Xạ trị - Mục tiêu điều trị
- Trị hết hoặc thu nhỏ những khối u ở giai đoạn sớm: Một số ung thư rất nhạy cảm với tia xạ. Trong những trường hợp đó xạ trị có thể được dùng để thu nhỏ khối u lại hoặc làm chúng biến mất hoàn toàn. Đối với các loại ung thư khác, xạ trị thường được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u lại (trị liệu tiền phẫu) hoặc sau phẫu thuật để phòng ngừa ung thư xuất hiện trở lại (trị liệu hỗ trợ). Xạ trị cũng được sử dụng cùng với hóa trị trong một số trường hợp. Khi sử dụng xạ trị cùng với những phương pháp điều trị khác, kế hoạch điều trị sẽ được thiết lập bởi các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ ung bướu, bác sĩ xạ trị và bệnh nhân.
- Ngăn ung thư tái phát ở khu vực khác: Nếu một loại ung thư đã được biết có khả năng lan đến một khu vực nhất định nào đó, các bác sĩ thường cho rằng một ít tế bào ung thư có thể đã lan đến những khu vực đó, ngay cả khi những khảo sát hình ảnh (MRI hoặc CT) không phát hiện thấy khối u. Khu vực đó có thể được xạ trị để giữ những tế bào ung thư không thể phát triển thành khối u được. Chẳng hạn như, những bệnh nhân bị một số thể ung thư phổi có thể cần phải được xạ trị dự phòng (prophylactic) ở vùng đầu do loại ung thư này thường lan đến não.
Điều trị triệu chứng ở những trường hợp ung thư nặng: Một số loại ung thư đã phát triển xa đến mức không thể chữa khỏi được. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể điều trị được nữa để giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn. Xạ trị có thể giúp làm giảm những triệu chứng như đau, khó nuốt hoặc khó thở, hoặc những triệu chứng tiêu hóa có thể gây ra bởi ung thư giai đoạn nặng.