Gần đây, dư luận xôn xao rằng nhiều người bị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, ung thư phổi do hít phải amiăng trong quá trình sử dụng bếp than. Sự thật có đúng như vậy? Chất amiăng có những ảnh hưởng xấu như thế nào đối với sức khỏe? Phải xử lý thế nào nếu bếp than có amiăng?
Các nhà chuyên môn nói gì?
Chúng tôi đã gặp các bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và các bác sĩ làm việc ở Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường. Mọi người đều khẳng định chưa từng nghe thấy thông tin về việc bếp than được làm từ amiăng. ThS. Đinh Xuân Ngôn, Trưởng phòng nghiên cứu về bụi, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho biết: Amiăng là tên gọi chung của 6 loại sợi khoáng tự nhiên là chrysotile (amiăng trắng), amosite (amiăng nâu), crocidolite (amiăng xanh), anthophyllite, tremolite, actinolite. Do amiăng có một số tính chất cơ lý đặc biệt như tính cách điện, cách nhiệt, cách âm, chịu ma sát, có độ dai và độ bền cao, chịu được các biến đổi lớn về nhiệt độ, độ ẩm nên trước đây amiăng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và dân dụng làm vật cách điện, cách nhiệt, cách âm, làm vải may quần áo chống cháy, làm má phanh, sản xuất tấm lợp amiăng-ximăng. Hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước đã cấm sử dụng amiăng xanh và nâu do tính độc hại của chúng nhưng một số nước vẫn cho phép sử dụng amiăng trắng trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, amiăng trắng được dùng chủ yếu để sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng (chiếm 90%). Để khẳng định có sử dụng amiăng làm nguyên liệu sản xuất bếp than hay không cần phải lấy mẫu làm xét nghiệm. Tuy nhiên, xu thế hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam là hạn chế sử dụng nguyên liệu amiăng. Về lâu dài, nghiên cứu thay thế hoàn toàn amiăng bằng những nguyên liệu khác ít độc hại hơn. Hiện nay, đối với bếp than tổ ong, để giữ nhiệt có thể sử dụng bông thủy tinh không có amiăng.
Amiăng ảnh hưởng đến sức khỏe chủ yếu khi chúng ở dạng bụi, lơ lửng trong không khí và con người hít thở phải. Những người lao động sản xuất là đối tượng trực tiếp tiếp xúc, hít thở phải bụi amiăng phát sinh trong trong môi trường lao động. Các sản phẩm có chứa amiăng nếu còn ở trạng thái nguyên vẹn ít có khả năng amiăng phát tán gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, nếu những sản phẩm này bị hư hại, vỡ nát hoặc bị đập vụn rồi vứt bừa bãi xung quanh khu vực sinh sống thì các sợi amiăng có trong sản phẩm có thể được giải phóng ra môi trường không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe của những người hít thở phải.
Amiăng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Theo TS. Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh- Bệnh viện Hữu Nghị, chất amiăng có ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và mức độ tiếp xúc. Nếu hít phải bụi phổi amiăng có thể gây tổn thương và xơ hóa màng phổi có thể cản trở ở các tiểu phế quản và phế nang, gây xuất huyết lượng ít. Đọng amiăng ở màng phổi có thể gây ung thư. Một yếu tố quan trọng để phân biệt bệnh phổi do tiếp xúc với môi trường so với các bệnh phổi nội khoa là hình ảnh phim Xquang. Dù có điều trị cách nào thì hình ảnh chụp Xquang phổi lần sau vẫn xấu hơn lần trước.
Còn theo ThS. Đinh Xuân Ngôn, khi hít thở phải các sợi amiăng, chúng có thể lắng đọng trong phổi và bị giữ ở đó trong thời gian dài. Qua thời gian, các sợi amiăng có thể tăng dần về số lượng và gây bệnh. Các bệnh liên quan đến amiăng bao gồm: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng..., bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp, mảng màng phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư phổi... Biểu hiện của các bệnh liên quan đến amiăng là diễn biến trong thời gian dài (thường trên 10 năm tiếp xúc), bệnh có thể đã xuất hiện trước khi có các triệu chứng. Dấu hiệu chung là thở ngắn, ho, mệt mỏi, đau ngực và thường có máu trong đờm. Những biểu hiện này cũng phổ biến với nhiều bệnh khác và do nguyên nhân khác. Để chẩn đoán bệnh liên quan đến amiăng, ngoài dựa vào triệu chứng bệnh còn dựa vào hình ảnh Xquang, CT Sanner, tiền sử tiếp xúc với amiăng và nếu có điều kiện làm sinh thiết soi xác định amiăng trên kính hiển vi điện tử.
Một nguyên nhân đáng kể gây các bệnh về hô hấp do sử dụng bếp than là do khí carbon monoxide (CO). Khí này xuất hiện trong quá trình đốt cháy than, củi để đun nấu. Khi hít phải, khí CO sẽ lan tỏa nhanh chóng qua phế nang, mao mạch và rau thai. 90% lượng CO hấp thụ sẽ kết hợp với hemoglobin tạo thành chất cacboxy- hemoglobin, làm kiềm chế khả năng hấp thụ ôxy của hồng cầu. Các tế bào máu này sẽ bị vô hiệu hóa, không mang được ôxy tới các mô của cơ thể. Khí CO có thể ảnh hưởng cấp tính gây ngạt và tử vong. Về lâu dài, nhiễm CO sẽ ảnh hưởng đến nhiều hệ thống, cơ quan như thần kinh, hô hấp, đặc biệt là các cơ quan tiêu thụ ôxy cao như não, tim, gây nhức đầu, chóng mặt, ăn không ngon, khó thở, rối loạn cảm giác, suy nhược cơ thể...
Như vậy, amiăng là chất độc hại, có ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài. Còn người sử dụng bếp than bị bệnh bụi phổi do amiăng thì chưa có công trình và cơ quan chuyên môn nào kết luận. Tuy nhiên, để an toàn trong sử dụng, mọi người nên tránh sử dụng bếp than bị vỡ, nứt hoặc không đập bếp than để tận dụng nguyên liệu làm việc khác. Trong quá trình sử dụng bếp than, cần hạn chế tiếp xúc với bếp để bớt hít phải khí CO - một loại chất ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.