Những nguyên tắc "vàng" khi điều trị ung thư
Chế độ dinh dưỡng là điều kiện quan trọng để khống chế sự lây lan của tế bào ung thư và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Ung thư đang tăng nhanh tại Việt Nam, với tỉ lệ trung bình khoảng 150.000 ngàn ca bệnh mới mỗi năm.
1. Phát hiện kịp thời
Bệnh ung thư rất nguy hiểm, vì vậy dù còn trẻ các bạn cũng nên khám sức khoẻ định kỳ. Đây là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ chính bạn và ngăn chặn ung thư. Sự thực, công việc đơn giản này lại rất ít khi được mọi người quan tâm, hoặc có quan tâm thì cũng thực hiện thiếu nghiêm túc.
Bệnh nhân có thể gặp các dạng ung thư rất điển hình về gan, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng… nhưng đáng tiếc, rất nhiều trong số này tìm đến bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Khi ấy, những phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… khó lòng phát huy tác dụng.
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng là điều kiện quan trọng để khống chế sự lây lan của tế bào ung thư và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân ung thư gan, thông thường nên ăn các chất giàu protein, ít mỡ, ít béo, thức ăn dễ tiêu hóa, đặc biệt là hoa quả tươi. Có thể ăn nhiều bữa một ngày. Đặc biệt, khi bệnh ở giai đoạn cuối thì cần chú ý khống chế lượng chất protein vào cơ thể để tránh tình trạng hôn mê do gan gây ra.
Bệnh nhân ung thư vú nên chọn các thực phẩm có khả năng điều tiết, thông khí như: hải sâm, rong biển, gà đen… Nên ăn nhiều hoa quả và kiêng rượu, thuốc, thực phẩm cay nóng, hun khói, tẩm ướp, nướng…
Bệnh nhân ung thư dạ dày khi ăn uống cần nhai chậm nuốt kỹ, ăn ít một và chia làm nhiều bữa trong ngày. Nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít chất xơ. Phương pháp nấu ăn nên áp dụng là hầm, nấu, hấp. Không nên rán, hun khói, muối ướp, đặc biệt các loại dưa muối, nộm sống.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung nên ăn các thực phẩm có thể vừa chọn dùng để chống ung thư vừa chống xuất huyết cổ tử cung: ý dĩ, ô mai, ba ba, cá ngựa, hải sâm, vây cá, mộc nhĩ đen, nấm, sứa, sơn trà, đậu xanh…
3. Lạc quan
Ung thư có thể chữa được hay ít ra có thể khống chế được. Vì vậy, người bệnh không được có tâm lý buông xuôi, bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Nghị lực sống và tinh thần lạc quan là một yếu tố cực kỳ quan trọng với các bệnh nhân điều trị ung thư và đôi khi tạo nên sự khác biệt rất quan trọng.
Với sự phát triển của y học hiện nay, tỷ lệ sống sót nếu nhiễm ung thư đã lên tới 30% so với tỷ lệ 10% ngày trước. Bạn có thể được kéo dài cuộc sống thêm 5 năm nếu đã mắc ung thư cũng là chuyện rất phổ biến. Hãy nhớ, y học ngày nay phát triển không ngừng, trong khi căn bệnh nan y nào cũng chỉ là sự tồn tại mang tính giai đoạn. Trước ung thư, lao phổi cũng là một căn bệnh nan y và đã hoàn toàn được khắc phục. Còn với ung thư, trong 30 năm trở lại đây, các thành tựu y học và các nghiên cứu về nó đã có những tiến bộ rất cơ bản.
4. Tỉnh táo khi chọn nơi điều trị
Người ta thường nói tới khái niệm may mắn khi chữa ung thư. Tuy nhiên, may mắn ấy phụ thuộc vào bước đầu tiên, khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh và lên phương án điều trị. May mắn là khi họ sẽ tìm được những bác sĩ tốt và những phương pháp điều trị phù hợp.
Các bệnh nhân mắc ung thư được khuyên nên tìm tới những bệnh viện lớn, hiện đại và do nhà nước quản lý - dù là ở trong nước hay nước ngoài thay vì tin tưởng vào các phòng khám sơ sài, hoặc các bệnh viện tư nhân không rõ xuất xứ.