Ca lâm sàng: điều trị ung thư vú nam giới tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 26/06/2023 Lượt xem 1066

Ca lâm sàng: điều trị ung thư vú nam giới tại Bệnh viện Bạch Mai

GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, ThS.BS.Lê Văn Long.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

Ung thư vú ở nam giới là một loại ung thư hiếm gặp, được hình thành trong mô vú của nam giới. Mặc dù ung thư vú thường được coi là căn bệnh của phụ nữ, nhưng ung thư vú vẫn xảy ra ở cả nam giới với tỷ lệ khá thấp. Ung thư vú nam phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Về nguyên nhân: đến nay người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới.

Về yếu tố di truyền: Di truyền gen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.

Một số nam giới thừa hưởng gen bất thường (đột biến) từ cha mẹ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đột biến ở một số loại gen, đặc biệt là gen có tên BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới, như:

  • Người lớn tuổi: Nam giới nhiều tuổi thì nguy cơ ung thư vú tăng (thường trên 60 tuổi) 
  • Đã sử dụng estrogen. Nam giới đã dùng thuốc liên quan đến estrogen, chẳng hạn như thuốc dùng trong liệu pháp hormone điều trị ung thư tuyến tiền liệt… thì nguy cơ ung thư vú ở nam giới sẽ tăng lên.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú, thì nam giới trong gia đình này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Hội chứng Klinefelter. Hội chứng di truyền này xảy ra khi các bé trai được sinh ra với nhiều hơn một bản sao của nhiễm sắc thể X. Hội chứng Klinefelter khiến tinh hoàn phát triển bất thường. Kết quả là, những người đàn ông mắc hội chứng này sản xuất ra một số lượng nội tiết tố nam (androgen) thấp hơn và nhiều nội tiết tố nữ (estrogen) hơn.
  • Bệnh gan. Một số bệnh lý, chẳng hạn như xơ gan, có thể làm giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Béo phì. Béo phì có liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn, làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.
  • Bệnh tinh hoàn hoặc phẫu thuật. Bị viêm tinh hoàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.

Về điều trị, ung thư tuyến vú ở nam giới cũng giống như ở nữ giới, ngày nay đã có nhiều tiến bộ, bên cạnh những phương pháp điều trị căn bản (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích…) đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, góp phần kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú.

Dưới đây là trường hợp bệnh nhân nam giới được chẩn đoán ung thư tuyến vú và đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Họ tên bệnh nhân: T. N. Y             Nam           75 tuổi

Địa chỉ: Tràng Thi – Trần Đăng Ninh – Nam Định

Thời gian vào viện: tháng 12/2022

Lý do vào viện: tự sờ thấy khối u vú trái

Bệnh sử: Khoảng 6 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân tự sờ thấy khối u vú trái, không đau tức, đi khám tại y tế cơ sở nghĩ nhiều u lành tính không điều trị gì. Khoảng 1 tháng trước khi vào viện bệnh nhân thấy khối u vú trái to dần, kèm theo đau tức tuyến vú trái, ở nhà có dùng thuốc nhưng không đỡ. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán theo dõi ung thư tuyến vú trái/ Stent mạch vành à nhập viện chẩn đoán và điều trị tiếp.

Tiền sử: Bệnh nhân đặt stent mạch vành 2 lần năm 2014 và 2019, đang duy trì thuốc tim mạch và tái khám định kì.

Khám toàn thân lúc vào viện:

-       Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt

-       Thể trạng trung bình, chiều cao: 167 cm, cân nặng: 60 kg

-       Mạch: 75 lần/phút, Huyết áp: 120/70 mmHg

-       Hạch ngoại vi không sờ thấy

-       Phổi trái: rì rào phế nang giảm, không rales

-      Phổi phải: rì rào phế nang tốt

-       Nhịp tim đều, T1, T2 rõ không có tiếng bệnh lý

Khám tuyến vú:

-         Tuyến vú trái: vị trí 1/2 trên ngoài cách núm vú 1 cm có khối u vú kích thước 2 x 2,5 cm, chắc, ranh giới không rõ, còn di động.

-         Tuyến vú phải: không sờ thấy u

-         Hạch nách 2 bên: không sờ thấy

 3717 anh 1

Hình 1: Hình ảnh khối u vú trái của bệnh nhân vị trí ½ trên ngoài KT 2x2,5cm, ranh giới không rõ, chắc, còn di động.

Các xét nghiệm cận lâm sàng:

Xét nghiệm: công thức máu, chức năng gan thận, điện giải đồ trong giới hạn bình thường, HIV (-), HBsAg âm tính

Xét nghiệm chất chỉ điểm u:

  • CEA: 4.08 ng/ml (bình thường)
  • Cyfra 15-3: 9,9 ng/ml (bình thường)

Siêu âm tuyến vú: hình ảnh vị trí ½ trên ngoài, cách núm vú 1,5 cm có khối u vú trái 2x2,5 cm (Birads 6)

Chụp cộng hưởng từ tuyến vú:

3717 anh 23717 anh 3

 

Hình 2: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ tuyến vú có khôi u ngay dưới núm vú trái kích thước 21x28mm, chưa xâm lấn cơ thành ngực, bờ không đều, co kéo núm vú, không có hạch bất thường (BIRADS 6).

Sinh thiết u vú trái dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả là: Ung thư biểu mô xâm nhập độ II, ER dương tính (++) 90%, PR dương tính (++) 10%, Ki67 dương tính 10%.

Chụp PET-CT:

3717 anh 43717 anh 5

Hình 3: Hình ảnh chụp PET-CT có khối đặc tăng chuyển hóa FDG ở ½ trên ngoài kích thước 33x19 mm, ngay sát núm vú trái, có vôi hóa thô bên trong, chưa xâm lấn cơ ngực.

Chẩn đoán xác định:

Ung thư vú trái/ Stent mạch vành

Giai đoạn: T2NoMo (giai đoạn II).

Mô bệnh học: Ung thư biểu mô xâm nhập độ II, ER dương tính (++) 90%, PR dương tính (++) 10%, Ki67 dương tính 10%.

Điều trị:

Bệnh nhân được hội chẩn Hội đồng hội chẩn về ung thư vú tại Bệnh viện Bạch Mai gồm có các bác sĩ chuyên khoa về các lĩnh vực trong điều trị ung thư tuyến vú: Bác sĩ ung bướu, bác sỹ Y học hạt nhân, bác sĩ phẫu thuật tuyến vú, bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bác chuyên khoa về giải phẫu bệnh, chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh… .

Bệnh nhân được hội đồng chỉ định điều trị:

-         Phẫu thuật Patey tuyến vú trái: cắt toàn bộ tuyến vú trái + vét nạch trái.

-         Sau hậu phẫu bệnh nhân ổn định sẽ tiếp tục điều trị các liệu pháp toàn thân (hóa trị, nội tiết…) kết hợp với điều trị và theo dõi bệnh lý về tim mạch.

3717 anh 6

Hình 4: Hình ảnh bệnh nhân được chuẩn bị phẫu thuật Patey tuyến vú trái

Như vậy:

Ung thư nói chung và ung thư vú ở nam giới nói riêng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm và có phương pháp điều trị đúng, kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh ung thư vú, nam giới cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh các thực phẩm độc hại như rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc bức xạ, tập thể dục hàng ngày... thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1-2 lần...

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan