Những hiểu biết cơ bản về xạ trị ung thư vú
Ung thư vú là một trong các bệnh hay gặp nhất và là nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 181.000 trường hợp mới mắc và 46.000 trường hợp tử vong do ung thư vú. Tại Việt Nam, theo số liệu ghi nhận ung thư năm 2010 có sự khác biệt về tỉ lệ mắc ung thư vú giữa 2 miền Bắc và Nam, miền Bắc tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 27,3/100.000 dân, đứng đầu trong các ung thư ở nữ giới; miền Nam có tỉ lệ mắc là 17,1/100.000 dân, đứng hàng thứ 2 sau ung thư cổ tử cung.Điều trị ung thư vú là sự phối hợp điển hình của các phương pháp điều trị tại chỗ, tại vùng (phẫu thuật, xạ trị) với các phương pháp điều trị toàn thân (hóa chất, nội tiết, miễn dịch). Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Xạ trị sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao là các sóng điện từ (tia X, tia Gamma…) hoặc các hạt nguyên tử (electron, nơtron…) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị là phương pháp được đánh giá là hiệu quả và tương đối an toàn trong điều trị ung thư vú ở tất cả các giai đoạn. Theo các nghiên cứu trên thế giới, xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật ung thư vú làm giảm tỷ lệ tái phát và di căn đồng thời kéo dài thời gian sống thêm toàn bộ cho bệnh nhân ung thư vú. Xạ trị cũng được sử dụng điều trị triệu chứng cho một số trường hợp ung thư vú giai đoạn di căn.
Chỉ định xạ trị trong điều trị ung thư vú phụ thuộc vào phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú hay phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và có hay không di căn hạch vùng bao gồm hạch nách, hạch thượng hạ đòn, hạch vú trong. Xạ trị ung thư vú thường được bắt đầu sau phẫu thuật một tháng, sau khi vết mổ đã liền sẹo. Xạ trị thường được chỉ định sau khi kết thúc hóa trị và trước khi điều trị nội tiết.
Xạ trị bao gồm xạ trị chiếu ngoài (bằng máy Cobalt, máy gia tốc) và xạ trị áp sát (sử dụng các nguồn xạ đặt áp sát hoặc cắm trực tiếp vào vùng tổn thương). Xạ trị chiếu ngoài được sử dụng 5 lần mỗi tuần, trong 5- 7 tuần, mỗi lần 5-10 phút.
Hình ảnh xạ trị ung thư vú bằng máy gia tốc tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Xạ trị không được áp dụng cho phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh lý liên quan tới mô liên kết như xơ cứng bì, viêm mạch máu.
Các tác dụng phụ sớm có thể gặp phải do xạ trị:
- Vài ngày sau xạ trị bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Các triệu chứng này sẽ mất dần do cơ thể thích nghi với tia xạ.
- Phản ứng da và niêm mạc tùy thuộc vào liều xạ (viêm đỏ da, bỏng da…) Có thể làm tăng sức chịu đựng của da bằng cách bôi lớp kem dưỡng và làm mềm da.
Hình ảnh bệnh nhân viêm đỏ da vùng xạ trị bệnh ung thư vú ((vùng da trong vòng tròn đỏ).
Các tác dụng phụ muộn do xạ trị:
- Tổ chức phần mềm vùng chiếu xạ bị xơ hóa và teo nhỏ
- Viêm phổi do xạ trị
- Thiếu máu cơ tim do xạ trị ung thư vú trái
Với các kỹ thuật và máy xạ hiện đại đang được áp dụng trong điều trị ung thư vú nên các tác dụng phụ được giảm thiểu đáng kể.
Lê Viết Nam