Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư vú

Ngày đăng: 24/04/2018 Lượt xem 2542
1.Bệnh ung thư vú là gì?

Ung thư vú là bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào bất thường của tuyến vú, thường gặp ở nữ giới độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Đây là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và gây tử vong hàng đầu ở nữ.

Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN 2012, ung thư vú chiếm 20,3% số bệnh nhân mắc ung thư mới và 13 % số tử vong do ung thư ở phụ nữ.

2.Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú.



2.1.Giới tính, tuổi

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 100 lần nam giới. Thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.

2.2.Gen

Khoảng 5-10 % bệnh nhân ung thư vú có đột biến gen. Các đột biến gen thường gặp trong ung thư vú bao gồm:

-Gen BRCA1 nằm trên nhiễm sắc thể 17 và gen BRCA2 nằm trên nhiễm sắc thể 13. Bình thường, 2 gen này có vai trò sửa chữa ADN hình thành tế bào, đột biến Gen BRCA1 và BRCA2 dẫn đến sự phát triển các dòng tế bào bất thường dẫn đến ung thư. Những người mang đột biến 2 gen này có nguy cơ mắc ung thư vú ở tuổi trẻ, ung thư vú cả 2 bên cũng như có nguy cơ cao phát triển thêm các loại ung thư khác đặc biệt ung thư buồng trứng.

-Các đột biến khác như: đột biến gen ATM; TP53; PTEN; CDH1; STK11; PALB2 là các đột biến hiếm có thể gặp trong bệnh ung thư vú.

-Hiện nay, xét nghiệm gen có thể phát hiện được các đột biến Gen BRCA1 và BRCA2; TP53 giúp tiên lượng, sàng lọc các bệnh nhân ung thư vú.

2.3.Di truyền

-Khoảng 15 % phụ nữ bị ung thư vú có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú trước đó.

-Nếu gia đình có 1 người bị ung thư vú (mẹ, dì, chị em gái ruột) nguy cơ mắc ung thư vú tăng gấp đôi. Có 2 người bị ung thư vú nguy cơ tăng gấp 3 lần. Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị ung thư vú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người khác.

2.4.Tuổi hành kinh sớm và mãn kinh muộn

Những người có tiền sử hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người khác.

2.5.Không sinh con hoặc không cho con bú

Không sinh con hoặc sinh con muộn (sau 30 tuổi), không cho con bú gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

2.6.Tiền sử xạ trị vào vùng ngực

Những người có tiền sử tia xạ vào vùng ngực (đặc biệt trước 40 tuổi) làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

2.7.Chế độ ăn, béo phì

-Phụ nữ uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ và đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

- Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, hầu hết estrogen được sản xuất từ buồng trứng, một lượng rất nhỏ estrogen được sản xuất từ mô mỡ. Sau mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động, phụ nữ thừa cân, béo phì có lượng estrogen cao trong máu do đó tăng nguy cơ bị ung thư vú. Ngoài ra, ở những người béo phì, lượng insulin trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư trong đó có ung thư vú.

2.8.Ít vận động

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rắng ít vận động cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Hoạt động cơ thể cường độ mạnh ít nhất 2 giờ/tuần làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

2.9.Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone

Phụ nữ có tiền sử dùng thuốc tránh thai, sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh làm tăng nguy có mắc bệnh ung thư vú.

Bệnh ung thư vú có thể phòng tránh được bằng cách hạn chế các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh (hạn chế sử dụng liệu pháp hormone thay thế, giảm cân, tăng cường vận động…) đồng thời bạn hoàn toàn có thể phát hiện sớm được bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở y tế hàng đầu trong tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Bạn đến trực tiếp phòng 100B, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội để được khám, tư vấn về bệnh, cách phòng tránh bệnh, điều trị bệnh.

Nguyễn Thị Hoa Mai

Tin liên quan