GS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS.BS. Phạm Văn Thái
Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất về tỉ lệ mắc, đồng thời cũng là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu ở Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn thế giới hiện nay. Tuy nhiên, một số lượng bệnh nhân phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Trước đây, việc điều trị các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả điều trị thấp, tiên lượng xấu, nhiều bệnh nhân chỉ điều trị bằng chăm sóc giảm nhẹ (Điều trị không đặc hiệu). Trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong Y sinh học, đã có nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi nói chung, trong đó có ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Đặc biệt, trong lĩnh vực sinh học phân tử, các nhà khoa học đã tìm ra các thuốc mới, tác động vào các phân tử đặc hiệu mà các phân tử này cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Phương pháp này còn được gọi là điều trị đích. Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, cũng như ở Việt Nam, các thuốc này được chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn muộn, giúp cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị đích trong ung thư phổi nhưng có thể chia làm 2 nhóm: Các kháng thể đơn dòng và các phân tử nhỏ. Tuy nhiên, cần phải có sự lựa chọn thuốc, phối hợp thuốc điều trị đích với các thuốc hoá chất và các phương pháp điều trị khác một cách tối ưu nhất nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, đồng thời hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Điều này, đòi hỏi phải có sự đánh giá đầy đủ, chính xác trước khi điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa sâu về ung thư, có kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị ung thư.
Sau đây là một ca lâm sàng, được chẩn đoán xác định và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai:
Họ và tên: Đ T P Nữ 45 tuổi
Nghề nghiệp: Cán bộ
Lí do vào viện: Ho kéo dài
Bệnh sử: Diễn biến bệnh 3 tháng, khởi đầu có ho kèm theo ít đờm, đau tức ngực trái khi ho, không sốt. Cách ngày vào viện 1 tháng bệnh nhân (BN) khó thở nhiều, đã khám tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương, chẩn đoán tràn dich màng phổi trái, loại trừ lao phổi → Bệnh viện Bạch Mai
Tiền sử bản thân
Không hút thuốc lá, thuốc lào
Không mắc bệnh gì
Tiền sử gia đình
Không ai bị ung thư
Khám lúc vào viện
Tỉnh, cao 160, nặng 46 kg
Da, niêm mạc bình thường
Hạch ngoại vi không sờ thấy
Hội chứng 3 giảm phổi trái
Chụp PET/CT
Kết quả chụp PET/CT: Hình ảnh khối u thuỳ dưới phổi trái 2,0x1,7cm, max SUV = 6,58 (Mũi tên màu đỏ trong hình A,B), tràn dịch toàn bộ màng phổi trái (Mũi tên màu đỏ trong hình C,D)
Bệnh nhân được chọc dịch màng phổi, xét nghiệm tế bào học (Cells Block), kết luận : ung thư biểu mô
Sinh thiết khối u xuyên thành ngực dưới hướng dẫn CT. Kết quả :
+ Tế bào học: nghi ngờ ung thư biểu mô
+ Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến
Các xét nghiệm khác :
+ Công thức máu : Bình thường
+ Chức năng gan thận bình thường
+ Chất chỉ điểm khối u : CEA: 156,34 ng/ml (Bình thường < 5 ng/ml).
Các chất khác : Cyfra 21-1, CA 19-9, CEA 72-4, CA 15-3 trong giới hạn bình thường.
+ Vi sinh: HbSAg (-), HCV (-)
+ Cộng hưởng từ sọ não: Không có hình ảnh bất thường
Chẩn đoán: Ung thư phổi trái loại biểu mô tuyến, giai đoạn T2N0M1a (Giai đoạn IV)
Xử trí
- Xét nghiệm phân tích đột biến gen EGFR: âm tính
- Hóa chất phác đồ:
+ Paclitaxel: 175 mg/m2, TM ngày 1
+ Carboplatin: AUC=6
+ Avastin 7,5mg/kg, tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày, 6 chu kỳ
Điều trị duy trì: Bevacizumab 7,5mg/m2 x 6 chu kỳ
Đánh giá kết quả điều trị sau 12 tháng
Nguồn: ungthubachmai.com.vn