Bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn muộn đã liệt, phục hồi sau điều trị

Ngày đăng: 21/09/2018 Lượt xem 6630
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính tại tuyến tiền liệt, xuất phát từ tế bào biểu mô của tuyến. Hiện nay, tỉ lệ mắc ngày càng tăng. Tại Việt Nam theo GLOBOCAN 2012, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 8 về tỉ lệ mắc trong các bệnh ung thư, ước tính có 1208 ca mới mắc và 726 ca tử vong. Khoảng 2/3 các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm, 1/3 còn lại phát triển nhanh và di căn sớm.

Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, âm thầm nên bệnh nhân thường đến viện với các triệu chứng của giai đoạn muộn như: rối loạn tiểu tiện, đau cột sống, yếu liệt chi dưới…

Việc điều trị cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, bao gồm: điều trị tại chỗ, tại vùng, toàn thân. Nguyên tắc điều trị dựa vào phân độ nguy cơ tái phát (5 mức độ: nguy cơ rất thấp, nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao) và tình trạng bệnh nhân cụ thể mà áp dụng các phương pháp điều trị đơn thuần hay phối hợp. Các mức độ nguy cơ được chia theo: giai đoạn bệnh TNM, PSA huyết thanh, thang điểm GLEASON, thời gian sống còn mong đợi.

Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: phẫu thuật (mở, nội soi, robot), xạ trị (chiếu ngoài, áp sát), nội tiết (cắt tinh hoàn bằng phẫu thuật, dùng thuốc nội tiết), hóa chất (docetaxel, prednisolon…), điều trị kháng cắt tinh hoàn. Điều trị nội tiết hiện nay được xem là điều trị cơ bản cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển.

Nguyên lý của phương pháp điều trị nội tiết là dùng những thuốc chống lại hoạt động của androgen và sự tăng sinh của tuyến tiền liệt, bao gồm những chất là nội tiết tố và những chất không phải nội tiết tố. Các dạng điều trị nội tiết bao gồm: cắt tinh hoàn, kháng androgen (steroid, non-steroid), ức chế tổng hợp nội tiết tố nam.

Hiệu quả điều trị:
  • Đối với bệnh tiến triển tại chỗ có triệu chứng: cải thiện thời gian sống thêm.
  • Di căn hạch: kéo dài thời gian sống bệnh không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ.
  • Di căn xa không triệu chứng: làm chậm diễn tiến bệnh sang giai đoạn có triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng do diễn tiến nặng.
  • Di căn xa có triệu chứng: thuyên giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề do bệnh tiến triển (chèn ép tủy, gãy xương bệnh lý, chèn ép niệu quản, di căn các cơ quan khác ngoài xương).
  • Điều trị phối hợp phương pháp nội tiết với xạ trị cho nhiều kết quả khả quan vì tăng tỉ lệ sống thêm toàn bộ, sống thêm không bệnh và giảm tỉ lệ tử vong do ung thư, đặc biệt với nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
  • Ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển chậm, nếu phát hiện kịp thời ở giai đoạn sớm, tỉ lệ chữa khỏi bệnh cao. Tuy nhiên vẫn có 1 tỉ lệ nhất định bệnh nhân khi được phát hiện đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị giảm nhẹ triệu chứng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Dưới đây là một trường hợp lâm sàng của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn, được chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh cảnh:

Bệnh nhân Bạch Ngọc H, nam, 69 tuổi, nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai tháng 10/2017 trong tình trạng tiểu khó, đau cột sống kèm yếu 2 chi dưới tăng dần.

Khám lúc vào viện:
  • Bệnh nhân tỉnh, không sốt
  • Tiểu khó, nước tiểu vàng.
  • Thể trạng trung bình: cao 169 cm, nặng 60 kg.
  • Mạch: 76 lần/phút, Huyết áp: 120/70 mmHg
  • Da, niêm mạc hồng.
  • Nhiều hạch cổ 2 bên.
  • Hạch thượng đòn trái kích thước 2x1,5 cm, mật độ chắc, không đau.
  • Không phù, không xuất huyết dưới da.
  • Nhịp tim đều, tiếng tim rõ, không có tiếng thổi bệnh lý.
  • Phổi thông khí đều 2 bên, không rales.
  • Bụng mềm, gan lách không sờ thấy.
  • Không có cầu bàng quang.
  • Cơ xương khớp: Đau nhiều dọc cột sống vùng ngực và vùng cùng cụt. Liệt 2 chi dưới, cơ lực 2/5. Có rối loạn cơ tròn.

Hình 1: Hình ảnh chụp bệnh nhân lúc mới vào viện điều trị. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, đau nhiều cột sống vùng ngực và vùng cùng cụt, liệt 2 chi dưới không đi lại được


Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung cho thấy tổn thương u tại tuyến tiền liệt, hạch vùng tiểu khung trái chèn ép gây giãn niệu quản cùng bên.


Hình 2: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung trước điều trị cho thấy: tổn thương u tại tiền liệt tuyến (mũi tên đỏ), hình ảnh hạch vùng tiểu khung trái (mũi tên vàng).

Bệnh nhân được chụp PET/CT đánh giá toàn thân cho thấy tổn thương tại tuyến tiền liệt, tăng hấp thu F-18 FDG không đều, max SUV 4,17, một số nốt vôi hóa tiền liệt tuyến. Hạch vùng tiểu khung bên trái kích thước 4,7 x 2,2 cm tăng hấp thu FDG, max SUV 4,49, chèn ép gây giãn 2/3 trên niệu quản trái. Xương đốt sống D3, D4, D5, D6 và cung sau các xương sườn tương ứng bên trái tăng hấp thu FDG, tổn thương xương chậu trái tăng hấp thu FDG.


Hình 3: Hình ảnh chụp PET/CT trước điều trị cho thấy tổn thương các đốt sống từ D3 đến D6 (vòng tròn xanh) và cung sau các xương sườn bên trái tăng hấp thu FDG (vòng tròn màu vàng).


Hình 4: Hình ảnh chụp PET/CT trước điều trị cho thấy hạch vùng tiểu khung (mũi tên vàng) tăng hấp thu FDG, maxSUV 4.49 gây chèn ép niệu quản trái, gây giãn 2/3 trên niệu quản trái.


Hình 5: Hình ảnh chụp PET/CT trước điều trị cho thấy tổn thương xương chậu trái tăng hấp thu FDG (vòng tròn màu vàng) maxSUV=3,4


Hình 6: Hình ảnh chụp PET/CT trước điều trị cho thấy tuyến tiền liệt tăng hấp thu FDG maxSUV=4,17, kèm một số nốt vôi hóa (mũi tên màu vàng)

Sinh thiết hạch thượng đòn trái: ung thư biểu mô tuyến di căn hạch.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Ung thư tiền liệt tuyến di căn hạch, di căn xương đa ổ, yếu 2 chi dưới T3N1M1. Giai đoạn IV

Chỉ định điều trị:
  • Xạ trị giảm đau tại vùng tổn thương di căn xương, liều 3Gy/ ngày x 10 buổi, tổng liều 30 Gy.
  • Điều trị thuốc nội tiết: Kháng androgen non-steroid: Casodex 50mg x 1 viên/ngày. Đồng vận LHRH: Zoladex 3.6mg x 1 ống, tiêm dưới da, mỗi 4 tuần.
  • Điều trị giảm đau: Thuốc chống hủy xương nhóm biphosphonat: Zometa 4mg/100ml, truyền tĩnh mạch, mỗi 4 tuần.
  • Điều trị nâng cao thể trạng.
Kết quả sau điều trị:

Lâm sàng:
  • Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt.
  • Mạch, huyết áp bình thường.
  • Ăn ngủ được, tăng 2kg so với trước điều trị
  • Giảm đau xương, 2 chân yếu liệt, cơ lực 2/5
  • Đã có cảm giác 2 chân.
  • Tiểu không tự chủ


Tháng 1/2018, bệnh nhân bị loét vùng cùng cụt do tỳ đè, được chăm sóc vết thương, phẫu thuật chuyển vạt da.

Tháng 2/2018, bệnh nhân tiếp tục điều trị bệnh theo phác đồ nội tiết + chống hủy xương như trên và tập phục hồi chức năng mỗi 4 tuần 1 lần.

Kết quả sau 10 tháng điều trị:

Lâm sàng
  • Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt.
  • Mạch huyết áp bình thường.
  • Da niêm mạc hồng.
  • Ăn ngủ tốt, tăng 4kg so với trước điều trị.
  • Hết đau xương, cơ lực 2 chân cải thiện, chân trái 4/5, chân phải 3/5, đi được bước ngắn.
  • Tiểu khó, tiểu không tự chủ.


Công thức máu, chức năng gan, chức năng thận trong giới hạn bình thường.

Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ đánh giá lại vùng cột sống. Hình ảnh cho thấy đường cong sinh lý trong giới hạn bình thường, tủy ngực có hình dạng và tín hiệu bình thường, không thấy khối choán chỗ trong tủy sống. Hình ảnh tổn thương nhiều đốt sống ngực D3 D4 D5 D6 và một số xương sườn bên trái.


Hình 7: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ vùng cột sống cho thấy tổn thương nhiều đốt sống ngực D3, D4, D5, D6, không thấy khối choán chỗ trong tủy sống (vòng tròn đỏ).

Hiện tại, Bệnh nhân giảm đau và cơ lực 2 chân được cải thiện, bệnh nhân có thể tự đứng và đi được những bước nhỏ, bệnh nhân đại tiểu tiện đã tự chủ được. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ trên tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.

Hình 8:Hình ảnh bệnh nhân có thể đứng được nhờ sự trợ giúp của người thân khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm (sau 10 tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và đi được bước nhỏ).(Hình ảnh do gia đình bệnh nhân cung cấp, được đăng với sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình)

Kết luận:

Từ kết quả điều trị những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn có di căn xương, di căn hạch, chúng tôi đã lựa chọn thuốc điều trị nội tiết và chống hủy xương cho bệnh nhân này, đồng thời cho chỉ định tập phục hồi chức năng phù hợp với giai đoạn bệnh, triệu chứng lâm sàng và nhiều yếu tố khác. Kết quả bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt: cơ lực 2 chân cải thiện, gần như hết đau xương, ăn ngủ tốt và tăng 4kg so với trước điều trị, các xét nghiệm ổn định. Chất lượng sống được cải thiện và thời gian sống cho bệnh nhân được kéo dài, tạo điều kiện cho người bệnh trở về hòa nhập với cuộc sống xã hội. Chúng tôi hi vọng bệnh nhân sẽ ổn định lâu dài với quá trình điều trị hiện tại.

Phạm Cẩm Phương

Tin liên quan