Thông động tĩnh mạch não (AVM: Arteriovenous malformation) là một dị dạng mạch máu não có tính chất bẩm sinh do có sự thông trực tiếp động mạch và tĩnh mạch không qua hệ thống mao mạch...
AVM có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể, ở mọi lứa tuổi nhưng xảy ra thường xuyên nhất trong não. Một AVM não có thể xảy ra trong bất kỳ một phần của bộ não như thân não hay bán cầu não. Nhiều bệnh nhân có dị dạng AVM mà không có biểu hiện triệu chứng gì, mà phát hiện tình cờ khi chụp phim sọ não hoặc vào viện trong biến chứng chảy máu não.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp của AVM: Đau đầu, động kinh, rối loạn cảm giác, tê hoặc yếu một phần cơ thể, rối loạn tâm thần ít gặp, một số bệnh nhân được phát hiện AVM khi đã có chảy máu não.
Chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính ( chụp cắt lớp 64 dãy), cộng hưởng từ, chụp mạch não…
Hình 1, Hình ảnh minh họa khối dị dạng động tĩnh mạch não
Điều trị AVM nội sọ gồm các phương pháp phẫu thuật mở, nút mạch, xạ phẫu, xạ trị, trong đó xạ phẫu bằng dao gamma quay là phương pháp điều trị ít xâm nhập ngày càng được chỉ định rộng rãi cho bệnh nhân AVM ngay từ ban đầu, đặc biệt là các AVM ở vị trí nguy hiểm, cũng như đã thất bại hoặc không thể điều trị được với các phương pháp khác
Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân bị AVM bằng dao Gamma quay (Rotating Gamma Knife) đơn thuần hoặc phối hợp với nút mạch, phẫu thuật.
Trong tổng số hơn 300 bệnh nhân AVM này có hơn 50 bệnh nhân là trẻ em đã được điều trị bằng dao gamma quay.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu hai trường hợp bệnh nhân bị AVM đã được điều trị khỏi hoàn toàn bằng dao Gamma quay.
Bệnh nhân thứ nhất: Bùi V. Ch. , nữ, 13 tuổi
Tháng 10- 2008, bệnh nhân đi khám bệnh vì có biểu hiện động kinh co giật toàn thể.
Cháu được khám bệnh và chụp phim cắt lớp vi tính sọ não đa dãy (MSCT) phát hiện một khối AVM ở thùy trán trái. Gia đình bệnh nhân chuẩn bị có kế hoạch cho bệnh nhân ra nước ngoài điều trị nhưng sau khi được khám tại trung tâm Y học hạt nhân và Uung bướu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân và gia đình quyết định điều trị tại trung tâm.
Hình 2; Hình ảnh MSCT trước điều trị: Khối dị dạng AVM (khối màu trắng nằm trong vòng tròn đỏ), ở bán cầu não trái, kích thước 3x4 cm, có nhiều cuống nuôi, ở vùng có chức năng. Phân độ III theo bảng phân độ AVM của Spetzler và Martin. Bệnh nhân đau đầu, động kinh.
Sau khi được hội chẩn với các chuyên gia: nội thần kinh, phẫu thuật thần kinh, điện quang can thiệp, ung bướu, Y học hạt nhân… bệnh nhi được điều trị bằng dao Gamma quay với liều 18 Gy.
Sau xạ phẫu 3 tháng, kết hợp dùng thuốc kháng động kinh ( Depakin 0,2 gram, uống 2 viên/ ngày), cháu không còn các triệu chứng co giật và không có dấu hiệu thần kinh khu trú. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi lâm sàng, chụp phim MSCT hoặc MRI sọ não định kỳ 3-6 tháng 1 lần. Kết quả rất tốt, khối AVM có kích thước nhỏ dần và khỏi hoàn toàn sau 18 tháng.
Hình 3; Kết quả phim chụp MSCT não sau 14 tháng điều trị : Không thấy hình ảnh dị dạng trên phim nhu mô não, trên phim tái tạo mạch máu thấy khối dị dạng nhỏ lại trên 70 %( khối mạch máu trong vòng tròn đỏ)
Hình 4; Kết quả phim chụp MSCT não sau 18 tháng điều trị: Không thấy hình ảnh dị dạng trên phim nhu mô não và trên phim tái tạo mạch máu thấy khối dị dạng. Bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn.
Bệnh nhân thứ 2, Nguyễn Th. H, nữ, 17 tuổi.
Tháng 2/ 2010 bệnh nhân vào khoa thần kinh với chẩn đoán chảy máu não do vỡ khối AVM vùng đỉnh não bên trái.
Sau 3 tuần điều trị nội khoa, khối máu tụ đã tiêu hoàn toàn. Bệnh nhân được quyết định điều trị khối AVM bằng xạ phẫu dao Gamma quay tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng như các bệnh nhân AVM sau xạ phẫu Gamma, cháu H được khám định kỳ 3 tháng 1 lần. Kết quả là sau 14 tháng xạ phẫu cháu đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Hình 5; Hình ảnh khối dị dạng trước và sau xạ phẫu dao gamma quay
AVM là một bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Có nhiều phương phương pháp để điều trị bệnh AVM: Phẫu thuật, nút mạch, và xạ phẫu. Tùy trường hợp cụ thể và nhiều yếu tố khác mà người thầy thuốc có thể lựa chọn một phương pháp hoặc phối hợp với các phương pháp khác với nhau. Dao gamma quay là một phương pháp xạ phẫu hiện đại mới được áp dụng ở Việt Nam trong thời gian gần đây tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, đã chứng minh được tính an toàn , hiệu quả , đặc biệt cho nhân trẻ tuổi và người già, cũng như các bệnh nhân tái phát sau nút mạch, sau phẫu thuật. Dao gamma quay sử dụng năng lượng của nhiều chùm tia bức xạ được hội tụ một cách chính xác vào khối dị dạng AVM nên các mạch máu thông nhau tại khối AVM sẽ bị xơ hóa, lòng mạch đầy lên, các sợi collagen tăng sinh và mạch máu dị dạng bị tắc lại dần dần. Chính vì vậy hiệu quả điều trị cao và ổn tính, tỷ lệ tái phát thấp. Thời gian khỏi bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào các yếu tố: kích thước khối dị dạng, số cuống động mạch nuôi AVM, liều xạ phẫu…. Việc theo dõi định kỳ sau điều trị rất quan trọng, bệnh nhân sẽ được phát hiện những triệu chứng bất thường và đánh giá được tiến triển của bệnh để bác sỹ điều trị đưa ra những điều trị kịp thời.
PGS.TS.Mai Trọng Khoa, Ths.Bs. Vương Ngọc Dương, ThS.Bs. Đoàn Xuân Trường và CS