Phần lớn ung thư tai ngoài thuộc loại ung thư biểu mô (epithiliuma). Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên. Khối u thường có nguồn gốc từ vành tai, ít gặp hơn ở dái tai và ống tai ngoài. Người bệnh phát hiện thấy một khối cứng, to bằng nốt ruồi, sần sùi ở vành tai, dái tai hoặc ở ống tai ngoài, hoặc thấy vướng vướng, ngứa ngứa nên hay cho tay vào tai để gãi, cậy làm cho khối này rất dễ chảy máu. Khối u tiến triển chậm trong giai đoạn đầu, lúc này khối u chưa loét nhưng khi bắt đầu loét thì khối u phát triển rất nhanh và biến thành khối sùi lan khắp vành tai, xâm nhập vào ống tai ngoài rồi tiến vào tai giữa. Hệ thống hạch bạch huyết quanh tai, thậm chí cả hạch thuộc dãy cảnh ở cổ cũng bị ung thư tấn công.
Thầy thuốc chuyên khoa phải lấy một phần khối u (sinh thiết) chẩn đoán mô bệnh học, cho biết tế bào ung thư biểu mô gai hoặc ung thư tế bào đáy. Loại ung thư tế bào gai phát triển nhanh, di căn sớm và cũng là loại hay gặp, ngược lại, loại ung thư tế bào đáy tiến triển chậm và ít di căn vào hạch nên tiên lượng tốt hơn.
Phẫu thuật khoét rộng, lấy bỏ toàn bộ khối u kết hợp với tia xạ sau mổ đưa lại kết quả tương đối khả quan.
Ung thư tai giữa
Có thể bạn chưa biết |
Ung thư biểu mô thường gặp ở người cao tuổi còn ung thư tổ chức liên kết lại hay gặp ở người trẻ tuổi. |
Bao gồm ung thư biểu mô và ung thư tổ chức liên kết. Ung thư biểu mô có nguồn gốc từ niêm mạc tai giữa bị thoái hóa, dị sản trên cơ sở bệnh nhân bị viêm tai mãn tính. Một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân không bị viêm tai mà vẫn hình thành ung thư tai. Qua nghiên cứu, các thầy thuốc nhận thấy rằng khối u lúc này xuất phát từ một phần cấu tạo nên màng nhĩ là lớp biểu mô. Đa số các trường hợp này xuất hiện ở người già, bị chảy dịch tai từ lâu, gần đây xuất hiện chảy mủ tai lẫn máu lờ lờ như máu cá.
Triệu chứng đau xuất hiện từng bước, lúc đầu đau nhói nhẹ từng cơn, về sau đau tăng dần, đau dữ dội và liên tục, đau sâu trong tai, lan khắp đầu làm cho bệnh nhân mất ngủ. Các thuốc giảm đau không đem lại kết quả. Dấu hiệu liệt mặt có sau triệu chứng đau, toàn bộ các cơ chi phối vận động của mặt không hoạt động được làm cho mồm méo, mắt nhắm không kín. Khám tai thấy trong tai có mủ, lau sạch mủ quan sát được màng nhĩ bị phá hủy, đáy lỗ thủng có nhiều nụ sùi chắc, dễ chảy máu, tái phát rất nhanh sau khi cắt. Hạch sau tai hoặc hạch góc hàm cứng, ít di động. Về sau ung thư lan vào các tế bào xương chũm làm cho xương chũm phồng lên, da phủ bề mặt xương chũm căng đỏ rồi vỡ và tạo thành khối sùi như súp lơ ở sau tai. Mặt khác, khối u phát triển ra ống tai ngoài ra tới tận cửa tai.
Mủ lúc này rất thối và có lẫn máu. Hạch cổ sưng to và cố định, dính vào da. Lấy một phần tổ chức khối u làm mô bệnh học xác định bản chất khối u và chụp cắt lớp CT scan đánh giá mức độ lan tràn của khối u. Biến chứng hay gặp là viêm mê nhĩ, viêm màng não, liệt các dây thần kinh sọ số IX, X, XII. Bệnh nhân sẽ chết vì viêm màng não hoặc chảy máu dữ dội do vỡ động mạch cảnh trong.
Phẫu thuật khoét rỗng xương chũm và cắt bỏ ống tai ngoài hay phẫu thuật cắt bỏ một phần xương thái dương kết hợp với tia xạ hậu phẫu, tuy nhiên chỉ có 17% bệnh nhân sống trên 5 năm.
Ung thư tổ chức liên kết gặp ở tuổi thanh thiếu niên, chiếm tỷ lệ ít hơn ung thư biểu mô. Bệnh xuất hiện với triệu chứng nghe kém, chảy dịch tai và đau tai nhẹ.
Khám bệnh thấy tổ chức sùi trong ống tai màu hồng nhạt, ít chảy máu. Không có hạch cổ xung quanh tai. Khi khối u xâm nhập vào xương cũng thấy xương chũm sau tai phồng, vành tai bị đẩy về phía trước, rãnh sau tai bị lấp đầy đồng thời loét và rò vùng sau tai.
Khi khối u phát triển vào nội sọ biểu hiện bằng ù tai như tiếng còi tàu, dế kêu, điếc nặng bên tai bệnh, liệt mặt và lác mắt. Bệnh tiến triển nhanh mặc dù có can thiệp điều trị, thường tử vong trong vòng 6 tháng đến một năm. Chủ yếu dùng thuốc giảm đau hỗ trợ triệu chứng.
Ung thư tai có dự phòng được không?
Phòng bệnh trong bệnh ung thư tai rất khó khăn do chưa biết được nguyên nhân chính xác của bệnh này nhưng một số nghiên cứu thấy rằng ung thư tai xuất hiện chủ yếu trên cơ sở một bệnh lý viêm nhiễm mãn tính vùng tai ngoài hoặc tai giữa, chính vì vậy điều trị sớm khi bệnh nhân bị viêm tai là vấn đề đặt ra hàng đầu. Nếu phát hiện có những biểu hiện bất thường vùng tai, bạn cần đi đến thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng để có được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bạn nên đi kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần nếu có nghi ngờ.
ThS. Phạm Bích