Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư đại tràng (ruột già) là dạng ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên Thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày, với 639.000 ca mỗi năm.
Tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới là tương đương nhau. Ung thư ruột già là dạng ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư phổi, ung thư bao tử, ung thư gan. Còn ở phái nữ, nó đứng sau ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày.
Ung thư đại tràng (UTĐT) xuất hiện khi các tế bào ở kết tràng và trực tràng tăng sinh bất thường và phân chia vô độ, tạo thành khối u. (Kết tràng và trực tràng là một phần của hệ tiêu hóa có chức năng khử nước và dưỡng chất khỏi thực phẩm và giữ lại chất thải rắn cho tới được bài tiết khỏi cơ thể). Tế bào ung thư tấn công và triệt tiêu mô xung quanh. Chúng cũng có thể tách khỏi khối u và lan ra hình thành khối u mới ở các bộ phận khác.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Thực phẩm giàu chất xơ có thể hạn chế ung thư đại tràng.
Nguyên nhân chính xác dẫn tới UTĐT hiện vẫn chưa được y học xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ gia tăng ung thư có liên quan đến một số yếu tố như:
- Độ tuổi: UTĐT có nhiều khả năng xảy ra ở người lớn tuổi. Mặc dù bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng hầu hết người mắc bệnh đều trên 50.
- Polyp (Bướu thịt): Là cấu trúc mô tăng sinh lồi lên từ nội mạc ruột già hoặc ruột thẳng, polyp thường gặp ở người trên 50 tuổi. Hầu hết polyp là lành tính (không phát triển thành ung thư). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đa phần các ca UTĐT đều phát triển từ polyp. Sớm tầm soát và cắt bỏ cấu trúc bất thường này có thể giúp ngăn ngừa UTĐT.
Familial adenomatous polyposis (FAP – chứng đa polyp có yếu tố di truyền) là bệnh di truyền hiếm với hàng trăm polyp phát triển trong ruột già và ruột thẳng. Do bệnh có nguy cơ cực kỳ cao dẫn tới UTĐT nên thường được chữa trị bằng phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và trực tràng.
- Tiền sử bản thân: Người từng bị UTĐT có nguy cơ cao tái phát bệnh. Ngoài ra, các nghiên cứu nhận thấy một số phụ nữ có tiền sử mắc ung thư buồng trứng, cổ tử cung hoặc tuyến vú có nguy cơ bị UTĐT cao hơn bình thường.
- Tiền sử gia đình: Họ hàng gần (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con) của bệnh nhân cũng có khả năng mắc bệnh, đặc biệt nếu người đó phát bệnh lúc trẻ. Nếu gia đình có nhiều người bị UTĐT thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn.
- Viêm loét đại tràng hay viêm ruột mãn tính: Bệnh gây viêm và loét nội mạc ruột già. Viêm ruột mãn tính thường xảy ra ở hệ ruột – dạ dày, phần lớn là ruột non. Người bị viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột mãn tính có nguy cơ mắc UTĐT cao hơn người không bị một trong hai bệnh này.
Phòng bệnh như thế nào?
- Chế độ ăn uống
Một số bằng chứng khoa học chỉ ra rằng quá trình hình thành UTĐT có thể liên quan với chế độ ăn uống nhiều chất béo và calorie, ít thực phẩm chứa chất xơ, như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ.
- Tập thể dục
Nhiều nghiên cứu chứng minh lối sống ít vận động có thể gia tăng nguy cơ UTĐT. Ngược lại, những người tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ phát bệnh.
(Theo Reader’s Digest, WHO)