Case lâm sàng: Điều trị bướu nhân độc tuyến giáp bằng I-131 tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 21/09/2023 Lượt xem 336

Case lâm sàng: Điều trị bướu nhân độc tuyến giáp bằng I-131 tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai 

GS.TS Mai Trọng Khoa1, PGS.TS.Phạm Cẩm Phương1, Th.S BS Lê Quang Hiển1, BSNT Trần Thế Hoàng2, BSNT Lê Mỹ Hạnh3

1: Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai

2: Trường Đại học Y Hà Nội

3: Trường Đại học Y Dược- Đại học Quốc Gia Hà Nội

               Bướu nhân tuyến giáp là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Bướu nhân tuyến giáp là biểu hiện lâm sàng chung của nhiều bệnh lý tuyến giáp đó có thể là: viêm tuyến giáp khu trú (focal thyroiditis), bướu nhân tuyến giáp đơn thuần (simple nodular goiter), bướu nhân tuyến giáp nhiễm độc (toxic nodular goiter), nhân ung thư tuyến giáp (malignant thyroid nodule).

Bướu nhân độc tuyến giáp hay nhân độc tự trị (autonomously functioning thyroid nodules) là bệnh lý hay gặp, chiếm 15-30% trong các bệnh lý gây cường giáp, chỉ sau Basedow. Ở vùng thiếu hụt iod, bướu nhân độc tuyến giáp gặp với tỷ lệ cao hơn, có thể là đơn nhân (single toxic nodular goiter), cũng có thể là đa nhân (multiple toxic nodular goiter). Bệnh gặp nhiều ở nữ giới, tuổi trên 40. Trên lâm sàng bướu nhân tuyến giáp nhiễm độc có thể là đơn nhân cũng có thể là đa nhân với bệnh cảnh lâm sàng là người bệnh có bướu nhân tuyến giáp và có tình trạng nhiễm độc hormon tuyến giáp.

Các phương pháp chính để điều trị bệnh bướu nhân giáp nhiễm độc hiện có là: thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, phẫu thuật và điều trị bằng I-131. Trong đó điều trị bằng I-131 có nhiều ưu điểm và là phương pháp điều trị được lựa chọn hiện nay.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệumột trường hợp lâm sàng bệnh nhân có nhân độc tuyến giáp được điều trị bằng I-131 và đạt được kết quả tốt.

Họ và tên: N. T. C                         Giới: Nữ                   Tuổi: 66

Lý do vào viện: Hồi hộp, đánh trống ngực

Tiền sử: Tăng huyết áp điều trị thuốc thường xuyên Amlor 5mg/ngày.

Bệnh sử: Cách đây 1 năm bệnh nhân thỉnh thoảng xuất hiện hồi hộp, đánh trống ngực, không khó thở, không đau ngực, hoạt động thể lực bình thường, chưa khám và điều trị gì. Đợt này, triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực tăng lên, kèm run 2 tay, gầy sút 2 kg trong 1 tháng. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán nhân độc tuyến giáp.

Tình trạng lúc vào viện:

Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt  

Không đau ngực

Không khó thở

Hồi hộp, đánh trống ngực, run 2 tay.

Thể trạng gầy: chiều cao: 150 cm; Cân nặng: 43 kg

Tuyến giáp: khối thùy phải tuyến giáp kích thước 3cm, mềm, di động theo nhịp nuốt, không thấy tiếng thổi.

Hạch ngoại vi không sờ thấy.

Mạch: 110 lần/phút, Huyết áp: 130/80 mmHg.

Tim đều, T1T2 nghe rõ, không thấy tiếng tim bệnh lý.

Phổi rì rào phế nang rõ, không ran

Xét nghiệm cận lâm sàng:

- Công thức máu: Hồng cầu: 4,87 T/L, Bạch cầu: 5,59 G/L, Bạch cầu đa nhân trung tính: 2,90 G/L, Tiểu cầu: 183 G/L (trong giới hạn bình thường)

- Sinh hóa máu: Ure: 4,6 mmol/l, Creatinine: 48 umol/l, GOT: 26 U/L, GPT: 30 U/L (trong giới hạn bình thường).

- Đánh giá chức năng tuyến giáp: FT3: 13,4 pmol/l (bình thường: 3,95-6,8), FT4: 30,1 pmol/l (bình thường: 12-22), TSH: 0,005 uU/ml (bình thường 0,27-4,2), TRAb: 0,8 IU/L (bình thường: <0,92)

- Siêu âm tuyến giáp:

+ Thùy phải: Kích thước 3,05x1,85x5,04 cm. Nhu mô 1/3 trên có nhân giảm âm kích thước 0,91x0,62x0,87 cm, bờ rõ (TIRADS 3). Nhu mô 1/3 giữa có nhân hỗn hợp âm, có vôi hóa bên trong, kích thước 2,76x1,87x3,43cm (TIRADS 3).

+ Thùy trái: Kích thước 1,04x0,87x3,64 cm. Nhu mô 1/3 giữa có nhân hỗn hợp kích thước 0,58x0,38x0,63cm, không có vôi hóa bên trong (TIRADS 3).

Kết luận: Nhân hai thùy tuyến giáp.

3730 anh 1 

Hình 1: Nhân hỗn hợp âm kích thước lớn thùy phải tuyến giáp (mũi tên vàng)

- Đo độ tập trung với I-131: sau 2 giờ: 40,4% (tăng), sau 24 giờ: 59,8% (tăng).

- Xạ hình tuyến giáp với Tc-99m trước điều trị:

+ Tuyến giáp ở vị trí bình thường.

+ Hình ảnh khối tăng hoạt độ phóng xạ mạnh khu trú tại thùy phải tuyến giáp (tương ứng với nhân lớn tuyến giáp trên siêu âm) kích thước 3,0 x 3,9 cm, nhân này hoạt động quá mạnh gây tình trạng ưu năng tuyến giáp (nhân độc tự trị), đồng thời át chế làm tổ chức tuyến giáp lành xung quanh không còn hoạt động chức năng.

Kết luận: Hình ảnh nhân “độc” thùy phải tuyến giáp.

 3730 anh 2

Hình 2: Hình ảnh xạ hình tuyến giáp với Tc-99m: nhân “độc” thùy phải tuyến giáp (mũi tên đỏ)

Chẩn đoán xác định: Nhân độc tuyến giáp thùy phải/Tăng huyết áp.

Xử trí: Bệnh nhân đã được hội chẩn hội đồng chuyên môn: có chỉ định điều trị I-131 liều 6,5 mCi, kèm thuốc làm giảm nhịp tim: Betaloc Zok 50mg x 1 viên/ngày kết hợp với thuốc huyết áp Amlor 5mg/ngày. Bệnh nhân được nhận liều điều trị I-131 vào ngày 27/6/2023 với liều 6,5 mCi.

Sau điều trị 1,5 tháng, bệnh nhân đáp ứng tốt, các triệu chứng lâm sàng giảm, bệnh nhân không còn triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực và run 2 tay, sinh hoạt ổn định, tăng 3 kg.

Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cũng cho kết quả tốt, siêu âm tuyến giáp cho thấy kích thước nhân tuyến giáp đã giảm xuống đáng kể.

Đánh giá chỉ số hormon tuyến giáp:

Các chỉ số

Giá trị tham chiếu

Trước điều trị

Sau điều trị 1,5 tháng

FT3(pmol/L)

3,95-6,8

13,4

7,2

FT4(pmol/L)

12-22

33,3

10,6

TSH (uU/mL)

0,27-4,2

0,005

0,012

 - Siêu âm sau điều trị:

+ Thùy phải: Kích thước 2,2x1,4x3,5cm. Nhu mô có nhân hỗn hợp âm, có vôi hóa bên trong, kích thước 2,1x1,2cm (TIRADS 3).

+ Thùy trái: Kích thước 2,1x0,5x3,2cm. Nhu mô có nhân giảm âm kích thước 0,5x0,3cm, không có vôi hóa bên trong (TIRADS 3).

Kết luận: Nhân hai thùy tuyến giáp.

3730 anh 3 

Hình 3: Nhân thùy phải tuyến giáp giảm kích thước so với trước điều trị (mũi tên xanh)

Điện tâm đồ: Nhịp xoang. Tần số đều 88 chu kỳ/phút.

Bệnh nhân được đánh giá đáp ứng tốt, tiếp tục tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan