Định nghĩa: Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não bộ đột ngột bị ngưng trệ do nghẽn hoặc vỡ một nhánh động mạch não. Nếu một nhánh động mạch não bị tắc nghẽn thì gọi là nhồi máu não. Nếu vỡ một nhánh động mạch não thì gọi là xuất huyết não.
Nguyên nhân: Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này, chiếm 80% trường hợp. Những nguyên nhân còn lại do xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, rung nhĩ, suy tim, vỡ phình mạch máu não... Đặc biệt, tình trạng tai biến mạch máu não rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh lý đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa lipid (tăng mỡ máu). Tai biến mạch máu não hầu hết gặp ở người già, nhưng cũng có khi gặp ở người trẻ. Đa số người trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não là do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Triệu chứng: Người bị tai biến mạch máu não sẽ có một hoặc hàng loạt biểu hiện đột ngột như: yếu nửa người, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, chân, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... Có bệnh nhân không hề có biểu hiện tê hoặc đau nào mà đột ngột đi vào hôn mê.
Xử trí: Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên, nhiều người tưởng lầm bệnh nhân bị trúng gió và đè ra đánh gió, bắt uống nước chanh. Điều này rất không nên do khi bị liệt vùng hầu họng, nếu bắt bệnh nhân uống nước sẽ gây sặc vào đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc gây tăng huyết áp thêm nữa và làm chậm trễ thời gian đưa đến bệnh viện.
Đối với người bị tai biến mạch máu não, thời gian là vàng. Xử lý hay nhất là gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
Không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy vì có trường hợp bệnh nhân bị liệt một bên, không thể gác chân lên xe, khi đến bệnh viện, chân bên liệt của bệnh nhân bị chấn thương chảy máu.
Phòng ngừa:
- Tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường. Nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.
- Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã được phát hiện tăng huyết áp, phải uống thuốc đều đặn hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ và đi khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt hoặc nhức đầu mới uống thuốc.
- Nếu bị tiểu đường, phải ăn uống theo chế độ của người tiểu đường, không ăn đường, giảm bột, ăn nhiều rau, đủ đạm, ít béo, chia nhỏ bữa ăn, uống hoặc tiêm thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.
- Chữa tăng cholesterol máu, bó thuốc lá, thuốc lào, ngừng uống rượu, điều trị bệnh tim nếu có.
Dự án quốc gia phòng chống bệnh tăng huyết áp - Viện Tim mạch Việt Nam