Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán u màng não thất

Ngày đăng: 01/03/2013 Lượt xem 8057

PGS. TS. Mai Trọng Khoa, ThS Phạm Cẩm Phương

                           Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

U màng não thất (ependymoma) là một loại khối u phát sinh từ các tế bào lát ở mặt trong não thất và tủy sống. Các khối u màng não thất bao gồm hai loại: lành tính và ác tính. Có thể gặp các khối u màng não thất ở não hoặc ở tủy sống, khối u này có thể di căn đến tủy sống thông qua dịch não tủy (Nath, Carmona, Rose và cs, 2010).

Nghiên cứu của Jeremy. Ganz, 2011; Kucia, Maughan, Kakarla, 2010 cho thấy u màng não thất chiếm khoảng 10% các khối u não và tủy sống. Khoảng 60% trẻ em được chẩn đoán u màng não thất có tuổi dưới 5. U màng não thất có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở người lớn ít gặp hơn. Thường gặp u ở vùng hố sau của não. Cũng giống như các khối u khác của não, nguyên nhân gây bệnh u màng não thất chưa được biết rõ.

             Trong các xét nghiệm chẩn đoán thì cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất có giá trị trong phát hiện, đánh giá các tổn thương u màng não thất trong não và tủy sống. Chụp CT tiêm thuốc cản quang cho phép đánh giá tốt hơn MRI về mức độ calci hóa trong khối u nhưng có một số bệnh nhân không sử dụng được thuốc cản quang do bị dị ứng nên rất khó để đánh giá u. MRI đánh giá tốt hơn mức độ xâm lấn của khối u đặc biệt các khối u có kích thước nhỏ. Quy trình chụp MRI cho các bệnh nhân nhi có khối u nội sọ cần chụp với các xung như sau: FLAIR, sagittal, axial, coronal T1-, T2-, diffusion và T1 axial và coronal có tiêm thuốc cản quang. Trong trường hợp có nghi ngờ khối u tiểu não thì nên chụp thêm xung T1 sagittal có tiêm thuốc cản quang để nhận xét và đánh giá tổn thương tốt hơn. Chụp phổ MRI được thực hiện trong một số trường hợp, thường để phân biệt và đánh giá tổn thương tái phát sau điều trị và đôi khi được chụp để đánh giá khối u ban đầu. MRI tủy sống được chụp cho tất cả các bệnh nhân nhi có u màng não thất, nhất là u ở tiểu não, bao gồm chụp các xung sagital T1-, T2-, và T1 sau tiêm thuốc cản quang, T2- axial và T1 sau tiêm thuốc cản quang (Yuh, Barkovich, Gupt, 2009) .

\"2141Hình ảnh MRI: khối u ependymoma vùng hố sau ở bệnh nhân 2 tuổi. Khối u trong não thất 4, giảm tín hiệu trên T1 và tăng tín hiệu, ngấm thuốc mạnh sau tiêm tại một số vùng (T1 sau tiêm) và tăng tín hiệu không đồng nhất trên xung T2.
\"2141Hình ảnh MRI trên axial and sagittal T2- khối u trong não thất 4, đồng tỷ trọng trong tổn thương
\"2141Khối u ependymoma trên lều tiểu não ở bệnh nhân 10 tuổi trên phim CT không tiêm thuốc cản quang (a), T2 (b), FLAIR (c), T1 sau tiêm (df). Không giống ependymoma vùng hố sau, một số lớn (70%) các tổn thương u ependymoma trên lều phát triển ra ngoài não thất.

Hình 6.1: Hình ảnh MRI các khối u ependymoma nội sọ.

           Mặc dù hầu hết các khối u ependymoma giảm tín hiệu trên T1 và tăng tín hiệu trên T2, trên cả T1 và T2 khối u không đồng tỷ trọng. Tổn thương dạng nang có tỷ trọng dịch trên cả xung T2 và FLAIR, đôi khi có thể tăng tỷ trọng trên xung FLAIR. Calci hóa thường thấy ở cả khối u ependymoma trên và dưới lều (khoảng 50%), có thể có hình ảnh xuất huyết cũ và giảm tín hiệu trên tất cả các xung.

