Rối loạn ruột và bàng quang, có vết loét không lành, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, ăn không tiêu, ho dai dẳng hoặc thay đổi tính chất nốt ruồi... có thể là các triệu chứng báo hiệu ung thư.
Ung thư là bệnh lý diễn tiến âm thầm nhưng nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng. Phần lớn bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy, 96% phụ nữ bị ung thư vú tồn tại trong ít nhất một năm, 87% duy trì 5 năm và 78% có thể sống trong 10 năm. Đối với bệnh nhân ung thư da, 88% nam giới sống sót trong 5 năm trở lên. Ở phụ nữ, con số này là 92%. Chỉ có 8% đàn ông ung thư phổi sống sót sau 5 năm, so với ở phụ nữ là 12%.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Đăng Hùng - Trưởng khoa Ung bướu TMMC, bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, nữ giới có tỷ lệ mắc ung thư vú, cổ tử cung, đại tràng, phổi và tuyến giáp cao. Trong khi đó, nam giới phải đối mặt với nguy cơ ung thư phổi, gan, đại tràng, dạ dày và vòm hầu. Tuy nhiên, người bệnh có thể tầm soát ung thư và chữa trị sớm nếu nhận thấy cơ thể có những thay đổi dưới đây.
Rối loạn ruột và bàng quang
Rối loạn ruột thường kèm theo các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa, thói quen đi cầu thất thường, táo bón, tiêu chảy, tiêu đàm máu… Bàng quang khi trục trặc cũng biểu hiện ra bên ngoài như rối loạn đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu buốt và khó, tiểu nhiều lần…
Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
Đi cầu ra máu, đôi khi kèm đàm nhớt có thể là dấu hiệu bệnh ung thư đại tràng.
Nếu gặp triệu chứng này, bạn nên đi khám phụ khoa để xác định nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung. Đi cầu ra máu, đôi khi kèm đàm nhớt phải thăm khám trực tràng để phân biệt trĩ (bệnh lành tính) hay ung thư trực tràng (bệnh ác tính). Phụ nữ có tiết dịch đầu vú, nên đi thăm khám tuyến vú, xét nghiệm để tìm ra tế bào ác tính.
Vết loét không lành
Nếu có vết loét không lành sau một thời gian dài điều trị tích cực, bạn nên thận trọng. Tùy vào vị trí vết loét mà nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Chẳng hạn như đối với vết loét vùng niêm mạc miệng, có thể là bệnh tại chỗ như nhiễm trùng, nhiễm nấm miệng, thiếu vitamin C... hoặc cũng có thể là bệnh toàn thân như bạch cầu cấp.
Vùng da dày lên hoặc nổi khối u
Biểu hiện vùng da đầu, cổ, lưng, bụng, tứ chi… dày lên hoặc nổi khối u thường là những bướu lành tính như bướu bã, bướu sợi, bướu mỡ, bướu thần kinh… Tuy nhiên, người bệnh cần cảnh giác với loại bướu của ung thư trung mô (sarcôm).
Ăn không tiêu hoặc khó nuốt
Thực quản và dạ dày được coi là ống tiêu hóa trên. Khi có rối loạn bất thường, dù nhỏ trong việc nuốt thức ăn như “nghẹn đặc, sặc lỏng”, người bệnh cần chụp X-quang hoặc nội soi thực quản để xác định nguy cơ ung thư thực quản.
Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng
Ho dai dẳng, có đàm, máu nhưng không rõ nguyên nhân... là các triệu chứng đầu tiên của ung thư phổi.
Ung thư phổi không chỉ phổ biến mà còn khó điều trị. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh là ho dai dẳng, ho có đàm, máu nhưng không rõ nguyên nhân. Ung thư phổi thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi hút thuốc lá nhiều, hoặc công nhân tiếp xúc với các chất độc hại như amiang, hắc ín, quặng mỏ, bụi gỗ…
Thay đổi rõ tính chất nốt ruồi
Đa số nốt ruồi là lành tính, chỉ có một số ít ác tính. Bạn nên chú ý đến các nốt ruồi ở vị trí dễ đụng chạm hoặc cọ xát nhiều như da đầu, vùng cằm, vùng mặt, vú, thắt lưng… Cần cảnh giác với nốt ruồi đột nhiên lớn nhanh, đau, ngứa, dễ chảy máu hay ứa dịch... báo hiệu khối u ác tính.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Đăng Hùng, khi thấy cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, người bệnh nên nhanh chóng tầm soát ung thư. Chẩn đoán, phát hiện sớm là cách phòng bệnh chủ động, giúp điều trị kịp thời, tăng cơ hội chữa lành.
Tại khoa Ung bướu TMMC, người trên 40 tuổi thường xuyên hút thuốc lá có thể tầm soát ung thư phổi qua các xét nghiệm CEA, X-quang phổi, CT ngực và nhận tư vấn bác sĩ. Người trên 40 tuổi có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi B, C và nghiện rượu nên tầm soát ung thư gan bằng xét nghiệm AFP, siêu âm an, CT gan. Bác sĩ cũng kiểm tra kháng thể EBV IgA và nội soi vòm họng cho những người có tiền sử gia đình bị ung thư vòm hầu để chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư vòm hầu.
Trên 50 tuổi, nên xét nghiệm tìm máu trong phân hàng năm, xét nghiệm CEA và nội soi đại tràng để tầm soát ung thư đại tràng. Phụ nữ ngoài 30 tuổi có thể tự kiểm tra vú mỗi tháng, nhưng sau tuổi 40 nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần, từ 50 đến 70 tuổi chụp nhũ ảnh 2 năm một lần. Phụ nữ trên 25 tuổi có quan hệ tình dục cần làm Pap'Smear 3 năm một lần cho đến khi 70 tuổi, để xác định nguy cơ ung thư cổ tử cung. Bệnh ung thư tuyến giáp nên thực hiện trong giai đoạn 13-20 tuổi và sau 50 tuổi bằng cách siêu âm tuyến giáp hoặc xét nghiệm FNA nếu cần.
Theo vnexpress