ThS. Vũ Thị Thu Hiền, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương (Sưu tầm và dịch lược)
Đơn vị gen – Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Ung thư buồng trứng là ung thư phổ biến mà nữ giới thường mắc phải. Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư buồng trứng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Trong đó điều trị đích bằng các thuốc olaparib, niraparib,... để ức chế PARP-enzym có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa những tổn thương DNA của tế bào ung thư, là liệu pháp điều trị mang lại hiệu quả cao giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển. Ức chế PARP ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa DNA của tế bào ung thư, làm tích lũy các DNA bị đứt gãy trong tế bào dẫn đến tăng độc tính và tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc đích này lại gây ra một số tác dụng phụ: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, táo bón, thiếu máu,… Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để ngăn ngừa và kiểm soát tác dụng phụ do thuốc gây ra? Trong chương trình trên trang Medscape education, giáo sư Jonathan Ledermann (Viện ung thư trường Đại học Vương quốc Anh) và giáo sư Isabelle Ray Coquard (Trung tâm Léon Bérard, Pháp) sẽ trình bày một số kinh nghiệm giúp bác sỹ có các chiến lược kiểm soát tác dụng không mong muốn từ việc điều trị thuốc ức chế PARP cho bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Mệt mỏi
Như chúng ta đã biết bệnh nhân khi uống thuốc thường xuất hiện triệu chứng mệt mỏi và rất khó để có thể đánh giá được mức độ mệt mỏi. Trong trường hợp này, để giảm thiểu mệt mỏi, bác sỹ có thể cho bệnh nhân có thể uống bổ sung các thuốc bổ trợ giảm hoặc khuyên bệnh nhân áp dụng các bài tập như tập thể dục, mát xa hoặc liệu pháp nhận thức hành vi mà không cần dùng thuốc vẫn có thể giảm các triệu chứng.
Buồn nôn
Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất ở bệnh nhân điều trị với thuốc ức chế PARP. Do vậy, để hạn chế sự buồn nôn, bác sỹ nên khuyên bệnh nhân ăn một bữa ăn nhẹ trước khi uống thuốc 1 giờ hoặc là uống thuốc chống nôn. Không nên dùng aprepttant với thuốc olaparib. Trong một số trường hợp, ngưng tạm thời uống thuốc có thể cải thiện một số triệu chứng buồn nôn nghiêm trọng.
Thiếu máu
Thiếu máu là triệu chứng phổ biến xảy ra trong một vài tháng điều trị đầu tiên. Để cải thiện tình trạng thiếu máu cho bệnh nhân, bác sỹ có thể áp dụng các cách như: cho bệnh nhân ngưng điều trị tạm thời cho đến khi sức khỏe bệnh nhân ổn hơn hoặc có thể truyền máu cho bệnh nhân dù đó không phải là lựa chọn tối ưu; giảm liều sau khi bệnh nhân đã được truyền máu hoặc điều trị với axit folic và cho bệnh nhân uống thêm vitamin B12.
Quan điểm của chuyên gia về giáo dục trị liệu cho bệnh nhân
Việc giáo dục trị liệu cho bệnh nhân bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế PARP là rất quan trọng. Dược sỹ nên dành thời gian khoảng 1 giờ để trao đổi, giải thích với bệnh nhân về cơ chế hoạt động của thuốc cũng như nguyên nhân xuất hiện tác dụng phụ và cách kiểm soát độc tính của thuốc. Do vậy, bệnh nhân sẽ có thêm thông tin về thuốc hơn trước khi bắt đầu điều trị và cảm thấy thoải mái hơn cách điều trị và quản lý tác dụng phụ do thuốc gây ra của bác sỹ.
Tầm quan trọng của việc theo dõi bệnh nhân
Bệnh nhân khi điều trị với niraparib thì việc kiểm tra số lượng tế bào máu hàng tuần là rất quan trọng để xác định nhanh chóng sự giảm tiểu cầu và bạch cầu trung tính nhằm kiểm soát diễn biến cuả bệnh. Thông thường sau 1 đến 2 tháng điều trị, số lượng các tế bào máu bệnh nhân được kiểm soát. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn nên được theo dõi hàng tháng.
Tác dụng phụ của thuốc ức chế PARP trong điều trị bước đầu
Đánh giá tác dụng phụ của Olaparib kết hợp với Bevacizumab so với nhóm giả dược kết hợp với Bevacizumab trong điều trị bước đầu ở tất cả các giai đoạn của bệnh nhân ung thư buồng trứng, giáo sư Ray–Coquard cho biết tác dụng phụ chủ yếu của Olaparib kết hợp với Bevacizumab là mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, tăng huyết áp và thiếu máu. Trong khi khi tác dụng phụ chủ yếu của giải dược kết hợp với Bevacizumab phần lớn là tăng huyết áp. Các tác dụng phụ khác ở cả 2 liệu pháp điều trị gần như tương đương nhau, không có sự khác biệt.
Kết luận
Các tác dụng phụ của thuốc ức chế PARP có thể kiểm soát bằng cách giáo dục bệnh nhân, theo dõi các triệu chứng và điều chỉnh liều thích hợp.
Không có sự khác biệt mới nào về tác dụng phụ được quan sát thấy ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế PARP để điều trị các bệnh lý ác tính liên quan tới phụ khoa.
Có những phác đồ điều trị tương tự có thể được sử dụng trong điều trị bước đầu ở những bệnh nhân ung thư tái phát.
Bài viết được lược dịch từ cuộc trò chuyện của giáo sư Jonathan Ledermann (Viện Ung thư trường Đại học Vương quốc Anh) và giáo sư Isabelle Ray Coquard (Trung tâm Léon Bérard, Pháp) trong chương trình: “Managing PARP Inhibitor side Effects in Advanced Ovarian Cancer: Expert Insights from the Real World” được đăng vào ngày 10/12/2019 trên trang Medscape education.
ungthubachmai.vn