Giá trị của PET/CT trong chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ (phần I)

Ngày đăng: 13/09/2010 Lượt xem 3915
Mai Trọng Khoa, Trần Đình Hà, Nguyễn Thành Chương, Nguyễn Thị The, Trần Hải Bình, Nguyễn Văn Thảo, Trần Văn Thống và CS.

(Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai)

TÓM TẮT:

Ung thư phổi là một trong các loại ung thư hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao. PET/CT là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, có vai trò lớn trong quản lý ung thư phổi. Chỉ định của FDG PET/CT trong ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là: chẩn đoán u nguyên phát, phát hiện di căn, chẩn đoán xác định giai đoạn, chẩn đoán tái phát , theo dõi đáp ứng điều trị và lập kế hoạch xạ trị. Mục tiêu đề tài: 1. Xác định tỷ lệ phù hợp giữa PET/CT (+) với kết quả giải phẫu bệnh; 2. Xác định tỷ lệ di căn và mối liên quan giữa mức độ hấp thu FDG với kích thước, vị trí tổn thương ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ. 1. Tỷ lệ phù hợp giữa PET/CT (+) với giải phẫu bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ là 96,8%; tỷ lệ dương tính giả là 3%, tỷ lệ âm tính giả là 3%; độ nhạy cao: 96,8%. 2. Chụp PET/CT toàn thân giúp phát hiện tất cả các tổn thương di căn, nhiều nhất vào hạch trung thất (50%), xương (26,7%), não (23,3%), hạch thượng đòn (20%), di căn phổi, gan, tuyến thượng thận với tỷ lệ thấp hơn. 3. Kết luận: Chụp PET/CT rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ.Tổn thương u nguyên phát và các tổn thương di căn đều có độ hấp thu FDG cao, giá trị SUV trung bình của u nguyên phát là 9,77 (3,26-27,11); của các tổn thương di căn là 9,58 (3,04-26,35). 4.Có mối tương quan tỷ lệ thuận giữa kích thước tổn thương và mức độ hấp thu FDG (qua giá trị SUV) với p<0,05. Tổn thương có kích thước càng lớn thì mức độ hấp thu FDG càng cao: nhóm u nguyên phát SUV trung bình của nhóm kích thước 1-2cm là 5,47; nhóm 2-4cm là 7,93 và nhóm >4cm-8cm là 11,97; nhóm hạch di căn SUV trung bình của nhóm kích thước 0,5-1cm là 4,55; nhóm 1-2cm là 6,61; nhóm 2-3cm là 8,76; nhóm >3cm là 8,66; nhóm tổn thương di căn phổi SUV trung bình của nhóm kích thước <1cm là 1,88; nhóm >1-2cm là 4,08. 5. Chụp PET/CT làm thay đổi giai đoạn bệnh ở 30% bệnh nhân, thay đổi hướng điều trị đúng.Đối tượng nghiên cứu: 33 bệnh nhân có chẩn đoán u phổi, chụp PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, có giải phẫu bệnh đối chiếu. Kết quả:

SUMMARY: Value of PET/CT in non-small cells lung cancer diagnosis.

( The Nuclear Medicine & Oncology Center, Bach Mai Hospital)

Lung cancer is a common disease and leading cause of deathin many countries. PET/CT (Positron Emission Tomographt/Computed Tomography) is the modern imaging modality, playing an important role in management of lung cancer. Applications of FDG PET/CT in non small cell lung cancer are: diagnosis, staging, restaging for recurrence, monitoring therapeutic response, radiation treatment planning.

Purposes: 1. Determine appropriate rate between PET/CT (+) with histopathology; 2. The relationship between FDG uptake with the size, position of lesion in non small cell lung cancer patients

Objects: 33 patients with lung tumor received PET/CT scan in Nuclear medicine and Oncology Center, Bach Mai hospital and had histopathology.

Results: 1. Appropriate rate between PET/CT (+) with histopathology is 96,8%; False-positive rate is 3%; False-negative rate is 3%; Sensitivity of PET/CT is 96.8%. 2. PET/CT wholebody scan identified metastases, most to lymph nodes (50%), bone (26,7%), brain (23,3%). 3. Primary tumor and metastases have high FDG uptake: SUV of primary tumor is 9,77 (3,26-27,11), of metastases is 9,58 (3,04-26,35). 4. SUV is directly proportional to the diameter of lesion: in primary tumor group with size 1-2cm SUV is 5,47; 2-4cm SUV is 7,93 and >4-8cm SUV is 11,97; in lymph nodes group with size 0,5-1cm SUV is 4,55; 1-2cm SUV is 6,61; 2-3cm SUV is 8,76 and with size >3cm SUV is 8,66. 5. PET/CT scan led to up stage in 30% patients and changed their management.

Conclusion: PET/CT scan is valuable in diagnosing non small cells lung cancer.

