Phát hiện sớm có thể làm tăng hiệu quả điều trị với phẫu thuật tương đối đơn giản. Ngược lại, khi bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn hạch hoặc di căn xa thì hiệu quả điều trị thấp, tiên lượng rất xấu.
Tiếp xúc với tia cực tím của ánh nắng mặt trời được ghi nhận là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh UHTAT. Nguy cơ mắc bệnh UHTAT ở thế hệ thứ hai tăng gấp 4 lần.
UHTAT có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể hay gặp ở các vị trí hay cọ sát: gót chân, cơ quan sinh dục....
Hơn 90% là UHTAT của da, trong đó 70% xuất hiện trên nền một nốt ruồi đã có từ trước. U thường phát triển lồi lên mặt da màu đen nhánh, đôi khi có màu đỏ hoặc trắng. Ngoài ra còn có thể gặp UHTAT ở võng mạc mắt, màng não, các hốc tự nhiên, đại trực tràng, gan. Tuỳ theo vị trí giải phẫu của u mà nó có các triệu chứng mượn của các loại bệnh đặc trưng cho vị trí giải phẫu đó.
Khoảng 5% các trường hợp UHTAT không sinh sắc tố, tổn thương chỉ là một cục thịt lồi lớn dần, chỉ có thể chẩn đoán được bằng mô bệnh học.
Triệu chứng điển hình của UHTAT là sự thay đổi tính chất của một nốt ruồi cũ, một tổn thương tăng sắc tố cũ, hoặc ngay trên nền da bình thường. Những thay đổi này được chú ý theo mức độ quan trọng từ nhiều tới ít gồm 3 nhóm:
1. Nhóm triệu chứng có giá trị gợi ý cao: thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc.
2. Nhóm triệu chứng có giá trị gợi ý trung bình: phản ứng viêm tấy, bong vẩy hoặc chảy máu, thay đổi cảm giác, đường kính nốt ruồi trên 7 mm.
3. Nhóm triệu chứng có giá trị gợi ý thấp: mất tính đối xứng, bất thường về màu sắc, tổn thương nhô cao lên mặt da, thay đổi bờ của thương tổn.
Bệnh rất hay di căn hạch và di căn xa và khoảng 6% UHTAT có di căn hạch, nhưng không rõ u nguyên phát.
Ung thư hắc tố có thể di căn theo nhiều đường khác nhau:
- Đường trong da tạo nên các nhân vệ tinh quanh u.
- Di căn theo đường bạch mạch đến hạch
- Di căn theo đường máu tới não, gan, xương, phổi…
Cắt rộng toàn bộ vị trí tổn thương nghi ngờ, với diện cắt từ 1,5 đến 2 cm, để chẩn đoán giải phẫu bệnh được coi là biện pháp tích cực nhất để chẩn đoán xác định cũng như điều trị khỏi các UHTAT còn khu trú tại chỗ. Khi u xâm lấn rộng, và di căn xa thì điều trị rất khó khăn và tiên lượng bệnh xấu.
Bệnh kháng với hóa trị liệu cũng như xạ trị, tuy nhiên hóa trị và xạ trị có thể giúp điều trị triệu chứng cho những bệnh nhân UHTAT giai đoạn muộn. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như: điều trị miễn dịch, hóa trị liều cao biệt lập chi tuy nhiên hiệu quả cũng không cao.
Khi UHTAT di căn xương, não có thể xạ trị triệu chứng vào tổn thương di căn não, xương bằng máy gia tốc hoặc xạ phẫu bằng dao gamma quay vào tổn thương di căn não, tuy nhiên hiệu quả không cao.
Tóm lại, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, tự khám da toàn thân định kỳ hàng tháng. Với nốt ruồi mà có thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc các tổn thương tăng sắc tố trên da có tính chất: tiến triển nhanh, sùi loét, chảy máu thì cần phải đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
PGS.TS. Mai Trọng Khoa, Ths.Bs. Phạm Cẩm Phương
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai