PGS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS. Nguyễn Quang Hùng
Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai
Ca lâm sàng:
Bệnh nhân: Mai Th. V. ; Nữ, 64 tuổi
Bệnh sử:
Ngày 21/09/2010, bệnh nhân được nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, với lý do là tiểu tiện ra dịch phân, gầy sút cân, suy kiệt…
Trước khi nhập viện vào bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư bàng quang và đã được phẫu thuật lấy u ở tuyến dưới.
Kết quả mô bệnh học là: ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.
Sau mổ ổn định, ra viện không điều trị gì.
6 tháng sau khối u phát triển trở lại xâm lấn vào trực tràng, tử cung gây thủng trực tràng, rò phân từ trực tràng vào bàng quang làm cho bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu, sốt cao liên tục, mất nước, gầy sút cân.
Do tình trạng nặng và bệnh ở giai đoạn muộn nên bệnh nhân đã được chuyển lên điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.
Khám lúc vào viện:
Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, sốt 38°5, cao 1m52, nặng 39Kg, da xanh, niêm mạc nhợt, trong tình trạng da bọc xương, hai mắt trũng sâu, không đi lại được. Đặc biệt đi tiểu ra dịch phân.
Xét nghiệm:
+ Công thức máu: bạch cầu tăng (18.000G/l), bạch cầu trung tính 91%. Hồng cầu 3,2T/l, Hb 86g/l.
+ Siêu âm ổ bụng: hình ảnh khối tổn thương vùng tiểu khung, ranh giới không rõ, xâm lấn trực tràng và tử cung.
+ Chụp CT ổ bụng và vùng tiểu khung: hình ảnh khối u từ lòng bàng quang xâm lấn qua thành bàng quang vào trực tràng và tử cung, ngấm thuốc mạnh sau tiêm. Soi bàng quang có lỗ rò từ bàng quang vào trực tràng.
Chẩn đoán cuối cùng: Bệnh nhân bị ung thư bàng quang tái phát giai đoạn muộn, rò bàng quang - trực tràng.
|
Hình A: Trên phim chụp CT vùng tiểu khung: Khối u xuất phát từ bàng quang, xâm lấn tử cung và trực tràng Hình B: Trên hình ảnh nội soi bang: khối u lớn, ranh giới không rõ |
Kế hoạch điều trị:
Bệnh nhân đã được thông qua hội đồng hội chẩn tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai: Kết luận của Hội đồng là có chỉ định hóa - xạ trị tiền phẫu. Sau đó nếu tùy theo tình trạng cụ thể để xét phẫu thuật lại.
Trước hết: bệnh nhân được tiến hành xạ trị bằng máy gia tốc với liều 44Gy, phân liều 2Gy/ngày, chia làm 4 trường chiếu, kết hợp với hóa chất Cisplatin 30mg/m2, truyền tĩnh mạch một tuần một lần.
Kết quả: Sau xạ trị và hóa trị tiền phẫu như trên: thì khối u đáp ứng một phần và thu nhỏ đi nhiều, bệnh nhân đã tăng 6kg, hết sốt, tự sinh hoạt được.
|
Hình C: Hình ảnh CT vùng tiểu khung sau xạ trị và hóa chất tiền phẫu: khối u thu nhỏ đi rất nhiều, vùng tổn thương được khu trú lại |
Sau đó bệnh nhân đã được hội chẩn với các chuyên gia Ngoại tiết niệu, để xem xét khả năng phẫu thuật phục hồi lại lưu thông đường tiêu hóa và tiết niệu.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ, cắt bàng quang bán phần và khâu phục hồi lỗ rò ở trực tràng.
Sau mổ: hậu phẫu ổn định, chúng tôi đã tiến hành điều trị bổ trợ hóa chất: Gemcitabin 1000mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1và 8, kết hợp với Cisplatin 70mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1.
Sau 4 đợt điều trị, bệnh nhân ổn định, đáp ứng sau điều trị tốt, tăng cân, hết đau, đại tiện và tiểu tiện bình thường. Bệnh nhân được theo dõi, khám định kỳ.
Kết quả sau 2 năm điều trị:
Kết quả thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sang toàn thân và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy: bệnh nhân có đáp ứng điều trị hoàn toàn, không còn khối u và sinh hoạt trở về bình thường, đại tiện và tiểu tiện bình thường theo con đường tự nhiên
|
Hình ảnh trên phim chụp MRI vùng tiểu khung: bệnh đáp ứng hoàn toàn, không còn khối u, không còn thông trực tràng và bàng quang |
Một số nhận xét từ kết quả điều trị bệnh nhân này:
- Ung thư bàng quang là một bệnh lý ác tính của hệ thống tiết niệu, đứng hàng tứ 4 ở nam và hành thứ 7 ở nữ. Tỷ lệ tử vong 8-9/100000 dân/năm.
- Điều trị ung thư bàng quang phải kết hợp nhiều phương pháp, chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị + hóa chất. Ngay cả giai đoạn phát hiệu sớm, sau khi phẫu thuật cũng nên điều trị bổ trợ bằng hóa xạ trị mới có thể kéo dài thời gian sống thêm và cải thiện được chất lượng sống cho người bệnh,
- Chúng tôi đã áp dụng đa phương pháp trong điều trị ung thư bàng quang đối với bệnh nhân này, đặc biệt những trường hợp giai đoạn muộn, cũng đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Nguồn: ungthubachmai