Ung thư vòm đứng hàng thứ năm trong các loại ung thư phổ biến ở nước ta. Số lượng bệnh nhân ung thư vòm ngày càng gia tăng cùng với khói thuốc lá, rượu bia, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc virus Epstein Barr,...
Ung thư vòm không chỉ hay gặp ở nam giới mà còn gặp nhiều ở nữ giới, tỷ lệ giữa bệnh nhân nam và nữ dao động trong khoảng 3-4:1. Với sự phát triển của y học và các công nghệ kỹ thuật hiện đại, ung thư vòm có thể được điều trị với tỷ lệ khỏi cao, mang lại hi vọng cho các bệnh nhân.
Tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai các bệnh nhân Ung thư vòm đang được ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại là chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị điều biến liều. Người bệnh sẽ được đánh giá toàn thân và xác định chính xác giai đoạn bệnh bằng kỹ thuật chụp PET/CT (kết hợp giữa máy chụp PET – cho hình ảnh chuyển hóa của bệnh – với máy chụp CT – cho hình ảnh cấu trúc của bệnh):
Bệnh nhân được chụp toàn thân và được các chuyên gia xem xét ở hình ảnh 3D và các mặt phẳng khác nhau để tìm tổn thương:
Hình ảnh PET/CT rõ nét này được chuyển sang máy lập kế hoạch xạ trị, các bác sỹ xạ trị, ung thư và y học hạt nhân sẽ cùng kết hợp xác các thể tích cần chiếu tia vào (khối u, hạch di căn), các thể tích cơ quan lành xung quanh (tuyến nước bọt, thân não, tủy sống, xương hàm, thanh quản), lập các trường chiếu theo kỹ thuật điều biến liều: tập trung liều chiếu tia cao vào khối u, hạch di căn, hạn chế liều vào các cơ quan lành xung quanh, giảm được biến chứng do tia xạ so với các kỹ thuật xạ trị cũ mà vẫn giữ được hiệu quả cao.
Sau đây là một vài trường hợp bệnh nhân Ung thư vòm đã được điều trị bằng kỹ thuật trên tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai:
Bệnh nhân Đỗ V. Th., nam, 50 tuổi: phát hiện thấy nổi hạch cổ trái, xì ra máu mũi, bệnh nhân đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán xác định là ung thư vòm di căn hạch cổ trái. Bệnh nhân đã được chụp PET/CT và xạ trị bằng kỹ thuật điều biến liều (IMRT), kết quả điều trị rất tốt, các biến chứng do xạ trị (khô miệng, xạm da) đều ở mức độ nhẹ.
Bệnh nhân Trịnh T. H., nữ, 63 tuổi, được chẩn đoán là ung thư vòm T4tkNoMo, bệnh nhân vào viện vì đau nửa đầu trái rất nhiều, ù tai trái; bệnh nhân được khám, soi vòm và chụp PET/CT thấy khối u lớn thành vòm trái lan lên xâm lấn nền sọ. Sau khi được chụp PET/CT và điều trị bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều, các triệu chứng hết hẳn.
Ngày nay, với các kỹ thuật và máy móc hiện đại, ung thư vòm không còn là loại ung thư không thể chữa khỏi. Ngay khi có các triệu chứng bất thường kéo dài như: nồi hạch góc hàm rắn chắc, ngạt mũi một bên, xì ra máu mũi, ù tai một bên, đau nửa đầu… nên đi khám chữa bệnh tại các cơ sở chuyên khoa và ung bướu để được chẩn đoán sớm và kịp thời điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến, nâng cao khả năng khỏi bệnh.
Mai Trọng Khoa, Trần Hải Bình
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai