Ca lâm sàng: Tư vấn di truyền trường hợp ung thư vú, ung thư buồng trứng mang đột biến gen BRCA1 tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 01/07/2021 Lượt xem 3106

Ca lâm sàng: Tư vấn di truyền trường hợp ung thư vú, ung thư buồng trứng mang đột biến gen BRCA1 tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

   GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, BSNT. Bùi Bích Mai

                                                Đơn vị Gen – Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Đột biến gen BRCA1 (BReast CAncer gene 1) đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng (Hội chứng ung thư vú – buồng trứng di truyền; HBOC - Hereditary breast and/or ovarian cancer).

Cụ thể, nếu người mang đột biến trên gen BRCA1 thì trong suốt cuộc đời họ, nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng có thể lên đến 87% và 63%. Ngoài ra, đột biến trên gen này cũng làm tăng nguy cơ một số ung thư khác như ung thư tụy, phúc mạc, đại tràng,.. Chúng tôi báo cáo một trường hợp ung thư vú và ung thư buồng trứng nguyên phát mang biến thể gây bệnh trên gen BRCA1.

Ca lâm sàng:

     Bệnh nhân nữ, 47 tuổi.

-        Tiền sử bản thân: Năm 39 tuổi được chẩn đoán là ung thư vú nguyên phát; chẩn đoán ung thư buồng trứng nguyên phát năm 43 tuổi.

-        Tiền sử gia đình:

+ Có mẹ đẻ và dì ruột được chẩn đoán ung thư buồng trứng năm 50 tuổi đã phẫu thuật và hóa trị. Hiện tại bệnh ổn định.

+ Ngoài ra, không có ai mắc các bệnh ung thư khác như ung thư tụy, phúc mạc, đại tràng,…

 3636 anh 1

Hình 1: Sơ đồ phả hệ

 -          Đặc điểm lâm sàng:

+ Cách 8 năm (39 tuổi), bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú phải nguyên phát. Kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô ống xâm nhập; bộ ba âm tính: ER (-), PR (-) và Her2 (-). Đã điều trị phẫu thuật cắt vú phải, truyền hóa chất và xạ trị. Bệnh nhân tái khám định kỳ. Bệnh ổn định.

+ Cách 4 năm (43 tuổi), bệnh nhân khám định kỳ phát hiện khối u buồng trứng phải. Kết quả chụp PET/CT cho thấy: hình ảnh khối u buồng trứng phải tăng hấp thu FDG. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ, 2 phần phụ và mạc nối lớn. Kết quả mô bệnh học: Buồng trứng: Ung thư biểu mô thanh dịch độ cao.

Dựa vào các dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân, chúng tôi tiến hành phân tích nguy cơ mang đột biến trên 2 gen liên quan nhiều đến ung thư vú và buồng trứng là BRCA1 và BRCA2 trên phần mềm thống kê tiêu chuẩn. Mô hình thống kê tính toán khả năng mang đột biến trên gen BRCA1/2 của bệnh nhân từ đó đưa ra quyết định về tư vấn di truyền, xét nghiệm di truyền cũng như nguy cơ tiến triển ung thư vú, ung thư buồng trứng trong 10 năm gần nhất và trong suốt thời gian sống của bệnh nhân.

 3636 anh 2

   Hình 2: Kết quả phân tích nguy cơ trên phần mềm thống kê

Sau khi phân tích, chúng tôi nhận thấy nguy cơ của bệnh nhân tăng rất cao so với nguy cơ nền của dân số nói chung. Cụ thể, nguy cơ ung thư trong 10 năm và trong suốt thời gian sống lần lượt là 18,8% và 65,3%, nguy cơ mang đột biến gen BRCA1 là 86,42% và BRCA2 là 0,91%.

                Bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm di truyền phân tích gen BRCA1 và BRCA2 theo phương pháp giải trình tự bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS – Next-generation sequencing). Kết quả cho thấy phát hiện một biến thể có thể gây bệnh (được coi là dương tính) c.-?_c.80+?del ở dạng dị hợp tử trên gen BRCA1. Đột biến này làm mất đoạn exon 2 của gene BRCA1 gây biến đổi trình tự mã hóa protein, tạo ra các protein bất thường do đó có khả năng dẫn đến các biểu hiện lâm sàng quan sát được trên bệnh nhân.

                Tư vấn di truyền được tiến hành cả trước và sau khi bệnh nhân làm xét nghiệm nhằm cung cấp thông tin rõ ràng, cần thiết cho bệnh nhân về lợi ích, hạn chế của xét nghiệm di truyền cũng như nguy cơ, tiên lượng bệnh và thảo luận các phương pháp điều trị  liên quan hiện nay. Trong trường hợp này, khi mang đột biến, bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt với các phác đồ hóa trị có chứa platin và có chỉ định điều trị thuốc ức chế PARP khi bệnh tái phát hoặc di căn xa. Đáng chú ý, người thân cấp độ 1 (bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột và con đẻ) cần được tư vấn di truyền và xem xét tiến hành xét nghiệm di truyền ngay khi có thể để có kế hoạch tầm soát và điều trị kịp thời.

Nhận xét:

Bệnh nhân có các đặc điểm lâm sàng gợi ý nhiều đến nhóm ung thư vú và buồng trứng do di truyền. Một ung thư nguyên phát (ung thư vú) chẩn đoán trước năm 45 tuổi và ung thư nguyên phát thứ 2 (ung thư buồng trứng) tiến triển trên cùng một người bệnh. Trong đó, ung thư vú với thể bộ ba âm tính chẩn đoán trước 60 tuổi và ung thư buồng trứng là một trong những chỉ định cho tư vấn di truyền và xét nghiệm di truyền (1). Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ trường hợp ung thư vú bộ ba âm tính có mang đột biến gen BRCA1/2 từ 10 – 20% (2). Ung thư vú thể biểu mô thanh dịch độ cao là týp có mang đột biến BRCA1/2 cao nhất trong các phân nhóm ung thư buồng trứng với tỷ lệ mang đột biến từ 20 – 25% (3).

Hơn nữa, người bệnh có tiền sử 2 người thân mắc ung thư buồng trứng trong cùng một phía phả hệ (bên mẹ). Trong thực hành lâm sàng, chỉ cần có một trong các đặc điểm trên, người bệnh cần được tư vấn di truyền và cân nhắc xét nghiệm di truyền tùy từng trường hợp cụ thể để tìm nguy cơ ung thư di truyền. Từ đó đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp, tiên lượng bệnh cũng như tầm soát, can thiệp kịp thời cho thân nhân người bệnh.

Tóm lại.

Trên đây là một trường hợp điển hình về Hội chứng ung thư vú – buồng trứng di truyền; (HBOC - Hereditary breast and/or ovarian cancer). Trên thực tế, khi có các đặc điểm của ung thư di truyền, người bệnh cần được tư vấn và xét nghiệm di truyền để có kế hoạch điều trị cũng như tầm soát và phát hiện sớm với các thân nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Genetic/Familial High-Risk Assessment: Breast, Ovarian and Pancreatic. Version 2.2021

2. Wong-Brown M. W., Meldrum C. J., Carpenter J. E., et al. Prevalence of BRCA1 and BRCA2 germline mutations in patients with triple-negative breast cancer. Breast Cancer Research and Treatment2015;150(1):71–80. doi: 10.1007/s10549-015-3293-7.

3. Hennessy B.T., Timms K.M., Carey M.S., Gutin A., Meyer L.A., Flake D.D., 2nd Somatic mutations in BRCA1 and BRCA2 could expand the number of patients that benefit from poly (ADP ribose) polymerase inhibitors in ovarian cancer. J. Clin. Oncol. 2010;28:3570–3576.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan