Hệ thống phân phối thuốc mới giúp tiêu diệt tế bào gốc ung thư, tăng cường hiệu quả điều trị ung thư

Ngày đăng: 14/08/2018 Lượt xem 2565
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hệ thống phân phối thuốc bằng cách sử dụng một liên hợp poly(ethylene glycol)-poly(lysine) gắn với polymer-ubenimex. Việc sử dụng hệ thống phân phối thuốc này đã giúp tăng nồng độ ubenimex (thuốc Bestadin, tác nhân điều hòa miễn dịch được sử dụng trong điều trị ung thư hắc tố, ung thư biểu mô của phổi, dạ dày, bàng quang, đầu và cổ và thực quản) trong các tế bào gốc ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp với các thuốc chống ung thư tiêu chuẩn làm giảm đáng kể các tế bào gốc ung thư.

Các tế bào trong mô ung thư được chia thành hai nhóm chính: tế bào ung thư và tế bào gốc ung thư (cancer stem cells – CSCs). CSC có liên quan đến sự tiến triển và phổ biến của ung thư, vì vậy cần loại trừ CSC để chữa ung thư. Tuy nhiên, vì CSC có khả năng kháng hóa trị và xạ trị, do đó điều trị ung thư còn gặp nhiều khó khăn.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Osaka phối hợp với Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) đã phát hiện ra rằng dấu ấn CD13 có mặt trên tế bào gốc của ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma – HCC). Khi ubenimex (Bestadin, một chất điều hòa miễn dịch có khả năng ức chế CD13) được thêm vào CSC, tế bào gốc HCC bị thúc đẩy quá trình chết theo chương trình (apoptosis) và dần bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, CSC chỉ có mặt ở một phần của khối u, do vậy cần phát triển một phương pháp để cung cấp thuốc ở nồng độ cao cho các vị trí đích xác định.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hệ thống phân phối thuốc bằng cách sử dụng liên hợp poly(ethylene glycol)-poly(lysine) gắn với polymer-ubenimex (viết tắt là PEG-b-PLys(Ube)). Việc sử dụng hệ thống này đã giúp tăng nồng độ ubenimex trong các CSC đích. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp các thuốc chống ung thư tiêu chuẩn làm giảm đáng kể các CSC. Kết quả nghiên cứu đã được công bố mới đây trên tạp chí Oncogene.

Người đứng đầu nghiên cứu – Masamitsu Konno nói "Đầu tiên, chúng tôi đã phát triển một hệ thống phân phối thuốc để cung cấp ubenimex nồng độ cao, và sau đó một hệ thống khác trong đó 20 phân tử ubenimex bị gắn với poly(ethylene glycol)-poly(lysine)". Sử dụng phương pháp này, họ thực hiện tiêm ubenimex vào màng bụng và tĩnh mạch chuột, thấy rằng kích thước khối u đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy đã có thể phân phối ubenimex cho các CSC ở nồng độ cao.



Hình 1. Cấu trúc và hoạt động của hệ thống phân phối thuốc PEG-b-PLys(Ube)

(A) Cấu trúc PEG-b-PLys(Ube)35 với 14 phân tử ubenimex; (B) Cấu trúc PEG-b-PLys(Ube)50 với 20 phân tử ubenimex; (C) Sự tương tác giữa PEG-b-PLys(Ube) với CD13 trên bề mặt tế bào.

Tiếp theo, việc phối hợp ubenimex và một số thuốc chống ung thư hiện nay (fluorouracil (5-FU), cisplatin và doxorubicin) được thực hiện, giúp tăng cường quá trình chết theo chương trình (apoptosis) của CSC ở chuột.

Hideshi Ishii (đồng tác giả nghiên cứu) cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc có ảnh hưởng đến CSC nhưng gặp thách thức trong việc phân phối đến các khu vực CSC. Hệ thống phân phối thuốc trong nghiên cứu này có thể dễ dàng được sản xuất và thể hiện các đặc điểm ưu việt, cho phép chúng được áp dụng kết hợp với các loại thuốc khác một cách hiệu quả”.

Hình 2. Đánh giá khả năng kháng u của hệ thống phân phối thuốc ở chuột

Chuột NOD/SCID (bị ức chế miễn dịch) được tạo khối u bởi dòng tế bào ung thư gan của người (dòng tế bào HuH7), sau đó được chia thành 3 nhóm: tiêm đệm PBS, tiêm PEG-PLys (không chứa ubenimex) và PEG-b-PLys(Ube)50. (A) Đường cong tăng trưởng kích thước khối u của 3 nhóm nghiên cứu. (B) Kích thước khối u có sự khác biệt giữa nhóm PEG-b-PLys(Ube)50 với nhóm PBS, giữa nhóm PEG-b-PLys(Ube)50 với nhóm PEG-Plys.

Tài liệu tham khảo:

1.Osaka University. "Anticancer drugs delivered by a new drug delivery system reduce tumor size." ScienceDaily. ScienceDaily, 8 August 2018.

.

2.Reishi Toshiyama, Masamitsu Konno, et al. (2018). Poly(ethylene glycol)–poly(lysine) block copolymer–ubenimex conjugate targets aminopeptidase N and exerts an antitumor effect in hepatocellular carcinoma stemOncogene, DOI: 10.1038/s41388-018-0406-x.

Nguyễn Tiến Lung

Tin liên quan