I.ĐẶT VẤN ĐỀ:

Ung thư phổi là một trong các loại ung thư hay gặp. Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng đầu trong các loại ung thư ở nam với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi (năm 2002) là 29,6/100.000 dân, đứng thứ năm ở nữ với tỷ lệ là 7,3/100.000 dân. Và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư. Ung thư phổi có tiên lượng xấu, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm khoảng 15%. Hiện nay y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi nhằm cải thiện kết quả điều trị. Kỹ thuật chụp PET/CT (chụp cắt lớp bằng bức xạ positron kết hợp với chụp cắt lớp vi tính) ra đời đem lại nhiều lợi ích trong chẩn đoán ung thư đặc biệt là ung thư phổi, lymphoma, ung thư vú và ung thư đầu mặt cổ. Đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò to lớn của PET/CT trong chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 8 năm 2009 tới nay đã tiến hành chụp PET/CT cho hơn 400 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân ung bướu. Trong đó có 89 bệnh nhân được chẩn đoán là U phổi (chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các loại bệnh ung bướu: 22% tổng số bệnh nhân). Chỉ định của FDG PET/CT trong ung thư phổi là chẩn đoán ung thư nguyên phát, chẩn đoán di căn, xác định giai đoạn bệnh, dự báo đáp ứng và đánh giá hiệu quả điều trị, lập kế hoạch xạ trị, theo dõi phát hiện tái phát. Hiện nay tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về giá trị của PET/CT trong chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ. Vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: xác định tỷ lệ phù hợp giữa hình ảnh PET/CT (+) với kết quả giải phẫu; xác định tỷ lệ di căn và mối liên qua giữa mức độ hấp thu FDG với kích thước, vị trí tổn thương ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

1. Đối tượng nghiên cứu:

-33 bệnh nhân có chẩn đoán U phổi, chụp PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu và có đối chiếu mô bệnh học.

2. Phương pháp nghiên cứu:

-Phương pháp nghiên cứu: hồi cứu và tiến cứu.

-Phân tích các kết quả chụp PET/CT với F-18 FDG: số lượng, vị trí, kích thước tổn thương, giá trị hấp thu FDG chuẩn: SUV (standard uptake value).

SUV=[mCi/ml (sự phân rã đã hiệu chỉnh) của tổ chức mô]/[liều tiêm (mCi)/gram cân nặng]

Giá trị SUV của tổn thương tìm thấy được so sánh với hoạt độ phóng xạ bể máu trong trung thất (SUV trung bình bể máu=2,5). Với các giá trị SUV từ 2-2,5 thì nghi ngờ giữa tổn thương lành tính và ác tính. Với các giá trị SUV > hoạt độ phóng xạ bể máu trong trung thất (2,5) có thể xác định tổn thương ác tính.

-So sánh với kết quả giải phẫu bệnh.

-Phương pháp xử lý số liệu: Phần mềm SPSS 15.0.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:
1.Bảng 1. Đặc điểm bệnh nhân:

Giới

n

Tỷ lệ (%)

Tuổi thấp nhất

Tuổi cao nhất

Tuổi trung bình

Nam

25

75,8

41

86

59,3

Nữ

8

24,2

44

75

62,1

Nam + nữ

33

100

41

86

60,0


Nhận xét: Tỷ lệ nam bị bệnh nhiều hơn nữ, tỷ lệ là 3,3:1. Độ tuổi trung bình hay gặp là 60 tuổi.

Biều đồ 1: Số lượng bệnh nhân theo nhóm tuổi:

 

2. Bảng 2: Kết quả đối chiếu PET/CT với giải phẫu bệnh:

Chỉ tiêu

GPB (+)

GPB (-)

Tổng

PET/CT (+)

30

1

31

PET/CT (-)

1

1

2

Tổng

31

2

33


Ghi chú: PET/CT (+): hình ảnh PET/CT chẩn đoán là ung thư phổi.

PET/CT (-): Hình ảnh PET/CT không chẩn đoán là ung thư phổi.

GPB (+): giải phẫu bệnh là ung thư phổi không tế bào nhỏ.

GPB (-): Giải phẫu bệnh là tổn thương lành tính.

Nhận xét:

- Một bệnh nhân có PET/CT (-), GPB (+): đây là bệnh nhân ung thư biểu mô tiểu phế quản phế nang là loại ung thư có giá trị hấp
 thu FDG thấp, trường hợp cụ thể của chúng tôi SUV=1,74 (PET/CT âm tính giả).

- Một bệnh nhân có PET/CT (+), GPB (-): đây là bệnh nhân khối u phổi trái tăng hấp thu FDG, SUV=3,69, giải phẫu bệnh sau mổ là tổn thương viêm xơ phổi lành tính (PET/CT dương tính giả)

- Tỷ lệ phù hợp giữa PET/CT (+) và giải phẫu bệnh là ung thư phổi không tế bào nhỏ là 96,8%.

- Độ nhạy của PET/CT trong nghiên cứu này là 96,8%. Do cỡ mẫu còn nhỏ, nên chưa đánh giá được độ đặc hiệu và độ chính xác của PET/CT, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn để đánh giá.

3. Bảng 3: Phân loại theo vị trí di căn (n=30)

Vị trí di căn

Phổi

Hạch trung thất

Hạch thượng đòn

Xương

Gan

Tuyến thượng thận

Di căn não

N

3

15

6

8

1

2

7

Tỷ lệ %

10

50

20

26,7

3,3

6,7

23,3


Nhận xét: Tỷ lệ di căn nhiều nhất là vào hạch trung thất (hạch rốn phổi và hạch trung thất cùng bên): 50%, tiếp theo là di căn vào xương: 26,7%; di căn vào não: 23,3%; di căn vào hạch thượng đòn cùng bên là 20%, di căn phổi là 10%, di căn vào gan và tuyến thượng thận với tỷ lệ ít hơn.





Tin liên quan