PET/CT trong ung thư đường tiết niệu

Ngày đăng: 09/03/2021 Lượt xem 2115

ET/CT trong ung thư đường tiết niệu

GS.TS Mai Trọng Khoa, Bs Lương Đình Bính, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

(Tổng hợp và lược dịch)

PET/CT ngày càng được ứng dụng một cách rộng rãi trong lĩnh vực y học đặc biệt là trong ung thư học. PET/CT đóng một vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, tiên lượng, góp phần không nhỏ trong việc đưa ra chiến lược điều trị của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, với các khối u đường niệu thì PET/CT lại chưa cho thấy được vai trò vượt trội so với các phương pháp ghi hình khác. Ngày nay, bằng việc tìm ra và phát triển các đồng vị phóng xạ mới đã mở ra một kỉ nguyên đầy hứa hẹn cho việc ghi hình các khối u sinh dục – tiết niệu bằng PET/CT.

Ung thư tinh hoàn

Sử dụng đồng vị 18F-FDG trong ung thư tinh hoàn có thể giúp phân biệt sự tồn tại của các tế bào u tăng chuyển hóa với các tế bào xơ, hoại tử sau điều trị. Trong chẩn đoán giai đoạn, PET cũng cho thấy sự vượt trội về việc phát hiện sự lan rộng của khối u so với các phương pháp ghi hình thông thường. Trong một nghiên cứu gộp bao gồm 5 nghiên cứu với 130 bệnh nhân được chẩn đoán là u tinh bào (seminoma), 18F-FDG PET cũng vượt trội hơn các phương pháp chẩn đoán thông thường trong chẩn đoán sự tồn dư của khối u đặc biệt là với các khối tồn dư kích thước lớn hơn 3cm.

Ung thư biểu mô đường niệu

Việc bài xuất 18F-FDG sinh lý qua đường nước tiểu là hạn chế chính của việc đánh giá các khối u đường niệu do đó PET không phải là phương pháp thường quy trong đánh giá các khối u nguyên phát. Tuy nhiên PET lại là phương pháp chủ yếu để đánh giá giai đoạn hoặc đánh giá di căn xa. Trong một nghiên cứu gộp cho thấy PET có độ nhạy 82% và độ đặc hiệu 89% trong đánh giá giai đoạn hoặc đánh giá lại các tổn thương di căn của ung thư bàng quang. Để hạn chế nhược điểm của 18F-FDG, một số đồng vị phóng xạ khác được đưa vào nghiên cứu như 11C-acetate và 11C-choline có giá trị chẩn đoán âm tính cao với di căn hạch.

Ung thư tuyến tiền liệt

Có một số dược chất phóng xạ được đề xuất sử dụng trong ghi hình ung thư tuyến tiền liệt như: 18F-FDG, 11C-choline, 18F-choline, 11C-acetate…Và từ năm 2012, kháng nguyên màng đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSMA) được ứng dụng trong ghi hình ung thư tuyến tiền liệt và vô số các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành để nghiên cứu dược chất phóng xạ này trong nhiều bệnh cảnh khác nhau của ung thư tuyến tiền liệt.

Về đánh giá giai đoạn, thử nghiệm đa trung tâm đầu tiên (proPSMA) được công bố vào năm 2020 trên 302 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao cho thấy ghi hình với PSMA PET cho hiệu quả hơn hẳn các phương pháp hình ảnh thông thường trong việc đánh giá hạch tiểu khung hoặc di căn xa.

Trong đánh giá tái phát, PSMA PET có khả năng phát hiện các tổn thương tái phát sau điều trị triệt căn ở những bệnh nhân có nồng độ PSA ở mức rất thấp. Với ung thư tiền liệt tuyến tiến triển, do đặc tính ít hấp thụ FDG của tế bào ung thư tiền liệt tuyến, 18F-FDG thường không được sử dụng thường quy ngoại trừ thể kém biệt hóa.

Kháng ngyên đặc hiệu màng tuyến tiền liệt PSMA không chỉ là đích cho việc ghi hình mà còn là đích để hướng đến việc điều trị. Giống như I-131 trong ung thư tuyến giáp, đồng vị phóng xạ 177-Lu gắn PSMA ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị các khối u thần kinh nội tiết và cả ung thư tiền liệt tuyến.

Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC)

PET không đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán RCC giai đoạn khu trú do hầu hết các dược chất phóng xạ đều thải qua đường nước tiểu, ngoài ra nhu mô thận cũng hấp thu 18F-FDG giống như các khối ác tính ở thận. Tuy nhiên PET lại là lựa chọn hàng đầu để đánh giá các tổn thương di căn. Trong một nghiên cứu gộp cho thấy tỉ lệ phát hiện các tổn thương ngoài thận trên PET là cao với độ nhạy 91% và độ đặc hiệu 88%. Trong một nghiên cứu hồi cứu trên 104 bệnh nhân RCC sau phẫu thuật, 18F-FDG PET làm thay đổi chiến lược điều trị trong 43% số bệnh nhân. Bên cạnh 18F-FDG, 11C-acetate cũng được sử dụng trong ghi hình RCC cũng như đánh giá đáp ứng điều trị với sunitinib - một TKI đa đích có tác dụng kháng sinh mạch cho các tổn thương RCC.

