theo chỉ định, thậm chí bỏ thuốc gây ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Một số bệnh nhân còn không thể và không muốn trở lại điều trị các đợt tiếp theo.

Cơ chế gây buồn nôn và nôn mửa

Cơ chế trung tâm

          Khu vực kích hoạt chemoreceptor (CTZ) là một phần của não bộ liên quan đến việc cảm nhận các loại thuốc, dược phẩm và hormone. Do kết nối của khu vực kích hoạt này với trung tâm gây nôn, các loại thuốc tác động lên các chất trung gian hóa học (chất dẫn truyền thần kinh) tại đây sẽ kích thích cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa. Các chất dẫn truyền thần kinh có liên quan bao gồm dopamine, histamin (thụ thể H1), chất P (receptor NK-1), acetylcholine và serotonin (thụ thể 5 HT3).

Cơ chế ngoại vi

          Các tác nhân hóa trị có thể gây kích ứng dạ dày hoặc niêm mạc dạ dày ruột dẫn đến phát sinh các dẫn truyền thần kinh. Sau đó, chúng có thể gửi tín hiệu đến trung tâm gây nôn trong não bộ. Bệnh nhân có thể bị chứng ợ nóng hoặc cảm giác nôn nao khó chịu. Nguy cơ nôn và buồn nôn tăng lên khi thấy người bệnh cùng phòng bị nôn. Thời gian và chất lượng của giấc ngủ ban đêm cũng ảnh hưởng đến triệu chứng này (bệnh nhân ngủ đủ 7-8 tiếng và ngủ sâu sẽ hạn chế buồn nôn và nôn).

Cơ chế kết hợp

          Một số loại thuốc gây tác động thông qua cả hệ thống trung tâm và ngoại vi để gây buồn nôn và ói mửa.

* PHÂN LOẠI NÔN DO HOÁ TRỊ

-      Nôn cấp khi nôn xảy ra trong vòng vài giờ đầu ngay sau khi hóa trị (thường trong vòng 1-2 giờ) và có thể kéo dài từ 4 đến 6 giờ.

-      Nôn muộn xảy ra sau hóa trị từ 16 đến 24 giờ và có thể kéo dài tới 48 giờ. Nôn muộn thường hay gặp khi hóa trị với cisplatin, carboplatin, cyclophosphamide và doxorubicin. Mặc dù nôn muộn có thể không gây nghiêm trọng nhưng chính nó lại làm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề dinh dưỡng và làm kéo dài thời gian nằm viện cho người bệnh.

-      Nôn sớm: Nôn xuất hiện trước khi thuốc được đưa vào cơ thể người bệnh. chỉ xảy ra trên những người bệnh trước đó đã trải qua hóa trị và đã từng bị nôn do hóa trị.

-      Mức độ nôn cũng rất khác nhau tùy theo từng nước, từng người, từng tâm sinh lý...

-      Mỗi thuốc hóa trị có thể gây nôn và buồn nôn theo một hoặc nhiều cơ chế kể trên.

-      Chưa có công thức điều trị chống nôn nào lại kiểm soát được cho các loại nôn tại mọi thời điểm.

Nôn và buồn nôn là một trong những biến chứng về cơ quan tiêu hóa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, không muốn ăn, bỏ bữa... Để nâng cao sức khỏe đối với người bệnh hóa trị, làm giảm các triệu chứng nôn và buồn nôn thì ngoài biện pháp dùng thuốc chống nôn dinh dưỡng cũng có vai trò rất quan trọng. Vậy chế độ ăn như thế nào là tốt nhất cho nhóm bệnh nhân này?

* CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CHO NGƯỜI BỆNH CÓ BIẾN CHỨNG NÔN VÀ BUỒN NÔN

          Chế độ ăn cho người bệnh ung thư, có hóa trị liệu cần đảm bảo giàu năng lượng, dễ tiêu hóa, đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đạm, đường, lipid, vitamin và chất khoáng. Nhằm duy trì thể trạng tối ưu, tăng khả năng dung nạp với điều trị thuốc, giảm thiểu các tác dụng phụ:

-      Chia nhỏ các bữa ăn: Thay vì 3 bữa ăn chính mỗi ngày, chuyển thành 5-6 bữa ăn nhỏ/ngày, thức ăn chế biến mềm.

-      Không để cho bệnh nhân có cảm giác đói. Nên ăn trước khi đói vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn.

-      Có thể chọn các món ăn khô như bánh mì, lương khô, bánh quy giòn, bánh nướng mì xào ít dầu… Không uống nước, hoặc uống ít nước trong bữa ăn đặc biệt ở bữa ăn đầu tiên buổi sáng. Khi uống thì uống chậm, sử dụng ống hút để tránh gây cảm giác óc ách, đầy bụng.

-      Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nồng nóng và tránh ăn nhiều đường...

-      Tránh dùng cà phê và thuốc lá.

-      Nên tránh các thức ăn có nhiều gia vị, các món ăn chiên rán, nhiều mùi,

-      Chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như thịt trắng, hải sản... Hạn chế các loại trứng, khoai… Những thức ăn khó tiêu sẽ gây ậm ạch, khó chịu ở bụng, kích thích cảm giác buồn nôn.

-      Không nên nằm nghỉ hay tập thể dục ngay sau khi ăn.

-      Không bắt bệnh nhân ăn những thức ăn mà người bệnh không thích hoặc trước đó đã gây nôn.

-      Nếu nôn nhiều, khuyên bệnh nhân tạm ngừng ăn. Sau khi ngừng nôn, giảm cảm giác buồn nôn, có thể từ từ bắt đầu lại với việc uống một ít nước gừng, kẹo gừng, nước hoa quả tươi ít ngọt, sữa đậu, nước gạo rang… Nếu sau 1 tiếng cảm thấy dễ chịu hơn, có thể sử dụng các món ăn mềm như cháo, bánh mì, chuối... trước khi trở lại với các món ăn bình thường.

-      Có thể dùng thức ăn nguội hơn để hạn chế sự kích thích gây buồn nôn do mùi của thức ăn.

-      Sử dụng kỹ thuật thư giãn như thiền định và thở sâu có thể giúp ngăn ngừa buồn nôn và nôn.

-      Nếu tình trạng buồn nôn xảy ra trong suốt thời gian hóa trị, người bệnh cần tránh ăn trước khi hóa trị khoảng 1-2giờ.

-      Chú ý đảm bảo đủ lượng nước uống hàng ngày, uống lượng ít một, uống xa trước và sau ăn.

Khi nào người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được điều trị hỗ trợ?

-      Buồn nôn, nôn mức độ nặng khiến không thể ăn, uống được và mệt mỏi nhiều.

-      Dấu hiệu nôn kèm theo đau đầu dữ dội, choáng ngất, mệt thỉu, tụt huyết áp là những dấu hiệu đáng ngại, cần thiết phải liên lạc ngay với bác sỹ điều trị và nhập viện.

-      Buồn nôn, nôn đã dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng không cải thiện.

 

* Tìm hiểu thêm chế độ ăn cho người bệnh ung thư:

http://www.ungthu.org/tailieu/PDFs/Che-do-dinh-duong-cho-benh-nhan-ung-thu.pdf

 

Tài liệu tham khảo:

-      CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH UNG THƯ, “Tài liệu đào tạo thuộc chương trình dự án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu giai đoạn 2016-2020 - BỆNH VIỆN BẠCH MAI”.

-      Tài liệu Số: 3338/QĐ-BYT-QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành ung bướu.

ungthubachmai.vn

Tin liên quan