BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT MANG ĐỘT BIẾN GEN BRCA2 DẠNG DI TRUYỀN

Ngày đăng: 18/08/2024 Lượt xem 664
BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT 
MANG ĐỘT BIẾN GEN BRCA2 DẠNG DI TRUYỀN
GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, ThS.BS. Bùi Bích Mai, ThS.BS. Phạm Minh Lanh, BS. Nguyễn Thị Hoài
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân nam, 66 tuổi
Tiền sử bản thân: khỏe mạnh
Tiền sử gia đình: Em gái mắc ung thư vú, bác ruột mắc ung thư phổi và em họ mắc ung thư dạ dày. 

 
Hình 1. Phả hệ của bệnh nhân 

Bệnh nhân nhập viện vì đau cột sống thắt lưng, gầy sút cân, sốt. 
Xét nghiệm chỉ điểm u thời điểm nhập viện cho thấy PSA toàn phần: 296,3ng/mL; PSA tự do: 39,67ng/mL. 
Chụp cộng hưởng từ tiểu khung có nốt ngoại vi tuyến tiền liệt kích thước 7x15mm, đẩy lồi bờ tuyến, không thấy hạch chậu và kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực bụng cho thấy có tổn thương tiêu xương đa ổ xương đốt sống, xương vai, xương ức, xương sườn, cánh chậu, xương cụt. 
Bệnh nhân được sinh thiết tuyến tiền liệt cho kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, Gleason 4+5 = 9 điểm và được chẩn đoán xác định: Ung thư tuyến tiền liệt T3aN0M1b nguy cơ cao. 
Để xét các phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh, cũng như xác định nguy cơ ung thư di truyền trong gia đình (gia đình có tiền sử nhiều người bị ung thư) nên bệnh nhân đã được tiến hành xét nghiệm tìm đột biến trên gen BRCA1 và BRCA2.
Kết quả cho thấy bệnh nhân mang biến thể dòng mầm (dạng di truyền) trên gen BRCA2 tại vị trí c.8364G>A (NM_000059.4 (BRCA2):c.8364G>A (p.Trp2788Ter)). 
Theo thông tin phân tích biến thể, đây là một biến thể được phân lớp gây bệnh, nằm trên exon 19 của gen BRCA2. Biến thể này nằm trong miền liên kết DNA (DBD), nhiều đột biến làm tăng nguy cơ ung thư được tìm thấy trong vùng gen này. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở nhiều trường hợp mắc ung thư vú – buồng trứng di truyền (HBOC). Tiền sử gia đình bệnh nhân cho thấy em gái ruột của bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú trước 50 tuổi, đây cũng là một yếu tố nguy cơ cao biểu hiện người em gái này có thể mang biến thể tương tự. 

Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở tuổi 66, tuy nhiên về lâm sàng bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn khá muộn với giai đoạn khối u 3a, điểm Gleason cao (9 điểm ), di căn xa. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu về nguy cơ , biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có mang biến thể gen BRCA2. Những bệnh nhân có mang biến thể gây bệnh trên gen BRCA2 thường có tuổi khởi phát bệnh sớm hơn, tiến triển nặng hơn, đáp ứng điều trị kém, thời gian sống sót ngắn hơn những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không có biến thể gây bệnh trên gen BRCA2. 
Theo Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) những người bệnh UT TTL kháng cắt tinh hoàn, di căn, có đột biến dòng mầm và sinh dưỡng trong các gen sửa chữa tái tổ hợp tương đồng (HRR) như BRCA1, BRCA2 được dự đoán sẽ đáp ứng tốt với các chất ức chế poly-ADP ribose polymerase (PARP) như olaparib, rucaparib và niraparib. 
Từ năm 2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận việc sử dụng các chất ức chế PARP như Olaparib hay rucaparib trong điều trị UTTTL kháng cắt tinh hoàn, di căn, có đột biến gen BRCA1/2. 
Với bệnh nhân này ta thấy rằng, việc chỉ định xét nghiệm xác định biến thể gen BRCA là phù hợp, nó giúp đánh giá, giải thích lâm sàng, tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị. Việc phát hiện biến thể gây bệnh dòng mầm trên gen BRCA2 ở bệnh nhân này cũng giúp đánh giá nguy cơ di truyền ung thư cho con của bệnh nhân, giúp họ có kế hoạch tầm soát ung thư hiệu quả và phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Junejo NN, AlKhateeb SS. BRCA2 gene mutation and prostate cancer risk. Saudi Med J. 2020;41(1):9-17. doi:10.15537/smj.2020.1.24759
2. Castro E, Goh C, Leongamornlert D, et al. Effect of BRCA Mutations on Metastatic Relapse and Cause-specific Survival After Radical Treatment for Localised Prostate Cancer. European Urology. 2015;68(2):186-193. doi:10.1016/j.eururo.2014.10.022
3. Castro E, Romero-Laorden N, del Pozo A, et al. PROREPAIR-B: A Prospective Cohort Study of the Impact of Germline DNA Repair Mutations on the Outcomes of Patients With Metastatic Castration-Resistant Prostate Cancer. JCO. 2019;37(6):490-503. doi:10.1200/JCO.18.00358
4. Schaeffer EM, Srinivas S, Adra N, et al. NCCN Guidelines® Insights: Prostate Cancer, Version 1.2023: Featured Updates to the NCCN Guidelines. Journal of the National Comprehensive Cancer Network. 2022;20(12):1288-1298. doi:10.6004/jnccn.2022.0063
5. FDA Chấp Thuận Olaparib, Rucaparib để Điều Trị Ung Thư Tuyến Tiền Liệt - NCI. Published June 11, 2020. Accessed June 26, 2023.

Tin liên quan