Bệnh nhân có khối u lớn ở bụng được phẫu thuật và điều trị kịp thời tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 22/05/2020 Lượt xem 10124

 

 

GS.TS. Mai Trọng Khoa,

PGS. TS. Phạm Cẩm Phương, BSNT. Hoàng Công Tùng,

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

 

Bệnh nhân     : Nguyễn H.T., nam, 51 tuổi          

Địa chỉ           : Ch. L. – Hải Dương.

Nghề nghiệp  : Tự do

Vào viện        : 15h30 ngày 03/02/2020.

Lý do vào viện: đau tức bụng

 

Bệnh cảnh.

-      Khoảng tháng 2/2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân, bụng to dần và kèm theo đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, không sốt, không rối loạn đại tiện, ăn uống bình thường, bệnh nhân đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng… Kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy có hình ảnh khối lớn vùng giữa bụng, kích thước 23x26cm, tỷ trọng hỗn hợp âm bao gồm phần mỡ, tổ chức, vôi hóa. Bệnh nhân được nhập viện để chẩn đoán và điều trị.

-      Tiền sử: Không mắc bệnh nội khoa gì trước đây, gia đình có bố bị ung thư phổi, em trai bị ung thư xương.

Khám lúc vào viện

-      Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt.

-      Thể trạng trung bình, cao: 171cm, nặng: 70kg.

-      Đau tức âm ỉ vùng quanh rốn, không nôn, không rối loạn đại tiện, không sốt.

-      Mạch: 80 lần/phút, huyết áp: 120/70mmHg.

-      Khám bụng: Bụng mềm, sờ thấy 1 khối cứng chắc vùng trên rốn ranh giới rõ, kích thước khoảng 20x22cm, ấn tức, di động hạn chế, da vùng bụng bình thường.

-      Tim đều T1, T2 rõ, không có tiếng tim bệnh lý,

-      Phổi 2 bên rì rào phế nang rõ, không có rales.

-      Các cơ quan khác hiện chưa phát hiện gì bất thường.

Kết quả cận lâm sàng

-      Công thức máu: bình thường.

-      Sinh hóa: men gan, thận, điện giải đồ: bình thường.

-      Chất chỉ điểm u: CEA(Carcinoembryonic Antigene): 2,8ng/ml, CA19-9: 4,1U/ml, CA 72-4 (Cancer Antigene): 1,06U/ml, AFP (Alpha-fetoprotein): 4,25 ng/ml.

-      Nội soi dạ dày: Viêm dạ dày.

-      Nội soi đại tràng: Bình thường.

-      Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: hiện tại chưa phát hiện gì bất thường.

-      Siêu âm ổ bụng: Vùng thượng vị và hạ sườn hai bên khảo sát thấy khối tăng âm không đồng nhất, kích thước lớn choán chỗ, đè đầy các tạng.

H1

Hình 1: Hình ảnh khối u mỡ trên siêu âm

-      Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang:

Vùng giữa bụng có khối tỷ trọng hỗn hợp kích thước lớn 23x26cm, gồm phần mỡ, tổ chức vôi hóa không đồng nhất, ranh giới rõ (hình ảnh nghĩ tới Teratoma).

H2

Hình 2: Hình ảnh khối u trong ổ bụng đè đẩy các tạng

 

Chẩn đoán trước mổ: Liposarcoma ổ bụng.

Bệnh nhân đã được hội chẩn, hội đồng chỉ định phẫu thuật lấy u tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 7/2/2020.

Biên bản phẫu thuật:

-      Rạch da đường trắng giữa từ mũi ức tới xương mu.

* Thăm dò: Toàn bộ ổ bụng chứa một khối u rất lớn kích thước 40x30cm, nhắn chiếm gần hết ổ bụng, tương đối di dộng, mật độ không đồng nhất, đè đẩy các tạng xung quanh, chân xuất phát từ sau phúc mạc vị trí hậu cung mạc nối.

-      Gan hồng mềm mại, tĩnh mạch không giãn, tụy bị đẩy xuống dưới, mỏng áp sát vào u, lách đẩy sang thành bụng trái, ruột non đại tràng bị đẩy xuống tiểu khung.

* Chẩn đoán: U mỡ sau phúc mạc nghi ung thư.

