Bệnh U LYMPHO HODGKIN ở trẻ em

Ngày đăng: 29/09/2008 Lượt xem 11562
Bệnh u lympho Hopgkin (Hốt – kin)
Bệnh này có thể gặp ở trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn là ở trẻ em trên 5 tuổi. Bệnh u lympho Hodgkin có thể còn xuất hiện ở những người lớn trẻ. Trong suốt thời kỳ trẻ thơ, các em bé trai thường bị bệnh nhiều hơn, nhưng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các trẻ em trai và gái bị bệnh như nhau.
Bệnh u lympho Hodgkin lần đầu tiên được bác sĩ Thomas Hodgkin mô tả năm 1832. Đó là một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết. Hệ thống hạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch, hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm khuẩn và bệnh tật. Đây là một hệ thống phức tạp được tạo nên từ tuỷ xương, tuyến ức, lách và các hạch bạch huyết ở khắp nơi trên cơ thể. Chúng được kết nối với nhau bởi một mạng lưới các mạch bạch huyết nhỏ.
Các hạch bạch huyết còn được biết như là những tuyến bạch huyết, và những hạch mà bạn có thể nhận biết được là những hạch ở cổ, nách và bẹn. Số lượng hạch bạch huyết khác nhau trong từng phần của cơ thể, trong một số bộ phận có rất ít, trong khi đó vùng dưới cánh tay của bạn có thể có từ 20 đến 50 hạch.
Những bệnh ung thư bắt đầu từ hệ thống hạch bạch huyết được gọi là các u lympho. Có hai loại chính là: u lympho không Hodgkin và u lympho Hodgkin. Mặc dù đó là hai loại của u lympho, có sự khác nhau giữa chúng, điều đó có nghĩa là việc điều trị có khác nhau.
Nguyên nhân của bệnh u lympho Hodgkin
Nguyên nhân chính xác của bệnh u lympho Hodgkin chưa được biết rõ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng là nhiễm khuẩn (ví dụ như virus gây ra bệnh sốt và sưng hạch), có thể có vai trò trong sự phát triển của bệnh u lympho Hodgkin.
Những dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh u lympho Hodgkin thường là sự sưng to nhưng không đau của một hạch, hoặc một nhóm các hạch kéo dài trong vài tuần. Những hạch đầu tiên bị ảnh hưởng thường là ở cổ, hầu hết thường chỉ ở một bên cổ, ở một vùng nhỏ trên xương đòn.
Đôi khi, các hạch to ra có thể dính với nhau ở vùng nách hoặc bẹn.
Nếu các hạch ở ngực bị ảnh hưởng có thể gây ra chứng ho, khó chịu hoặc là khó thở.
Đôi khi, một đứa trẻ bị bệnh u lympho Hodgkin có thẻ bị sốt cao, ra mồ hôi về đêm, ngứa, khó chịu hoặc bị sút cân.
Bệnh này được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh Hodgkin cần phải lấy một phần hoặc cả một hạch sưng to trọn vẹn để tiến hành nghiên cứu các tế bào của hạch trong phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Việc này được gọi là sinh thiết và là một phẫu thuật nhỏ thường được làm dưới sự gây mê toàn thân. Xét nghiệm giải phẫu bệnh có tầm quan trọng đặc biệt trong việc quyết định biện pháp điều trị bệnh. Việc này trong một số ít trường hợp không phải dễ dàng. Ngày nay nhờ xét nghiệm hoá mô miễn dịch, việc chẩn đoán giải phẫu bệnh chính xác hơn trong những trường hợp khó và giúp xác định những typ khác nhau của bệnh, đồng thời còn xác định được các yếu tố tiên lượng của bệnh (dự báo hiệu quả điều trị bệnh và thời gian sống sau điều trị). Nhiều các xét nghiệm nữa, ví dụ như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính CT và chụp cộng hưởng từ MRI và các xét nghiệm máu được tiến hành để tìm ra kích thước và vị trí chính xác của hạch bị tổn thương và có sự lan tràn ra ngoài hạch hay không. Nếu một xét nghiệm máu gợi ý rằng tuỷ xương bị ảnh hưởng bởi ung thư thì một mẫu tuỷ xương có thể được lấy ra để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Bất cứ xét nghiệm và biện pháp thăm dò nào mà bệnh nhi cần tiến hành đều sẽ được bác sĩ giải thích với gia định bệnh nhi.
Giai đoạn
“Giai đoạn” là một thuật ngữ dùng để mô tả kích thước và vị trí của ung thư và có di căn không. Điều này rất quan trọng bởi vì loại điều trị được áp dụng cho bệnh nhi phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Hệ thống phân loại của bệnh Hodgkin là:
Giai đoạn I: Một nhóm các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng nhưng u lympho chỉ ở một phía của cơ hoành (dải cơ dưới phổi, kiểm soát sự thở).
Giai đoạn II: Hai hoặc nhiều hơn các nhóm hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và u lympho chỉ bị ở một phía của cơ hoành.
Giai đoạn III: Có các tế bào u lympho trong các hạch bạch huyết ở trên và dưới cơ hoành. Lách cũng có thể bị tổn thương.
Giai đoạn IV: U lympho đã lan tràn ra ngoài các hạch bạch huyết, ví dụ như đến gan, phổi hoặc tuỷ xương.
