Niềm hy vọng kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư

Ngày đăng: 22/06/2022 Lượt xem 3810
GS, TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Phương pháp Theranostic - cứu cánh cho bệnh nhân ung thư 

Một bệnh nhân người nước ngoài phát hiện ung thư tuyến tiền liệt di căn vào tháng 12/2014, đã được phẫu thuật, xạ trị, hoá trị,… nhưng sau đó đã kháng tất cả phương pháp điều trị trước đó.

Kết quả chụp PET/CT cho thấy, tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể với những tổn thương di căn xương đa ổ. Bệnh nhân đang ở giai đoạn rất muộn, cuộc sống chỉ còn được tính bằng tháng...

Trên bề mặt tế bào ung thư của bệnh nhân mang kháng nguyên màng đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định điều trị đích bằng cách sử dụng thuốc phóng xạ PSMA-11. Sau 3 chu kỳ tấn công bằng xạ trị, các tổn thương đã bị loại bỏ. Chất chỉ điểm ung thư này là PSA từ hơn 2.900 đã trở về bình thường.

GS, TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp bệnh nhân này được kéo dài sự sống hơn 6 năm qua. Kết quả này cho thấy, phương pháp chẩn đoán và điều trị đích đang là cứu cánh cho bệnh nhân ung thư.

GS Khoa cho biết, trước đây, khi đã có chẩn đoán bệnh, chúng ta thường điều trị cho người bệnh theo nguyên tắc: “Y học phổ thông”, nghĩa là "một loại thuốc phù hợp với tất cả", nay sang y học cá thể hóa.

Tức là, các bệnh nhân có thể chẩn đoán bệnh giống nhau (cùng bệnh), nhưng không hẳn là có phác đồ điều trị và thuốc điều trị giống nhau, mà là thuốc và phác đồ điều trị được thay đổi cho phù hợp với từng cá thể người bênh. Điều này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong y học, đó là điều trị đích và điều trị miễn dịch….

Tuy nhiên, để có thể cá thể hóa cho điều trị người bệnh (tức là phải tìm được đích điều trị trên mỗi người bệnh) một cách chính xác và hiệu quả thì trước hết phải tìm được đích chẩn đoán trên chính người bệnh đó.

Xuất phát ý tưởng này người ta đã đưa ra khái niệm và thuật ngữ: “Theranostic”, để chỉ một kết nối mật thiết giữa chẩn đoán và điều trị cụ thể hơn cho từng cá thể người bệnh (cá thể hóa). Từ đó tạo ra một kết quả chẩn đoán chính xác, đem lại được hiệu quả điều trị cao, an toàn và kinh tế hơn.

Theo bác sĩ Khoa, để có thể thực hiện được Theranostic, trước hết chúng ta phải tìm được tế bào đích, phân tử đích, mô bệnh đích … thực sự để cho mục đích vừa chẩn đoán, vừa để điều trị. Khi chúng ta sử dụng thuốc phóng xạ thì thuốc này phải gắn được đặc hiệu vào tế bào, phân tử, mô bệnh đích đã biết trước này.

Cơ chế điều trị đặc hiệu của phương pháp này chính là việc phải tìm ra được các thụ thể (receptor), hay các kháng nguyên đặc hiệu, đặc trưng đại diện riêng cho tế bào ung thư đó, được ví như một “ổ khoá”. Sau đó dùng một chất để có thể gắn đặc hiệu với các thụ thể đã được tìm thấy này, và được ví như một “chìa khoá” chỉ để dành riêng để cho duy nhất ổ khoá đã tìm thấy.

Điều đặc biệt là “chiếc chìa khoá” này sẽ được gắn với một đồng vị phóng xạ phát tia bêta hoặc alpha, là những đồng vị phóng xạ có mức năng lượng rất thấp, khả năng đâm xuyên và quãng chạy của chúng trong tổ chức chỉ được vài milimet.