* Tiến hành: Phẫu tích bóc theo vỏ u, giải phóng các tạng xung quanh như dạ dày, lách, đại tràng ngang ra gặp nhiều khó khăn do kích thước u quá lớn.

-      Bóc u khỏi thành sau ổ bụng.

-      Cầm máu diện cắt.

-      Khâu phục hồi phúc mạc thành sau và hậu cung mạc nối.

-      Lau rửa sạch ổ bụng, cầm máu diện phẫu tích.

-      Đặt 01 dẫn lưu ở hậu cung mạc nối.

-      Đóng bụng 02 lớp.

-      Khối u cân được 5,8kg gửi làm giải phẫu bệnh.

Kết quả mô bệnh học sau mổSarcoma mỡ biệt hóa cao.

H3

Hình 3: Hình ảnh khối u trong quá trình phẫu thuật.

 

H4

Hình 4: Hình ảnh khối u khi được đưa ra khỏi ổ bụng.

 

H5

Hình 5: Khối u có trọng lượng 6kg (sau phẫu thuật).

 

PET/CTsau mổ: Hình ảnh phần mềm dưới da vùng thắt lưng phải tăng hấp thu FDG (18F-2-deoxy-D-glucose).
Hình ảnh phần mềm thành bụng vết mổ cũ tăng hấp thu FDG (18F-2-deoxy-D-glucose), giãn phế nang rải rác hai phổi.

H6.

Hình 6: Hình ảnh PET/CT sau mổ

 

Chẩn đoán sau mổ: Sarcoma mỡ ổ bụng T4N0M0, giai đoạn IIIB đã phẫu thuật, Giải phẫu bệnh: Sarcoma mỡ biệt hóa cao.

Sau mổ 3 tuần: Tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh nhân được chỉ định điều trị bổ trợ sau mổ và chúng tôi hy vọng bệnh nhân sẽ ổn định bệnh.

Vài nét về bệnh ung thư phần mềm

Sarcomas là một bệnh lý ung thư bắt đầu trong các mô như xương và mô mềm, đây là danh từ chỉ một nhóm lớn nhưng hiếm gặp của các loại ung thư. Mô mềm hỗ trợ, kết nối, bao quanh các phần của cơ thể. Các sarcoma mô mềm thường gặp hơn sarcoma xương.

-      Sarcoma mô mềm (SCMM) là ung thư của mô liên kết, bao gồm nhóm thứ nhất xuất phát từ các tế bào của mô liên kết có nguồn gốc trung mô trừ xương, tạng, võng nội mô và nhóm thứ hai xuất phát từ các tế bào của mô thần kinh ngoại vi. Có hơn 50 loại sarcoma mô mềm, chúng khác nhau về chủng loại và hình dáng tế bào. Các loại sarcoma mô mềm thường gặp như:

-      Sarcoma đa hình không biệt hóa (Undifferencetiated pleomophic sarcoma).

-      U mô đệm dạ dày ruột (GIST – Gastrointestinal Stromal Tumor).

-      Sarcoma mỡ (Liposarcoma).

-      Sarcoma cơ trơn (leiomyosarcoma).

-      Khối u thần kinh ngoại vi ác tính....

Về nguyên nhân, các thuốc trừ sâu diệt cỏ, đặc biệt chất Digoxin và một số chấn thương và phóng xạ có liên qua đến sự xuất hiện của SCMM nhưng chưa được chứng minh rõ ràng.

Sarcoma mỡ là loại sarcoma mô mềm phổ biến thứ 2 ở người lớn. Thường xảy ra ở độ tuổi (50-80 tuổi), gặp ở nam nhiều hơn nữ, gặp ở chi dưới nhiều hơn chi trên, cũng có thể gặp ở các vị trí khác như khoang sau phúc mạc với sarcoma mỡ trong bụng và có thể tạo thành các khối sarcoma mỡ khổng lồ.

Trong những năm gần đây đã có những tiến bộ mới trong chẩn đoán và hóa chất điều trị sarcoma mô mềm mang lại nhiều hứa hẹn và hy vọng sẽ cải thiện tốt hơn tiên lượng với nhóm bệnh nhân này.


ungthubachmai.vn

Tin liên quan