Cùng với việc đánh số cho mỗi giai đoạn, các bác sĩ còn sử dụng một mã ký tự, chữ A hoặc B để cho biết bệnh nhi có những triệu chứng cụ thể như sốt, giảm cân đáng kể (hơn 1/10 trọng lượng cơ thể trong 6 tháng gần đây nhất) hoặc ra mồ hôi ban đêm. Nếu bệnh nhi không có những triệu chứng đó thì u lympho sẽ được phân loại là A, còn nếu chúng có những triệu chứng đó thì được xếp độ là B.
Điều trị
Bệnh Hodgkin ở trẻ em được điều trị bằng hoá chất, nhưng đôi khi xạ trị cũng cần thiết. Đối với những bệnh riêng biệt (khi mà ung thư không lan tràn ra xa ngoài vị trí nguồn gốc) chỉ riêng xạ trị có thể được sử dụng. Loại và tổng lượng điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh lúc chẩn đoán. Bác sĩ của bệnh nhi sẽ thông báo những dự kiến về điều trị với gia đình bệnh nhi.
Hoá trị liệu là phương pháp dùng các loại thuốc chống lại ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sự kết hợp giữa các loại thuốc thường được sử dụng, bệnh nhi thường được điều trị trong vài tuần đến một số tháng.
Xạ trị điều trị bệnh nhân ung thư bằng việc sử dụng những tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, trong khi chỉ gây tổn hại ở mức thấp nhất có thể được cho các tế bào bình thường. Xạ trị thường được điều trị cho bệnh nhi trong vài phút mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu hàng, kéo dài từ 2 đến 4 tuần.
Những tác dụng phụ của điều trị
Điều trị thường gây ra những tác dụng phụ, và bác sĩ của bệnh nhi sẽ bàn bạc những vấn đề này với gia đình trước khi bắt đầu điều trị. Bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra sẽ phụ thuộc vào loại điều trị đặc biệt đã được sử dụng và bộ phận của cơ thể chịu tác động của điều trị. Những ảnh hưởng phụ có thể bao gồm buồn nôn (cảm giác ốm yếu), và bị nôn, rụng tóc, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc dễ bị những vết thâm tím và chảy máu, sự mệt mỏi và ỉa chảy.
Những tác dụng phụ muộn
Một số ít trẻ em có thể phát triển những tác dụng phụ sau nhiều năm. Những tác dụng đó có thể bao gồm sự giảm phát triển xương, thay đổi trong cách làm việc của tim và phổi và có tăng một chút nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác trong cuộc sống sau này.
Sau khi điều trị bằng hoá chất, một số trẻ em (đặc biệt là các bé trai) có thể trở nên bị vô sinh. Cha mẹ của các cậu bé lứa tuổi thanh thiếu niên có thể  chọn lựa việc sử dụng một ngân hàng tinh trùng trước khi việc điều trị bắt đầu. Trong tình huống này, tinh trùng có thể được lưu giữ (bảo quản) để có thể sử dụng trong những năm sau này.
Bác sĩ của bệnh nhi sẽ giải thích nhiều hơn về bất kỳ tác dụng phụ muộn nào.
Những thử nghiệm lâm sàng
Ở một số nước, nhiều trẻ em được điều trị như là một phần của một thử nghiệm nghiên cứu điều trị. Những thử nghiệm này nhằm mục đích cải tiến sự hiểu biết về cách tốt nhất để điều trị một bệnh (thường là bằng việc so sánh việc điều trị chuẩn với một phương pháp mới hoặc đã được sửa đổi của một điều trị chuẩn). Các bác sĩ chuyên khoa tiến hành các thử nghiệm đối với bệnh ung thư trẻ em. Đội ngũ thầy thuốc của bệnh nhi sẽ thông báo cho gia đình bệnh nhi biết về từng bước trong một thử nghiệm điều trị (nếu thích hợp) và giải đáp mọi câu hỏi của các gia đình. Việc hiểu được từng phần trong một thử nghiệm nghiên cứu là hoàn toàn tự nguyện, và gia đình bệnh nhi sẽ được dành nhiều thời gian để quyết định việc đó có cần thiết cho con mình không.
Sự tiếp tục theo dõi
Cứ  khoảng 9 trong 10 trẻ em phát triển bệnh u lympho Hodgkin được chữa khỏi. Nếu như ung thư quay trở lại, thì việc điều trị với liều cao hơn hoặc loại thuốc khác có thể được áp dụng.
Sau khi việc điều trị đã kết thúc, bệnh nhi sẽ được kiểm tra thường xuyên bằng chụp cắt lớp vi tính và các xét nghiệm máu tại bệnh viện.
Nếu gia đình bệnh nhi có những lo lắng riêng về hoàn cảnh và việc điều trị của con mình, cách tốt nhất là hãy bàn bạc với bác sĩ của con bệnh nhi là người biết rõ về tình hình bệnh của trẻ.
Những cảm xúc
Là những người cha mẹ, sự thật con mình bị ung thư là một tình trạng tồi tệ nhất mà họ có thể phải đối mặt. Họ có thể có nhiều những cảm xúc khác nhau, ví dụ như nỗi sợ hãi, buồn bã, cáu giận và dễ thay đổi tính tình. Tất cả những điều đó là phản ứng bình thường, và là một phần của quá trình mà nhiều bậc cha mẹ phải trải qua như một thời kỳ khó khăn nhất.
Bệnh nhi có thể có nhiều cảm xúc khác nhau.

Tin liên quan