Hình ảnh học phân tử dựa trên kháng thể (imune-PET) mang lại nhiều hứa hẹn cho việc cải thiện về ghi hình RCC và hầu hết các nghiên cứu đã báo cáo đều sử dụng dược chất phóng xạ gắn girentuximab. Girentuximab là một kháng thể ghép (chimeric antibody cG250) gắn với carbonic anhydrase IX – một kháng nguyên bề mặt tế bào bộc lộ trên 95% ở ung thư biểu mô tế bào sáng. Năm 2013, thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm REDECT tiến hành ghi hình 195 bệnh nhân ung thư tế bào sáng bằng 124I-girentuximab PET/CT cho thấy khi so sánh với CT có tiêm thuốc cản quang PET có độ nhạy cao hơn (86% so với 76%) và độ đặc hiệu cao hơn (86% so với 47%).

PSMA-PET cũng là một lựa chọn cho ghi hình RCC đặc biệt là cho ung thư biểu mô tế bào sáng do sự tân sinh mạch máu dẫn đến bộc lộ PSMA cao ở trên bể mặt tế bào vi mạch khối u. Tuy nhiên, PSMA-PET không thực sự hữu ích trong đánh giá giai đoạn của khối u nguyên phát do sự đào thải dược chất phóng xạ sinh lý ở ống lượn gần và trong nước tiểu dẫn đến sự tăng hấp thu dược chất phóng xạ ở nhu mô thận. Ngoài ra, trong phức hợp chẩn đoán điều trị các dược chất phóng xạ nhắm đích PSMA có thể là một phương pháp điều trị mới cho RCC.

Tóm lại:

                Trong thập kỉ vừa qua, y học hạt nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong ghi hình các khối u đường niệu bằng việc ứng dụng các dược chất phóng xạ mới. Quan trọng hơn, việc ứng dụng các dược chất phóng xạ mới này mang lại một tiềm năng to lớn cho việc điều trị các ung thư sinh dục – tiết niệu đặc biệt là điều trị ung thư thận và ung thư tiền liệt tuyến.

                                                                                                                                                    

Tài liệu tham khảo

1.Mai Trọng Khoa. Atlas PET/CT một số bệnh ung thư ở người Việt Nam. Nhà xuát bản y học, 2012.

2.Mai Trọng Khoa. Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong ung thư. Nhà xuất bản Y học, 2013

3.Murphy DG, Hofman MS, Azad A, et al. Going nuclear: it is time to embed the nuclear medicine physician in the prostate cancer multidisciplinary team. BJU Int 2019.

4.Cremerius U, Wildberger JE, Borchers H, et al. Does positron emission tomography using 18-fluoro-2-deoxyglucose improve clinical staging of testicular cancer? Results of a study in 50 patients. Urology 1999; 54:900–904.

5.Lassen U, Daugaard G, Eigtved A, et al. Whole-body FDG-PET in patients with stage I nonseminomatous germ cell tumours. Eur J NuclMed Mol Imaging 2003; 30:396–402.

6.Müller J, Schrader AJ, Jentzmik F, Schrader M. [Assessment of residual tumours after systemic treatment of metastatic seminoma: 18F-2-fluoro-2-deoxy-D-glucose positron emission tomography - meta-analysis of diagnostic value]. Urol Ausg A 2011; 50:322–327.

7.Hofman MS, Violet J, Hicks RJ, et al. [177Lu]-PSMA-617 radionuclide treatment in patients with metastatic castration-resistant prostate cancer (LuPSMA trial): a single-centre, single-arm, phase 2 study. Lancet Oncol 2018; 19:825–833.

8.Wang H-Y, Ding H-J, Chen J-H, etMeta-analysis of the diagnostic performance of [18F]FDG-PET and PET/CT in renal cell carcinoma. Cancer Imaging Off Publ Int Cancer Imaging Soc 2012; 12:464–474.

9.Alongi P, Picchio M, Zattoni F, etRecurrent renal cell carcinoma: clinical and prognostic value of FDG PET/CT. Eur J Nucl Med Mol Imaging 2016; 43:464–473.

10.Verhoeff SR, van Es SC, Boon E, et al. Lesion detection by [89Zr]Zr-DFOgirentuximab and [18F]FDG-PET/CT in patients with newly diagnosed metastatic renal cell carcinoma. Eur J Nucl Med Mol Imaging 2019; 46:1931–1939.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan