Thông tin y tế nhiễm COVID-19 trên bệnh nhân ung thư

Ngày đăng: 16/03/2020 Lượt xem 2244
BSNT. Tống Thị Huyền, GS. Mai Trọng Khoa, PGS. Phạm Cẩm Phương
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
(Sưu tầm và lược dịch)

           

Bệnh nhân ung thư và gia đình họ cần biết gì về virus corona mới hiện nay đang là tâm điểm trên toàn cầu. Trong số đăng web lần này chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin y tế liên quan đến nhiễm COVID-19 trên bệnh nhân ung thư.

         Bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra hay gọi là COVID-19 là tình trạng nhiễm trùng hô hấp cấp tính được phát hiện lần đầu và bùng phát từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12 năm 2019.

         Corona vi-rút là một họ vi-rút lớn có thể gây ra tình trạng bệnh nhẹ giống như cảm cúm thông thường đến tình trạng bệnh rất nặng như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Bởi vì chủng mới Corona cũng gây ra hội chứng hô hấp cấp nặng do Corona Vi-rút tương tự như SARS nên hiện nay còn được gọi là SARS-CoV-2.

            Bệnh có thể lây từ người sang người, đường lây truyền của bệnh hiện tại được công nhận là lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn kích thước nhỏ từ dịch tiết mũi, họng từ những bệnh nhân nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Một số người nhiễm COVID-19 khi hít phải những giọt bắn hoặc chạm vào bề mặt dính giọt bắn sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ.

            Triệu chứng của nhiễm COVID-19 có thể từ nhẹ đến rất nặng, bao gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm đau đầu và đau mỏi ê ẩm người, ngạt mũi, hoặc chảy nước mũi, đau họng hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nhiễm bệnh mà có thể không có triệu chứng.

            Hiện tại, tỉ lệ nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới gần 150 nghìn người, số trường hợp tử vong vẫn tăng hàng ngày hiện tại số người tử vong là trên 5.000 người. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố bệnh do COVID-19 gây ra đã trở thành đại dịch trên toàn cầu.

            Bệnh do SARS-CoV-2 tuy có tỉ lệ lây nhiễm cao và dễ mắc, nhưng tỉ lệ tử vong do bệnh không quá cao. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những người già đặc biệt là trên 60 tuổi, hay những bệnh nhân có bệnh lý nền, mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp hay những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh ung thư hoặc có tiền sử mắc ung thư cũng là những người dễ bị tổn thương và có nguy cơ tử vong rất cao khi nhiễm COVID-19.

            Nghiên cứu tổng hợp toàn Trung Quốc được thực hiện trung tâm nghiên cứu lâm sàng Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc với số liệu tổng hợp từ 1.590 bệnh nhân tại 575 bệnh viện ở 31 tỉnh thành của Trung Quốc và được công bố trên tạp chí Lancet Oncology tháng 3-2020 trên những bệnh nhân ung thư nhiễm SARS-CoV-2 thấy rằng:

Có 18 bệnh nhân có tiền sử điều trị ung thư hoặc đang điều trị ung thư được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tổng số 1.570 bệnh nhân trong nghiên cứu, tương đương khoảng 1% cao hơn cả tỉ lệ hiện mắc ung thư của Trung Quốc năm 2015 là 0,29%.
Ung thư phổi là loại thường gặp nhất 5/18 (28%) tiếp đến là ung thư đại trực tràng 4/18 (22%). Trong số 18 bệnh nhân, có 2 trường hợp không rõ tình trạng điều trị. Có 4/16 bệnh nhân điều trị bằng hóa trị hoặc phẫu thuật trong tháng trước đó. Có 12/16 bệnh nhân được điều trị ung thư (phẫu thuật) những năm trước đây hiện tình trạng ổn định và đang theo dõi định kỳ. 
Ở nhóm bệnh nhân ung thư nhiễm COVID-19 khi so sánh với nhóm bệnh nhân không ung thư thì nhóm bệnh nhân ung thư có tuổi cao hơn, có tiền sử hút thuốc, triệu chứng thở nhanh và có hình ảnh cắt lớp vi tính ngực bất thường cao hơn có ý nghĩa. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về giới, bệnh kèm theo và hình ảnh bất thường trên phim Xquang ngực.
Cũng theo nghiên cứu trên, các tác giả nhận thấy, bệnh nhân ung thư có nguy cơ xảy ra biến cố nghiêm trọng cao hơn bệnh nhân không ung thư với tỉ lệ biến cố ở nhóm bệnh nhân ung là 50% cao hơn nhóm bệnh nhân không ung thư là 16% có ý nghĩa thống kê (với p=0,0008). Có ba trong bốn bệnh nhân có hóa trị hoặc phẫu thuật trong tháng trước có biến cố nghiêm trọng khi nhiễm COVID-19. Bệnh nhân ung thư nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng nhanh hơn những người không bị ung thư. Thời gian trung bình có các biến cố nghiêm trọng ở bệnh nhân ung thư là 13 ngày ngắn hơn so với 43 ngày ở bệnh nhân không ung thư.

 
Biểu đồ 1: Tỉ lệ biến cố nặng ở nhóm không ung thư, hồi phục sau ung thư và đang điều trị ung thư.

            Ở nhóm bệnh nhân ung thư, tỉ lệ bệnh nhân ung thư gặp biến cố nặng như phải nằm khoa hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo hoặc tử vong chiếm 39% cao hơn nhóm bệnh nhân ung thư tỉ lệ này chỉ có 8%. Đồng thời khi đánh giá tỉ lệ gặp biến cố nặng dựa vào lâm sàng của bác sĩ hay yếu tố khách quan đều cho thấy tỉ lệ bệnh nhân hồi phục sau điều trị ung thư hay đang điều trị ung thư gặp biến cố nặng cao hơn so với nhóm không bị ung thư.

 
Biểu đồ 2: Nguy cơ tiến triển nặng ở bệnh nhân ung thư và không ung thư.

Thêm vào đó, các tác giả khi phân tích thời gian tiến triển nặng ở nhóm bệnh nhân ung thư nhanh hơn ở nhóm bệnh nhân không ung thư.

         Từ đó, tác giả đưa ra kết luận rằng:

-   Bệnh nhân bị ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn bệnh nhân không ung thư.

-   Tuổi là yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

-   Bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người đang/ vừa mới điều trị bằng hóa trị hoặc phẫu thuật có nguy cơ có biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị khoa hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư.

Sau đây chúng tôi xin tóm lược một ca lâm sàng điều trị viêm phổi do COVID-19 trên bệnh nhân ung thư phổi tại Trung Quốc (đã được công bố):

Bệnh nhân nam, 57 tuổi, người Trung Quốc đang điều trị xạ trị do ung thư phổi (hạch to) từ ngày 30-12/2019.

Ngày 18/1/2020 BN xuất hiện sốt (38,6oC), ho, khó thở, đau cơ và tiêu chảy sau 9 đợt xạ trị (Hình A). Cắt lớp vi tính ngày 23 tháng 1 cho thấy hình ảnh đám mờ ở cả hai phổi (Hình B). Sau khi điều trị bằng cefoselis, oseltamivir, meropenem, teicoplanin và moxifloxacin, bệnh nhân giảm sốt.

Khai thác tiền sử bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm ngày 26 tháng 1 cho kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu điều trị thuốc kháng vi-rút với Kaletra (lopinavir/ ritonavir) từ ngày 29 tháng 1. Cắt lớp vi tính sau 2 tuần (ngày 12 tháng 2) cho thấy viêm phổi được cải thiện (Hình B). Các xét nghiệm RT-PCR tiếp theo cho Covid-19 vào ngày 1, 2, 5, 10 tháng 2 đều âm tính. Bệnh nhân được xác định không nhiễm COVID-19, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện vào ngày 14 tháng 2.
 
Điều đáng lưu ý, bệnh nhân được điều trị thuốc nhắm trúng đích osimertinib vì cảm thấy khó chịu trong thời gian nhiễm Covid 19. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy tổn thương ung thư bệnh ổn định, còn tổn thương trên phim có thể do nhiễm COVID-19. Đối với bệnh nhân ung thư nhiễm COVID-19 liệu có nên tiếp tục điều trị liệu pháp ung thư nữa không còn gây tranh cãi. Mặc dù trường hợp này đã chứng minh tiềm năng duy trì điều trị nhắm trúng đích ở những bệnh nhân có tình trạng tốt, do vậy vẫn cần có các nghiên cứu tiếp theo để đưa ra hướng dẫn có nên tiếp tục duy trì điều trị đích ở bệnh nhân ung thư.

Khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 cho bệnh nhân ung thư:

Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn quần thể chung. Do đó, từ số liệu của các nghiên cứu trên, Bộ Y tế Việt Nam, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ASCO) chúng ta có thể cân nhắc:

1.Trong trường hợp dịch nghiêm trọng trên diện rộng: cân nhắc hoãn điều trị hóa trị bổ trợ hoặc phẫu thuật không cấp cứu ở các bệnh nhân đang ổn định.

2.Tăng cường các biện pháp bảo hộ cho các bệnh nhân ung thư và sau điều trị ung thư.

3.Tăng cường sàng lọc và điều trị tích cực cho các bệnh nhân ung thư nhiễm SARS-CoV2, đặc biệt nhữngười lớn tuổi và có bệnh lý kèm theo.

Tuy nhiên hiện tại không có khuyến cáo đặc biệt cho nhóm bệnh nhân này ngoài các phương pháp dự phòng chung như:

1.Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người.

2.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn.

3.Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.

4.Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đi. Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay của mình.

5.Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.

6.Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại, v.v.

7.Khẩu trang không được khuyến nghị như một cách để ngăn chặn COVID-19. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như cúm hoặc COVID-19, đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa. Nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người như siêu thị...

8.Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid 19 cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam như sau:

 

Tài liệu tham khảo:

1.Wenhua Liang, etCancer patients in SARS-CoV-2 infection: a nationwide analysis in China,The Lancet Oncology 2020, 21,3: 335-33
2.Hanping Wang, Li Zhang, Risk of COVID-19 for patients with cancer, The Lancet Oncology, 2020 (pre-print)
3.Hongyan Zhang, Yihua Huang, ConghuaThe Treatment and Outcome of a Lung Cancer Patient Infected with SARS-CoV-2. Journal of Thoracic Oncology. 2020 (pre-print)
4.Khuyến cáo của Bộ y tế: Dịch COVID -19: Làm gì nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở?
5.Coronavirus 2019: What People With Cancer Need to Know.Cancer.net
6.The Lancet: Covid 19- Resource center_The Lancet
7.The New England Journal of Medicine: Coronavirus (Covid-
8.The Centers for Disease Control and Prevention (CDC): Coronavirus Disease (Covid-19)
9.World Health Organization: Coronavirus Disease (Covid-19)
10.Bộ Y tế: Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
ungthubachmai.vn

Tin liên quan