Vì vậy, khi chúng ta tiêm các chất đã được đánh dấu phóng xạ (chiếc chìa khoá đã đánh dấu phóng xạ) vào trong cơ thể, những chất chìa khoá này sẽ tự tìm đến và gắn chính xác vào các tế bào khối u ác tính có các vị trí gắn đặc hiệu chỉ dành riêng cho chúng (chính là các ổ khoá đã được tìm thấy).

Khi đó, các tế bào khối u sẽ bị tiêu diệt bởi các chất phóng xạ một các rất chọn lọc, nhưng các tế bào lành chung quanh ít hoặc bị ảnh hưởng không đáng kể. Nên phương pháp điều trị này sẽ có hiệu quả tiêu diệt khối u rất cao nhưng bảo vệ tối đa các tổ chức lành, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu các tác dụng phụ đến mức thấp nhất có thể.

"Theragnotic là một xu hướng mới của y học hiện đại. Vì vậy có thể nói: “Chúng ta điều trị đối tượng mà ta nhìn thấy và thấy được kết quả mà ta điều trị”.

Việc này rất có ích trong việc điều trị đúng đối tượng và đánh giá sớm đáp ứng điều trị và dự phòng biến chứng. Đem lại một kết quả chẩn đoán chính xác, hiệu quả điều trị cao, an toàn, kinh tế cho từng cá thể điều trị", bác sĩ Khoa cho hay.

Đặc biệt, phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả đối với một số loại ung thư như ung thư tuyến giáp thể biệt hoá; ung thư tuyến tiền liệt tái phát, di căn; ung thư gan, u thần kinh nội tiết… Đặc biệt với u thần kinh nội tiết (Net)- loại u rất khó chữa và hay tái phát vì không có thuốc đặc hiệu, đây được xem là phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Theo bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, các kỹ thuật điều trị ung thư từ trước đến nay chỉ tìm được tế bào ung thư, không tìm được ổ khóa của ung thư, không có công nghệ để phát hiện ra ổ này.

Theranostic là phương pháp kết hợp miễn dịch, điều trị đích, điều trị phóng xạ - là phương pháp cuối cùng nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.

“Đây là xu hướng mới của học hiện đại. Do tìm được tế bào đích, phân tử đích của bệnh nhân, giúp điều trị đúng đối tượng và đánh giá sớm đáp ứng điều trị và dự phòng biến chứng. Phương pháp này đem lại một kết quả chẩn đoán chính xác, hiệu quả điều trị cao, an toàn, kinh tế cho từng cá thể điều trị”, bác sĩ Phương cho hay.

Niềm hy vọng kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư -0 Bác sĩ Phương khám cho bệnh nhân.

Việt Nam chỉ chờ có thuốc phóng xạ đặc hiệu

Giáo sư Mai Trọng Khoa cho biết, hiện nay, phương pháp này đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào triển khai thành công. 

Nếu Việt Nam triển khai được phương pháp này, người bệnh sẽ có cơ hội kéo dài sự sống, không cần phải tốn nhiều chi phí để ra nước ngoài. "Một ca bệnh điều trị bằng phương pháp này ở nước ngoài tốn kém gấp nhiều lần điều trị ở Việt Nam, chưa kể người bệnh sẽ phải tốn kém chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian chữa bệnh", bác sĩ Khoa cho hay. 

Hiện nay Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã có đủ điều kiện về nhân lực thiết bị máy móc, cơ sở vất chất để tiến hành kỹ thuật chẩn đoán và điều trị kết hợp Theranostic.

Tuy nhiên, khó khăn nhất chính là cần phải có các thuốc phóng xạ đặc hiệu mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương bày tỏ hy vọng trong thời gian tới  Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế sẽ cấp phép để nhập loại thuốc phóng xạ này về Việt Nam, để người bệnh ung thư được tiếp cận phương pháp mới, hiện đại và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Theo nhandan.vn

Tin liên quan