Điều trị tân bổ trợ PEMBROLIZUMAB trong ung thư bàng quang xâm lấn cơ (Muscle-Invasive Bladder Cancer-MIBC)

Ngày đăng: 18/03/2020 Lượt xem 2531
CN. Nguyễn Thị Thu Giang (lược dịch)

Đơn vị Gen – Tế bào gốc,

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

 

Liệu pháp miễn dịch với các thuốc ức chế PD-1 và PD-L1 đã trở thành tiêu chuẩn điều trị cho những bệnh nhân ung thư biểu mô đường niệu giai đoạn tiến xa đã tiến triển hoặc không đủ điều kiện để điều trị hóa trị phác đồ có cisplatin. Sự hiệu quả của các thuốc này trên những bệnh nhân di căn đã làm tiền đề cho nghiên cứu ở những giai đoạn sớm hơn của bệnh. Tiêu chuẩn điều trị hiện nay của ung thư bàng quang xâm lấn cơ (Muscle-invasive bladder cancer – MIBC) là hóa trị trên nền cisplatin, sau đó cắt bỏ toàn bộ bàng quang (Radical cystectomy – RC). Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân được điều trị hóa trị tân bổ trợ và một nửa số bệnh nhân MIBC không đủ điều kiện hóa trị có cisplatin. Một nghiên cứu phase II nhãn mở, đơn nhóm (PURE-01) đã đánh giá hiệu quả của thuốc ức chế PD-1 pembrolizumab (200 mg mỗi 3 tuần trong 3 chu kì) khi được dùng như liệu pháp tân bổ trợ trước khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang trên 50 bệnh nhân ung thư bàng quang xâm lấn cơ.

Tất cả các bệnh nhân đều được hóa trị tân bổ trợ pembrolizumab trước khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. 21 bệnh nhân (42%) đáp ứng hoàn toàn (pT0), 6 bệnh nhân còn khối u (pTa, pTis, hoặc pT1), nghĩa là 27 (54%) bệnh nhân có đáp ứng đạt pT<2 và giảm giai đoạn xuống không xâm lấn cơ. Các phân tích chỉ điểm sinh học đã tìm thấy mối liên quan giữa biểu hiện PD-L1, mức độ đột biến khối u (tumor mutation burden - TMB) và biểu hiện gen với mức độ đáp ứng đạt pT0. Bệnh nhân có tỉ lệ dương tính kết hợp PD-L1 (PD-L1 combined positive score – CPS PD-L1) ≥10% có nhiều khả năng đạt được pT0 hơn so với bệnh nhân có CPS PD-L1<10% (54,3% so với 13,3%).TMB ≥15 đột biến/ Mb cũng liên quan đáng kể với việc tăng tỷ lệ pT0 (p=0,22). Bệnh nhân đạt pT0 có biểu hiện gen cao hơn liên quan đáng kể với tín hiệu gamma interferon, sự hiện diện kháng nguyên, sự biệt hóa tế bào T, các chemokine cùng các thụ thể, các thụ thể ức chế cùng các phối tử và IDO1.

Phản ứng có hại (adverse event – AE) thường gặp nhất (ở tất cả các mức độ) là rối loạn chức năng tuyến giáp (18%). AE độ 3 xảy ra ở 3 bệnh nhân (6%) trong đó có 1 bệnh nhân ngừng điều trị với pembrolizumab do tăng men gan độ 3. Các biến chứng sau phẫu thuật được như mong đợi dù có một số bệnh nhân bị các AE liên quan đến miễn dịch chậm, bao gồm sốt (6%), ngứa (6%) và khô miệng (4%).

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng pembrolizumab là liệu pháp tân bổ trợ an toàn khi sử dụng trên bệnh nhân ung thư bàng quang xâm lấn cơ với tỷ lệ pT0 ấn tượng, đặc biệt trên những bệnh nhân PD-L1 dương tính và những bệnh nhân có tỉ lệ TMB ≥15 đột biến/Mb. Khi các nghiên cứu trong tương lai đánh giá pembrolizumab theo kiểu ngẫu nhiên được chứng minh, các tác giả đã tuyên bố rằng tân bổ trợ pembrolizumab nên được lựa chọn để điều trị cho những bệnh nhân không đủ điều kiện điều trị hóa trị phác đồ có cisplatin nhưng có biểu hiện PD-L1 hoặc TMB cao. 

Nguồn: Theo J Clin Oncol. 2018 Oct 20

Ungthubachmai.vn

Tin liên quan