\"2141

Khối u ependymoma ở bệnh nhân 13 tuổi. Tăng tỷ trọng không đồng nhất trên xung FLAIR ở hầu hết các tổn thương

\"2141

Ependymoma ở vị trí trên lều tiểu não:

a: T1sau tiêm;

b: FLAIR (hình nhỏ: CT không tiêm thuốc);

c, d, e, f: diffusion MRI

Hình 6.2: Hình ảnh MRI và CT các khối u ependymoma nội sọ.

             Chụp cộng hưởng từ phổ thường sử dụng vài kiểu kỹ thuật khác nhau, gồm xung T2* đòi hỏi chụp sớm ngay sau khi tiêm gadolinium. Do đó với các bệnh nhân nhi nhiều khi rất khó để thực hiện xung này vì khó đặt được đường truyền tĩnh mạch phù hợp. Trong một số trường hợp phải đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.

\"2141

Ependymoma độ 2 ở vị trí trên lều tiểu não ở bệnh nhân 12 tuổi.

a: Axial FLAIR,

b: axial perfusion MRI,

c: axial T1 sau tiêm cản quang,

d: hình ảnh axial thể tích tưới máu não trên phổ MRI

Hình 6.3: Hình ảnh MRI khối u ependymoma nội sọ.

Yuh, Barkovich và Gupta năm 2009 nhận thấy cũng giống như các khối u sọ não khác, chụp phổ MRI thường để xác định sự tăng choline và giảm N-acetylaspartate (NAA) trong ependymoma. Cộng hưởng từ phổ phân biệt ependymoma hoặc u nguyên bào tủy (medulloblastoma) với sự thay đổi tỷ lệ choline/NAA. Cộng hưởng từ phổ có thể được sử dụng để đánh giá khối u nguyên phát và đánh giá sự tái phát sau điều trị.

              MRI cũng thường được chỉ định đánh giá tổn thương tại não ở các bệnh nhân có triệu chứng sọ não không phải do chấn thương. Tuy nhiên một số bệnh nhân được chỉ định chụp CT trước đó. Trên hình ảnh CT của khối u màng não thất thường là khối tăng tỷ trọng nhẹ, khoảng 50% trường hợp có lắng đọng calci trong khối, xuất huyết trong khối u gặp khoảng 10% (Yuh, Barkovich và Gupta, năm 2009).

\"2141

Ependymoma loại biệt hóa ở bệnh nhi 2 tháng tuổi, có tăng chu vi vòng đầu:

a. T2:

c. T1 sau tiêm

b, d, e, f. Khối u này có dạng đa nang, khối u không đồng nhất sau tiêm.

   Hình 6.4. Hình ảnh MRI của ependymoma loại biệt hóa.

Ependymoma tủy sống là loại u hay gặp của vùng tủy sống, chỉ sau loại u tế bào hình sao (astrocytoma) ở trẻ em. Hầu hết các khối u màng não thất ở tủy sống thuộc loại mô bệnh học loại 2 theo phân loại của tổ chức y tế thế giới. Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào bản chất khối u, khả năng phẫu thuật cắt bỏ khối u và mức độ tổn thương u xâm lấn tại thời điểm chẩn đoán. Cũng giống như các khối u màng não thất trong não, các khối u màng não thất trong tủy thường tăng tín hiệu trên xung T2, giảm tín hiệu trên xung T1, và khối u thường không đồng nhất (Yuh và cs, 2009).

\"2141

Khối u ependymoma trong tủy ở trẻ 3 tuổi.

ac T2-, T1-, T1-sau tiêm

df T2-, T1-, T1 sau tiêm

Hình 6.5. Hình ảnh MRI khối u ependymoma tủy sống.

Tổn thương thâm nhiễm màng não: xét nghiệm dịch não tủy giúp đánh giá giai đoạn bệnh, tiên lượng bệnh và hướng điều trị bệnh. Tổn thương dưới màng nhện có thể đánh giá được bằng MRI hoặc xét nghiệm tế bào dịch não tủy. Hình ảnh tổn thương di căn màng não thường tạo nốt trong não thất hoặc tại màng não, có thể gây não úng thủy và xét nghiệm tế bào dịch não tủy có tế bào ung thư.

\"2141Tổn thương thâm nhiễm màng não và di căn não đa ổ 13 tháng sau khi điều trị khối u màng não thất vùng hố sau. Xét nghiệm tế bào học dịch não tủy có thâm nhiễm tế bào ác tính.

Hình 6.6. Hình ảnh thâm nhiễm màng não và di căn não đa ổ.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn



Tin liên quan