W.French Anderson, R.Michael Blaese và cộng sự đã công bố công trình điều trị gen thành công đầu tiên năm 1990. Công trình này được thực hiện trên bệnh nhi 4 tuổi, bị bệnh suy giảm miễn dịch nặng, là một bệnh di truyền hiếm gặp.
Điều trị gen được phân chia thành hai loại chính là điều trị gene dòng tế bào gốc (germ line) và điều trị gene dòng tế bào thân (somatic gene). Điều trị gen dòng tế bào gốc là theo phương pháp ghép các gen chức năng vào tế bào gốc hoặc các tế bào sinh sản (tinh trùng và trứng) của cơ thể bệnh nhân. Điều trị gene theo dòng tế bào thân là dùng các gene điều trị đưa vào tế bào thân.
Điều trị gene chủ yếu là làm thay đổi các nguyên liệu của gene (DNA và các gene khác). Các gene này đóng vai trò quyết định các đặc trưng, đặc điểm của từng cá thể. Phương pháp này rất quan trọng và cũng là một lĩnh vực mới để điều trị ung thư. Khả năng và cơ chế chính của phương pháp này là làm đột biến hoặc phá hủy các DNA của các tế bào đang phát triển ngoài kiểm soát của cơ thể để gây ra ung thư. Các công trình nghiên cứu đã thành công trong điều trị gen đối với bệnh ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, xương và bệnh bạch cầu ác tính. Nguyên lý cơ bản là tập trung phá hủy các tế bào ung thư hoặc chống lại sự phát triển của tế bào ung thư, hoặc làm thay đổi khả năng của tế bào bình thường để chống lại các tế bào ung thư.
Nếu ung thư do lỗi hoặc do các gen ghép thì điều trị gen bằng cách thay thế các gen này bằng các gen khỏe mạnh kèm theo đó có thể điều trị gen bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Bằng kỹ thuật ghép gene vào cơ thể bệnh nhân có thể làm cho các tế bào ung thư sản sinh ra các protein ức chế các gene gây ung thư hoặc kích thích các gene kìm hãm ung thư.
Một số nghiên cứu khác cũng đang nghiên cứu đưa các gene vào các tế bào ung thư mục đích làm tăng đáp ứng của các phương pháp điều trị ung thư như điều trị hóa chất, điều trị tia xạ. Ngoài ra còn một số nghiên cứu nữa là nghiên cứu về khả năng làm giảm tác dụng phụ của các thuốc chống ung thư bằng cách làm tăng khả năng kháng lại của các tế bào gốc.
Tuy nhiên, trong điều trị gene, các gen không được trực tiếp ghép vào cơ thể bệnh nhân mà dùng các virus để làm nhiệm vụ này. Các virus sử dụng vào phương pháp điều trị này là các virus retrovirus, adenovirus ( Xem hình minh hoạ dưới đây) , herpes viruses, lentiviruses và poxvirus.
Đôi khi, liposome (một cái nang nhỏ xíu trong tế bào, làm nhiệm vụ tàng trữ và vận chuyển ở bên trong tế bào) cũng được dùng làm chất mang trong điều trị gene. Các virus có thể được dùng cả trong điều trị gene ngoài cơ thể (ex vivo) cũng như trong cơ thể (in vivo). Điều trị gen exvivo là phương pháp thu thập các tế bào tủy xương hay tế bào máu của bệnh nhân. Sau đó, các virus đã có các gen cần thiết để điều trị được đưa vào các tế bào trong phòng thí nghiệm và sau đó mới tiêm vào cho bệnh nhân. Mặt khác, điều trị gene invivo là trực tiếp ghép các virus hoặc các liposome có chứa các gen ấy trong cơ thể bệnh nhân.
Có một điểm lưu ý là điều trị gene không được dùng tự do tùy tiện. Một trong những nguy hiểm của điều trị gene là khả năng nhiễm của các tế bào khỏe mạnh các virus dùng điều trị gene. Mặt khác, các nguyên liệu gen có thể gây ra tai nạn trong tế bào gốc. Sau khi làm thay đổi nguyên liệu có thể chính nó lại gây ra bệnh khác. Một rủi ro khác nữa có thể xuất hiện, nếu ghép gene không đúng với vị trí cần ghép, sự sai lệch vị trí có thể gây ra biến dị gene và thậm chí lại gây ra ung thư. Hiện nay, đang có nhiều nghiên cứu tập trung vào giải quyết, tìm ra các phương pháp để loại bỏ được các nhược điểm, những rủi ro trong điều trị gene. Có như vậy mới thực sự giải phóng những đe dọa do chính điều trị gene gây ra.
Trong vài chục năm gần đây, các nước tiên tiến đã và đang phát triển mạnh điều trị gene, đã có nhiều hội quốc gia, hội quốc tế về điều trị gene. Đặc biệt, điều trị gene trong ung thư, một phương pháp mới đang được thêm vào các phương pháp điều trị ung thư, là một phương pháp đầy triển vọng và hiệu quả.
PGS.TS Mai Trọng Khoa, PGS.TS Trần Xuân Trường
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh việnh Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội